Cố nhà văn Kim Dung qua đời để lại một kho tàng truyện kiếm hiệp đi vào kinh điển với thế giới. Một trong những nhân vật được khắc họa thành công dưới ngòi bút sắc bén của Kim Dung chính là Đoàn Dự với tuyệt kỹ Lục Mạch Thần Kiếm vô địch thiên hạ.
Đoàn Dự là một trong ba nhân vật nam chính trong truyện Thiên long bát bộ của Kim Dung, là con của Thái tử Đại Lý Đoàn Diên Khánh và Trấn nam vương phi Đao Bạch Phượng và là vương tử nước Đại Lý. Người anh hùng này có dáng vẻ thư sinh, tính hay si, sùng đạo, ghét bạo lực, thẳng thắn, đa cảm và nhiều khi hơi gàn.
Không chịu học võ nhưng nhờ cơ duyên may mắn nên Đoàn Dự đã học được Bắc Minh Thần Công có thể hút công lực của người khác, Lục Mạch Thần Kiếm, Lăng Ba Vi Bộ di chuyển khinh công lẹ làng. Trên đường đi du ngoạn giang hồ Đoàn Dự đã kết nghĩa huynh đệ lần lượt với Kiều Phong và Hư Trúc.
Lục Mạch Thần Kiếm
Lục Mạch Thần Kiếm danh xưng "Thiên hạ đệ nhất kiếm khí", là tên một loại tuyệt kỹ võ công xuất hiện trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Nó là tuyệt kỹ sử dụng kiếm khí (vô hình) phóng ra từ đầu ngón tay để sát thương đối thủ. Ngoại trừ người sáng tạo là vua khai quốc của Đại Lý Đoàn Tư Bình, nó được xem là môn võ công tối thượng rất khó để luyện được (kể cả sáu cao tăng đắc đạo Thiên Long tự) cho đến khi Đoàn Dự vô tình luyện thành công. Theo đó, đây là một trong 2 tuyệt kỹ độc môn truyền nội không truyền ngoại của nước Đại Lý: Nhất Dương Chỉ và Lục Mạch Thần Kiếm.
Nhất Dương Chỉ là bộ chỉ pháp được truyền dạy trong hoàng tộc Đại Lý, còn Lục Mạch Thần Kiếm thì chỉ có những đệ tử xuất gia của Thiên Long tự mới được truyền dạy (nhiều vị vua và hoàng tộc Đại Lý khi về già tu hành tại chùa này), vì uy lực của nó quá lớn nên phải tu tập Phật pháp để trung hòa. Theo truyện Thiên long bát bộ, bộ thần kiếm này được sánh ngang với Dịch Cân Kinh của Thiếu Lâm Tự nên nó thu hút các võ lâm cao thủ chiếm đoạt và tiêu biểu nhất là Đại Luân Minh Vương Cưu Ma Trí. Trong Thiên long bát bộ, Lục mạch thần kiếm được tu luyện dựa trên cách vận hành khí tâm pháp yếu chỉ riêng rồi dùng Nhất Dương chỉ phát triển thành kiếm khí. Sáu mạch của bộ kiếm pháp này bao gồm:
Thiếu trạch kiếm
Thiếu xung kiếm
Quan xung kiếm
Trung xung kiếm
Thương dương kiếm
Thiếu thương kiếm
Lục Mạch Thần Kiếm còn có thể dùng như một trận pháp gọi là Lục Mạch Kiếm Trận, sáu người chia nhau học sáu mạch kiếm như sáu vị cao tăng của Thiên Long Tự. Tuy nhiên Lục Mạch Kiếm Trận uy lực không cao bằng Lục Mạch Thần Kiếm.
Muốn luyện thành bộ võ công này có 2 cách:
Tu luyện Nhất Dương Chỉ đến mức độ có thể xuất chỉ khí phóng ra đầu ngón tay thì được xem là nhập môn, có thể luyện được 1 mạch. Từ đó càng tu luyện lên cao để có thể sử dụng toàn bộ. Cách này rất khó luyện, ngoại trừ Đoàn Tư Bình thì chưa có ai theo cách này mà luyện thành Lục Mạch Thần Kiếm.
Tu luyện nội lực đến mức cực cao, ít nhất phải có 1 giáp công lực (60 năm) trong thân. Theo đó có thể tùy ý luyện thành Lục Mạch Thần Kiếm mà không phải tu luyện Nhất Dương Chỉ. Theo cách này chỉ cần có 1 pho nội công thượng thừa thì có thể dễ dàng luyện thành Thần Kiếm.
Lục Mạch Thần Kiếm dùng để giải rượu
Trong truyện của Kim Dung, chỉ có duy nhất Đoàn Dự luyện được môn tuyệt học này. Tuy nhiên, chàng lại sử dụng nó theo kiểu ngẫu hứng, lúc được, lúc không, nên đã sinh ra nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười. Có những lúc Lục Mạch Thần Kiếm có thể đại hiển uy lực, khiến các đại cao thủ võ lâm sống dở chết dở; nhưng cũng có những lúc nó nhất định không chịu phát ra, khiến cho Đoàn công tử phải vắt chân lên cổ chạy giữ lấy mạng.
Có điều, ngoài tác dụng đả thương, giết địch, Lục Mạch Thần Kiếm còn có một tác dụng phụ khác hoàn toàn khác biệt: giúp chủ nhân... ăn gian khi đấu tửu.
Lần đầu tiên gặp mặt Kiều Phong, Đoàn Dự bị vị đại ca phóng khoáng khích bác thi đấu tửu. Tửu lượng của Kiều Phong vô địch thiên hạ, nhưng khi gặp truyền nhân của Lục Mạch Thần Kiếm thì cũng đành cam bái hạ phong. Đoàn Dự uống chưa được một chén đã say mềm, nhưng khi vô tình vận nội công, Lục Mạch Thần Kiếm lại giúp... tiết tửu vừa uống ra đầu ngón tay, chảy sạch ra ngoài.
Chàng thư sinh láu cá chỉ việc gác một tay lên cột nhà để tửu chảy ra ngoài, thản nhiên đối ẩm cùng vị đại ca tửu lượng như biển rộng. Cuối cùng, Kiều Phong phải thán phục nhận thua, bởi nếu uống nữa chắc chắn chàng sẽ ngấm tửu mà say mất, chứ không thể không đổi sắc như vị thư sinh trói gà không chặt Đoàn công tử.
Trong Thiên long bát bộ (năm 2003), Lâm Chí Dĩnh cũng nhận được rất nhiều lời khen ngợi khi nhập vai Đoàn Dự. Cuộc đấu tửu giữa Đoàn Dự và Kiều Phong tại tửu quán được xây dựng lại chi tiết hệt như trong truyện, mang tới những khoảnh khắc cực kỳ thú vị cho khán giả xem phim.