Sinh ngày 15/6/1914, Yuri Andropov chỉ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo cao nhất của Liên Xô trong 15 tháng cuối đời của mình, khi sức khỏe của ông xấu đi nhanh chóng. Trước đó, ông phụ trách cơ quan tình báo-an ninh KGB của Liên Xô trong 15 năm.
Có những ý kiến khác nhau về nhân vật lịch sử này, người thì cho rằng ông khá cứng nhắc, người khác lại cho rằng ông có tư tưởng cởi mở, và nếu có đủ thời gian (không bị quỵ ngã vì bệnh tật) thì ông có thể đã cứu được Liên Xô khỏi tình trạng sụp đổ. Vậy ông là ai?
|
Chân dung Chủ tịch KGB, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Yuri Andropov (năm 1982). Ảnh: TASS. |
1. Tính cách bí mật
Bản thân Andropov luôn giữ bí mật về cuộc đời của mình, bắt đầu từ nguồn gốc gia đình. Các lời đồn cho rằng người ông của ông là một thương gia giàu có gốc Do Thái nhưng Andropov luôn một mực phủ nhận điều này. Ông cũng không bao giờ nói về gia đình riêng của mình. Ông kết hôn trong 5 năm và có một con trai nhưng gần như ông không liên lạc với người con đó cũng như vợ cũ của mình sau khi 2 người ly dị.
Về mặt nghề nghiệp, Andropov cũng là một con người bí mật – chức vụ của ông khi đó đòi hỏi ông phải vậy.
Cây bút Roy Medvedev trong cuốn sách của mình về Andropov đã viết như thế này: “Người ta hiếm khi biết ông ấy là người đứng đầu KGB. Ở các nước khác, người lãnh đạo cơ quan mật vụ thường không tìm kiếm sự nổi tiếng và điều này càng đúng ở Liên Xô. Ông chỉ bắt đầu xuất hiện nhiều trước công chúng khi tiếp nhận quyền lực từ lãnh tụ Leonid Brezhnev vào năm 1982.
2. Trấn áp cuộc nổi dậy ở Hungary
Sự nghiệp của Andropov thăng tiến nhanh chóng khi ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Liên Xô tại Hungary vào năm 1954. Hai năm sau đó, một cuộc nổi dậy nổ ra ở nước Hungary XHCN này – một bộ phận dân chúng đòi từ bỏ CNXH.
Tình hình nhanh chóng chuyển sang trạng thái xung đột vũ trang. Khi trao đổi thông tin với ban lãnh đạo Liên Xô, Andropov đã gọi các diễn biến này là “phản cách mạng và là một cuộc bạo loạn chống xã hội”. Andropov ủng hộ ý tưởng giúp đỡ chính phủ XHCN của Hungary bằng cách gửi quân sang đây. Ông đã điều phối hoạt động của các lực lượng thân Liên Xô ở Hungary và cùng với các binh sĩ Xô viết vừa sang, ông đã giúp Hungary duy trì chế độ XHCN. Hơn 2.500 người đã thiệt mạng trong cuộc bạo động này.
|
Nhà lãnh đạo Liên Xô Brezhnev đang ngồi ký văn bản. Ảnh: RBTH. |
Năm 1957, Andropov rời Hungary về Moscow nhưng ông vẫn không thể quên hình ảnh các đám đông nổi loạn sát hại các cán bộ cảnh sát Hungary.
Nhà ngoại giao Xô viết Oleg Troyanovsky cho biết, Andropov thường xuyên nói về biến cố 1956 ở Hungary. Troyanovsky tin rằng Andropov e ngại điều tương tự có thể xảy ra với Liên Xô và đã làm tất cả những gì có thể để ngăn ngừa điều đó.
3. Nhà ngoại giao thận trọng
Kiên định với con đường cách mạng, Andropov đồng thời cũng rất linh hoạt. Giai đoạn 1957-1967, Andropov lãnh đạo ban quan hệ với các chính đảng XHCN thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, và các cố vấn của ông (gồm các trí thức trẻ tuổi) khi đó thường thấy ở ông một nhà lãnh đạo “tự do”.
Nhà khoa học chính trị Georgy Arbatov nhớ Andropov đã phát biểu như sau: “Trong căn phòng này, chúng ta đều có thể nói lên suy nghĩ của chúng ta, tuyệt đối cởi mở. Nhưng ngay khi các bạn rời khỏi phòng này, hãy hành động theo các luật lệ”. Điều đó có nghĩa là họ có thể phê bình các khiếm khuyết của hệ thống Xô viết nhưng vẫn phải trung thành với Tổ quốc.
Một số sử gia cho rằng Andropov là kiến trúc sư trong chính sách của Tổng bí thư Liên Xô Brezhnev đối với phương Tây, với thế hòa hoãn vào thập niên 1970, khi quan hệ giữa Liên Xô và phương Tây được cải thiện đôi chút.
4. Điều hành KGB với bàn tay sắt
Trong thời kỳ Leonid Brezhnev nắm quyền lãnh đạo Liên Xô từ năm 1964 đến 1982, Andropov là một trong các nhân vật trọng yếu đối với chế độ, khi ông làm Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) từ năm 1967. Ông xử lý nhiều vấn đề, bao gồm các cuộc khủng hoảng quốc tế ở Trung Đông, Afghanistan và Tiệp Khắc, các xung đột vùng miền bên trong Liên Xô, và việc trấn áp các hoạt động chống đối chế độ.
|
Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Liên Xô. Ảnh: Sputnik. |
Cây bút Roy Medvedev viết: “Andropov không ngại ngần đấu tranh chống các phần tử bất đồng chính kiến. Ông không chịu được ý tưởng về sự chống đối Đảng Cộng sản. Ông coi KGB là cần thiết, là tổ chức thiết yếu đối với Liên Xô”. Thái độ đó, cộng với tính hiệu quả và tính chuyên nghiệp cao đã giúp Andropov trở thành sự lựa chọn tất yếu cho ông Brezhnev.
5. Chiến đấu chống tham nhũng
Đây là một trong các lý do nhà lãnh đạo Brezhnev đã chọn Andropov làm người kế vị và bổ nhiệm ông vào chức vụ quan trọng thứ 2 tại Liên Xô vào năm 1982. Tổng bí thư Liên Xô Brezhnev qua đời vào cuối năm đó. Lúc ấy Andropov mới 68 tuổi nhưng ông cũng chỉ sống thêm được 15 tháng nữa kể từ khi Brezhnev từ trần.
Khi lên cầm quyền (trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô), Andropov ý thức rõ nền kinh tế Liên Xô đang gặp vấn đề lớn và bất ổn do chi tiêu quá nhiều cho quân sự. Andropov cố gắng thay đổi tình hình. Đầu tiên, ông bắt đầu triển khai chiến dịch chống tham nhũng và “nền kinh tế ngầm” vốn bắt đầu phát triển mạnh vào cuối thời ông Brezhnev.
Bên cạnh đó, Andropov cố gắng cải thiện nền kinh tế thông qua việc nâng cao ý thức kỷ luật. Cảnh sát bắt đầu bắt giữ những người dạo chơi ngoài đường phố trong giờ làm việc. Những người say rượu cũng bị bắt giữ. Tuy nhiên với quãng thời gian ngắn ngủi 15 tháng, các giải pháp đó không hiệu quả lắm.
Có thể Andropov đã chuẩn bị những kế hoạch cải cách lớn lao hơn nữa, nhưng số phận đã không cho phép ông hiện thực hóa chúng./.