Phải mất gần 2 năm điều tra, FBI mới có đủ chứng cứ để kết tội người phụ nữ được mệnh danh là "gián điệp búp bê"...
Bức thư đáng ngờ
Câu chuyện khởi đầu vào ngày 27/1/1942, trong quá trình kiểm tra những bưu kiện, thư tín có dấu hiệu nghi ngờ vì nước Mỹ lúc ấy đã tuyên chiến với Đế quốc Nhật và Phát xít Đức, một nhân viên chìm của FBI ở bưu điện thành phố Springfileld, bang Ohio đã phát hiện một bức thư đánh máy, người gửi là bà Mary Wallace, địa chỉ ở thành phố Porland, bang Oregon, người nhận là Senora Inez Lopez de Molinali, ở Buenos Aires, Argentina.
Tiến hành xem xét, nhân viên chìm của FBI nhận thấy nội dung bức thư có những câu chữ khó hiểu, chẳng hạn như: “Tôi vừa tìm ra một bệnh viện búp bê tuyệt vời…, có 3 con búp bê cũ xuất xứ từ Ireland đang được phục chế. Một trong 3 con búp bê ấy là một ngư dân với lưới đánh cá trên lưng, một bà già với một quả bóng bay còn con thứ 3 là một cậu bé…” nên lập tức, nhân viên này gửi bức thư về phòng phân tích của FBI.
|
Cửa hàng búp bê của Velvalee Dickinson ở New York. |
Mất gần 1 tuần, các chuyên gia giải mã của FBI mới biết rằng “bệnh viện búp bê” là một xưởng sửa chữa tàu chiến ở San Diego, bang California, “3 con búp bê Ireland” là 3 tàu chiến đang được sửa chữa, “lưới đánh cá” là hệ thống lưới thép giăng ngầm dưới đáy biển ở bờ Tây nước Mỹ để chống tàu ngầm xâm nhập, còn “bóng bay” là mạng lưới phòng thủ trên không, cũng ở bờ Tây. Riêng “cậu bé” là sở chỉ huy, điều phối mọi thông tin liên lạc.
Tiến hành tìm kiếm Mary Wallace, là người gửi bức thư, FBI không xác định được địa chỉ cụ thể của bà này, còn người nhận là Senora Inez Lopez de Molinali thì không thể biết đó là ai bởi lẽ thời điểm ấy, Argentina có khuynh hướng thân phát xít Đức nên Bưu điện Buenos Aires từ chối lời đề nghị thẩm tra của FBI.
Và trong khi mọi việc vẫn đang dậm chân tại chỗ thì các nhân viên chìm của FBI lần lượt phát hiện thêm 4 lá thư nữa, cũng gửi đến cho Senora Inez Lopez de Molinali ở Buenos Aires. Một trong 4 thư ấy xuất xứ từ thành phố Springfield, bang Ohio, nội dung cũng nhắc đến “những con búp bê” và dòng chữ cho biết “ông Shaw đang bị bệnh nhưng sẽ sớm quay lại làm việc”.
Tiến hành giải mã, FBI biết “ông Shaw” là tiếng lóng để chỉ chiến hạm Shaw, đã bị không quân Nhật đánh hư hỏng nặng trong chiến dịch tập kích Trân Châu Cảng, đang được sửa chữa ở San Diego và đang chuẩn bị quay lại để tham chiến ở mặt trận Thái Bình Dương.
Ba bức thư còn lại, một được gửi vào tháng 8-1942 từ thành phố Clorado Springs, bang Colorado. Nội dung có đoạn “một gia đình búp bê Trung Quốc gồm bà ngoại, cha, mẹ và 3 đứa con đang đi nghỉ hè…”. Các chuyên gia giải mã của FBI cho biết “gia đình búp bê Trung Quốc” ám chỉ đến 1 hàng không mẫu hạm, 1 chiến hạm, 1 tuần dương hạm và 3 thiết giáp hạm đã thả neo trong vịnh San Francisco.
|
Velvalee Dickinson. |
Theo FBI, tất cả những thông tin chứa đựng trong những lá thư nêu trên có giá trị rất lớn đối với kẻ thù về mặt chiến lược mặc dù thời điểm ấy, họ chưa rõ người nhận là phía Nhật hay Đức. Đặc biệt là cũng trong tháng 8-1942, một lá thư với nội dung: “Tôi bảo đảm rằng búp bê vũ công Siam đáng yêu mặc dù nó đã bị hư hỏng, bị rách nát ở giữa nhưng bây giờ nó đã được sửa chữa. Tuy nhiên tôi không thể làm lại được một con giống y như vậy nên tôi sẽ sửa một con khác thành con búp bê thứ 2…”.
