Đầu thai, tái hóa thân, tái hiện thân hay chuyển kiếp theo luân hồi là một niềm tin được tìm thấy trong các triết lý tôn giáo lớn của Ấn Độ, bao gồm Yoga, Phật giáo, đạo Jain và một số tôn giáo khác.
Trong khái niệm đầu thai, một tính cách mới được phát triển trong mỗi kiếp sống mới trong thế giới loài người, dựa vào các kinh nghiệm tích lũy từ các kiếp sống trước và những kinh nghiệm mới đạt được trong kiếp sống hiện tại, nhưng cá tính của người đó vẫn là không đổi trong suốt các kiếp sống kế tiếp nhau. Người ta tin rằng có sự tương tác của những sự sắp đặt trước của một số kinh nghiệm sống nào đó, hay là những bài học được dự định là sẽ xảy ra trong kiếp sống đó, và những hành động tự chọn bởi chính bản thân người đó trong khi họ đang sống kiếp đó.
Niềm tin vào sự đầu thai là một hiện tượng có từ thời cổ đại; trong nhiều hình thức khác nhau, từ thời Ai Cập cổ đại, hay có lẽ là trước đó, con người đã tin vào một cuộc sống tương lai sau khi chết. Các ngôi mộ cổ chứa đựng cả người và của cải có thể là bằng chứng cho niềm tin rằng người đó có thể lại cần đến những thứ của cải đó mặc dù đã chết một cách vật lý.
Theo báo Anh Express, đầu thai nói chung là một khái niệm tôn giáo có hàm ý rằng người sau khi chết thì linh hồn, tâm hay ý thức của họ được chuyển sang một đứa trẻ mới sinh ra. Nó nghe có vẻ như chuyện tưởng tượng nhưng một số nhà khoa học tin rằng nó là một khái niệm có thật.
Tiến sĩ Ian Stevenson, nguyên giáo sư Tâm thần học tại Trường Y thuộc Đại học Virginia và nguyên chủ tịch Sở Tâm thần và Thần kinh học của bang, đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để tìm ra bằng chứng cho hiện tượng đầu thai cho đến khi ông qua đời vào năm 2007. Tiến sĩ Stevenson tuyên bố đã tìm được hơn 3.000 trường hợp đầu thai trong thời của ông mà ông đã chia sẻ với cộng đồng khoa học.
Trong một nghiên cứu có tên "Những vết bớt và dị tật bẩm sinh tương ứng với vết thương từ người đã qua đời", tiến sĩ Stevenson sử dụng việc nhận diện dung mạo để phân tích sự tương đồng giữa người tham gia nghiên cứu và người được cho là hóa thân kiếp trước của họ đồng thời nghiên cứu về các vết bớt.
Khoảng 35% trẻ em, người tuyên bố có thể nhớ về kiếp trước, đều có những vết bớt và/hoặc dị tật bẩm sinh.
Ông viết trong nghiên cứu của mình như sau: "Khoảng 35% trẻ em, người tuyên bố có thể nhớ về kiếp trước, đều có những vết bớt và/hoặc dị tật bẩm sinh. Chúng được cho là có liên quan đến những vết thương trên người mà đứa trẻ đó nhớ được. 210 trường hợp như vậy đã được nghiên cứu".
"Các dấu bớt thường ở những vùng da ít lông hoặc nhăn nheo, một số xuất hiện ở những khu vực ít hoặc không có sắc tố (hypopigmented macules), một số khác lại có mặt ở vùng gia tăng sắc tố (hyperpigmented nevi)".
"Các dị tật bẩm sinh gần như rất hiếm. Trong những trường hợp cuộc sống của người đã khuất được những đứa trẻ thuật không sai lệch một chút nào, gần như luôn luôn có sự tương đồng giữa vết bớt và/hoặc dị tật trên đứa trẻ và vết thương trên người quá cố".
43 trong 49 trường hợp được ghi nhận từ tài liệu y tế (thường là báo cáo khám nghiệm tử thi) đã khẳng định sự tương ứng giữa các vết thương và các vết bớt (hoặc dị tật bẩm sinh).
Trong một nghiên cứu độc lập khác, tiến sĩ Stevenson đã phỏng vấn ba đứa trẻ khẳng định rằng chúng nhớ các khía cạnh khác nhau của cuộc sống kiếp trước.
Mỗi đứa trẻ đưa ra 30 - 40 ghi chép dựa trên những kí ức mà chúng chưa từng trải qua, và qua xác minh tiến sĩ Stevenson phát hiện có đến 92% các lời kể trên là đúng sự thật.
Trong các bài viết được đăng trên tạp chí khoa học "Scientific Exploration", tiến sĩ Stevenson đã viết: "Việc tìm ra một gia đình đã mất đi một thành viên có cuộc sống tương tự với các ghi chép của đối tượng nghiên cứu là hoàn toàn có thể. Các báo cáo về chủ thể nghiên cứu, theo nhóm đã được xác định cụ thể rằng họ không có liên hệ với cuộc sống của bất kì người nào khác. Chúng tôi tin rằng mình đã loại trừ được sự lan truyền của các thông tin chính xác về người đã khuất tới đối tượng nghiên cứu. Điều đó cho thấy việc họ có được các thông tin về người quá cố mà họ đã nói tới theo một cách huyền bí nào đó".