Mãng cổ chu cáp – Linh thú với độc tính chí dương
Mãng cổ chu cáp được mệnh danh là vua của mọi loại độc. Nó trông giống một con ếch, dài chưa tới 2 tấc, toàn thân có màu đỏ như máu, đôi mắt lấp lánh kim quang, tiếng kêu như trâu đực rống.
Trong Thiên long bát bộ, khi nó đuổi giết con rết tinh và cả 2 đã vô tình chui vào bụng Đoàn Dự khiến anh chàng luyện được một thân vạn độc bất xâm.
Từ chi tiết này có thể thấy tuy Mãng cổ chu cáp tuy rất độc nhưng khi bị Đoàn Dự nuốt vào bụng nó đã bị dịch axit trong dạ dày anh ta tiêu hóa hết. Cũng đồng nghĩa là nọc độc của nó nếu hòa vào máu mới gây tử vong lập tức nhưng nếu chỉ nuốt vào bụng và miệng, họng, thực quản, ruột và dạ dày không bị nội thương thì sẽ vô sự. Lúc này đối với Mãng cổ chu cáp thì dịch vị dạ dày của Đoàn Dự mới là cực độc biến nó thành đồ ăn để tiêu hóa.
Tuy nhiên, Mãng cổ chu cáp cũng không hẳn là vạn độc bất xâm, trên thực tế đã có 2 phân đoạn mô tả trong truyện khiến ta thấy được rằng độc dược của nó cũng có lúc bị đánh bại.
Lần đầu là khi Đoàn Dự bị Đoàn Diên Khánh ám hại bằng Âm Dương hòa hợp. Âm Dương hòa hợp tán là một loại độc dược kiêm xuân dược, nó kích thích ham muốn dục vọng của con người lên tột đỉnh, nếu không có cách cân bằng khí âm dương trong cơ thể thì sẽ có thể dẫn đến tử vong.
Khi đó,Đoàn Diên Khánh nhốt 2 anh em nhà họ Đoàn là Đoàn Dự (Thái tử nước Đại Lý) và Mộc Uyển Thanh vào thạch lao, đã trộn loại xuân dược này vào đồ ăn, hòng ép hai người phải làm chuyện loạn luân, từ đấy phá hỏng danh dự của họ Đoàn ở nước Đại Lý. Nhiều người nói rằng Đoàn Dự đã thoát khỏi âm mưu của Đoàn Diên Khánh nhờ thân thể có độc dược của Mãng cổ chu cáp. Nhưng, thực tế là Mộc Uyển Thanh được "đánh tráo" bằng Chung Linh, nghĩa là Đoàn Dự đã làm "chuyện đó" với Chung Linh mới thoát khỏi cái chết chứ không phải nhờ Mãng cổ chu cáp.
Lần thứ hai là khi Đoàn Dự trúng độc Túy nhân phong của Vương phu nhân. Theo lời của Vương phu nhân thì Túy nhân phong được chế tạo bằng cách dùng mật ong của bà nuôi trộn thêm thuốc mê, lại thêm một loại dược vật khiến cho người bị ong này đốt sẽ mê man, bất tỉnh nhân sự 4,5 ngày liền. Đoàn Dự sau khi bị trúng độc Túy nhân phong thực sự đã ngất đi trong ngần ấy thời gian.
Băng tằm ngàn năm - Vạn độc vương chí âm
Là một con tằm đến từ núi Côn Luân, toàn thân trắng như ngọc ẩn hiện sắc xanh, lớn gấp đôi tằm bình thường, dài bằng con giun, tỏa ra hàn khí lạnh buốt người. Nó đi đến đâu thì cỏ đang xanh cũng héo úa tới đó.
Độc tính của nó không thua kém Mãng cổ chu cáp, chỉ là chí âm. Một khi bị trúng độc, máu trên khắp cơ thể sẽ nhanh chóng bị đông lại, không thể lưu thông, cơ thể như bị đóng băng mà chết.
Du Thản Chi từng là nạn nhân của Băng tằm nhưng may mắn trước đó học được Dịch Cân Kinh nên có thể hấp thụ hết độc tính, khiến y có được nội công thượng thừa của Phật môn lại có tính chí âm của Băng tằm, miễn nhiễm với các loại độc.
Du Thản Chi cũng là nhờ độc tính của Băng tằm ngàn năm mà dễ dàng đánh lùi Đinh Xuân Thu, một bậc thầy trong việc sử dụng độc dược của Thiên long bát bộ. Ngay cả Kiều Phong, chiến thần bất bại cũng không dám động vào phần tay của Du Thản Chi. Mỗi lần chạm vào tay Du Thản Chi, Kiều Phong đều không khỏi rùng mình, cảm giác lạnh buốt vô cùng khó chịu sẽ xâm chiếm cơ thể chàng ta.
Trong phiên bản Thiên long bát bộ mới mà nhà văn Kim Dung có sửa lại, có một đoạn mô tả cảnh Đoàn Dự vô tình dùng Chu cáp thần công đấu với Du Thản Chi qua lời kể của Cưu Ma Trí. Thật tình cờ, Mãnh cổ chu cáp là loài vật có độc tính cực dương còn Băng tằm ngàn năm có trong người Du Thản Chi lại có tính cực âm. Hai người khó lòng phân thắng bại, e dè, nếu cứ đấu thì cả hai sẽ cùng chết ra nên hai đại cao thủ Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác đã phải ra tay ngăn cản.
Từ đây có thể thấy, Mãng cổ chu cáp và Băng tằm ngàn năm có sức mạnh ngang tài ngang sức, không con nào mạnh hơn con nào.