Kết quả giải mã của FBI cho thấy nội dung thật sự của lá thư là: “Tàu sân bay USS Saratoga bị trúng ngư lôi ở giữa thân, nó đã rời khỏi vùng biển Philippines đến cảng Seattle, bang Oregon sửa chữa, thời gian sẽ kéo dài. Để bảo đảm khả năng tác chiến của Hạm đội Thái Bình Dương, một tàu chiến đang được nâng cấp, hoán cải thành tàu sân bay…”. Tiến hành xác minh với Hải quân Mỹ, FBI nhận được câu trả lời về tàu sân bay USS Saratoga và việc đóng một tàu sân bay mới dựa trên khung thân của một tàu chiến là đúng sự thật.
Sa lưới
Đến lúc này, FBI đã có đủ cơ sở để tin rằng một tổ chức gián điệp đang họạt động ngay trong lòng nước Mỹ, cung cấp cho Đế quốc Nhật và cũng có thể là Phát xít Đức những thông tin quan trọng về Hải quân Mỹ. Tiến hành xác minh, sàng lọc, FBI khẳng định tất cả những lá thư gửi cho Senora Inez Lopez de Molinali ở Buenos Aires đều được đánh máy bởi cùng một người, và sử dụng cùng một chiếc máy đánh chữ.
|
Phòng giải mã của FBI, nơi phân tích những bức thư của Velvalee Dickinson. |
Đến giữa năm 1943, một phụ nữ ở thành phố Colorado Springs, bang Colorado cung cấp cho FBI một thông tin đáng giá. Đó là khi mua một số con búp bê ở cửa hàng của bà Velvalee Dickinson ở thành phố New York, và chưa kịp thanh toán đủ tiền thì Velvalee Dickinson đã gửi cho bà này một lá thư đánh máy để đòi tiền. Tiến hành đối chiếu, FBI nhận thấy lá thư đòi tiền và 5 lá thư cung cấp thông tin tình báo đều có cùng một xuất xứ từ một chiếc máy đánh chữ.
Sinh ngày 12/10/1893 tại Sacramento, bang California, năm 1918 Velvalee Dickinson tốt nghiệp cử nhân ở Đại học Stanford, California nhưng không được nhận bằng vì lý do “không trả lại một số sách đã mượn trong thư viện của trường đại học”.
Giữa những năm 1920, Velvalee Dickinson làm việc ở ngân hàng San Francisco. Năm 1935, Velvalee lấy chồng là Terry Dickinson. Năm 1937, hai vợ chồng chuyển đến thành phố New York. Tại đây, Velvalee mở một cửa hàng bán búp bê tại số 718, đại lộ Madison.
Các cuộc điều tra của FBI cho thấy vào giữa thập niên 1930, khi Velvalee Dickinson vẫn còn ở San Francisco, bà ta là thành viên của Hiệp hội người Mỹ gốc Nhật, có mối quan hệ mật thiết với Lãnh sự quán Nhật Bản ở San Francisco cùng các quan chức Nhật Bản cao cấp khác.
Nhiều sĩ quan Hải quân Nhật Bản khi đến San Francisco đều ghé thăm gia đình Velvalee Dickinson. Sau khi chuyển về thành phố New York, Velvalee Dickinson gia nhập Câu lạc bộ Nhật Bản (Nippon Club) rồi trở thành bạn thân của Ichiro Yokoyama, sĩ quan tùy viên Hải quân Nhật Bản ở Đại sứ quán Nhật Bản tại Washington, DC.
Tiếp tục điều tra, FBI được biết khi mới chuyển đến thành phố New York và khi mới khai trương cửa hàng búp bê, bà Velvalee Dickinson còn phải vay vốn của một số bạn bè nhưng đầu năm 1943, bà ta đã có hàng trăm nghìn USD. Một phần của số tiền này đến từ Ichiro Yokoyama, sĩ quan tùy viên Hải quân Nhật Bản tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Washington, DC, thể hiện bằng hình thức phiếu mua búp bê. Phần khác đến từ Yuzo Ishikawa, sĩ quan thuộc Văn phòng Thanh tra Hải quân Nhật Bản ở thành phố New York.
Ngày 21/1/1944, FBI bắt giữ Velvalee Dickinson tại tầng hầm của ngân hàng Midtown Manhattan khi bà ta đang chuẩn bị mở chiếc két sắt. Các đặc vụ FBI tìm thấy 150.940 USD trong két. 2/3 số sêri của số tiền này nằm trong chương trình theo dõi của FBI về lượng tiền mặt đến và đi từ Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản ở New York.
Bên cạnh đó, trong két còn có nhiều trái phiếu vàng. Theo lời khai của Velvalee Dickinson, số tiền trong két có từ việc kinh doanh búp bê, còn những tờ trái phiếu vàng là tiền gửi tiết kiệm. Sau đó, bà ta lại thay đổi lời khai, rằng số trái phiếu vàng là của chồng bà, và bà tìm thấy nó ở dưới giường khi chồng bà qua đời năm 1943 vì bệnh đau tim.
Ngày 11/2/1944, Velvalee Dickinson ra trước tòa án liên bang New York với tội danh “vi phạm các quy định về thông tin thời chiến” với mức án 10 năm tù giam và hình phạt bổ sung 10.000 USD. Trước vành móng ngựa, Velvalee Dickinson không nhận tội và theo đề nghị của luật sư, tòa chấp thuận cho bà ta được đóng 25.000 USD tiền thế chân để được tại ngoại.
Ngày 5/5/1944, Velvalee Dickinson ra tòa lần thứ 2 nhưng lần này, tội danh của bà ta là “vi phạm các đạo luật về hoạt động gián điệp”. Cũng như lúc trước, Velvalee Dickinson chối tội. Đến ngày 27-8, luật sư của Velvalee Dickinson đạt được một thỏa thuận với tòa, rằng bà Velvalee Dickinson sẽ nhận tội “vi phạm các quy định về thông tin thời chiến”, đồng thời cung khai đầy đủ về đường dây liên lạc giữa bà và mạng lưới tình báo Nhật Bản.
Theo lời khai của Velvalee Dickinson trước tòa, chính bà đã gõ trên máy đánh chữ 5 lá thư gửi cho Senora Inez Lopez de Molinali, là cơ sở của Tình báo Hải quân Nhật Bản ở Buenos Aires, Argentina. Tất cả những thông tin trong 5 lá thư do bà hỏi han một số người dân ở khu vực xung quanh xưởng sửa chữa tàu chiến Seattle, sân bay quân sự Bremerton, căn cứ hải quân đảo Mare ở San Francisco và từ những quan sát của cá nhân bà.
|
Một đoạn trong lá thư chứa đựng thông tin tình báo của Velvalee Dickinson. |
Velvalee Dickinson cũng thừa nhận thông tin về các tàu sân bay, các chiến hạm, tuần dương hạm đã được mã hóa bằng những con búp bê theo gợi ý của tình báo Nhật Bản, nhằm phù hợp với nghành nghề kinh doanh của bà. Tổng cộng bà đã nhận được 125.000 USD từ Ichiro Yokoyama, sĩ quan tùy viên Hải quân Nhật Bản ở Đại sứ quán Nhật Bản tại Washington, DC nhưng thực chất là người cầm đầu mạng lưới tình báo của Hải quân Nhật trên đất Mỹ..
Ngày 14/8/1944, tòa án liên bang công bố mức hình phạt đối với Velvalee Dickinson. Trước lúc tuyên án, Thẩm phán Williams Kenmore nói: “Thật khó mà tin rằng có người lại không nhận ra là đất nước chúng ta đang tham gia vào một cuộc đấu tranh giữa sống và chết. Bất kỳ sự giúp đỡ nào cho kẻ thù đều có nghĩa là mang cái chết đến với các chàng trai Mỹ đang chiến đấu vì an ninh quốc gia của chúng ta. Velvalee Dickinson, một công dân Mỹ, có một nền giáo dục đại học nhưng lại tham gia hoạt động gián điệp, bán bí mật quốc gia cho người Nhật. Việc nhận tội của Velvalee Dickinson đã cho thấy vấn đề rất nghiêm trọng nên Velvalee Dickinson phải nhận mức án tối đa mà luật pháp đã ban hành. Đó là 10 năm tù giam và 10.000 USD tiền phạt”.
Vẫn duy trì sự ngây thơ của mình đồng thời đổ lỗi cho người chồng đã chết mới chính là thủ phạm phản bội đất nước, Velvalee bị đưa đến nhà tù liên bang dành cho phụ nữ ở Alderson, West Virginia. Sau 8 năm thụ án, ngày 23/4/1951, bà ta được tha nhưng phải chịu sự giám sát của hệ thống tòa án liên bang. Năm 1961, Velvalee Dickinson qua đời trong lặng lẽ tại một bệnh viện nhỏ ở New York. Không con cái, không họ hàng thân thuộc, đám tang của bà ta chỉ có 3 người của nhà tang lễ Mary Marianna…