Vị vua cuối cùng của Việt Nam, Bảo Đại (1913 - 1997) nổi tiếng là người phong lưu, nhưng đã chấp nhận từ bỏ thê thiếp để sống cuộc hôn nhân một vợ - một chồng với "nàng thơ" Nguyễn Hữu Thị Lan tới khi hai người chính thức đường ai nấy đi...
|
Chân dung vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn và của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam (Ảnh: Wikipedia) |
Chấp nhận 4 điều kiện để "cưới nàng về dinh"
Nguyễn Hữu Thị Lan (1914 - 1963), tức Nam Phương Hoàng hậu được biết đến với tư cách con gái của nhà hào phú Nam Bộ, ông Nguyễn Hữu Hào, đồng thời cũng là cháu ngoại của người giàu nhất Nam Bộ đầu thế kỷ 20, ông Lê Phát Đạt.
Trong cuốn hồi ký, vua Bảo Đại viết rằng ông gặp Hoàng hậu Nam Phương năm 1933, trong một buổi tiệc hè của quan Đốc lý người Pháp. Buổi tối định mệnh đó đã tác hợp mối nhân duyên của hai người.
Về sau, Hoàng hậu Nam Phương kể lại: "Khi đã trở thành vợ chồng, ngài mới cho tôi biết hôm đó ngài rất chú ý cách phục sức đơn sơ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi được nhà vua lưu ý một phần do trong suốt buổi dạ tiệc chỉ có tôi là người đàn bà Việt Nam duy nhất nói tiếng Pháp và theo cung cách lễ nghi Âu tây đối với ngài".
Còn trong mắt vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương có "vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây".
Sau này, để cưới Nam Phương về làm vợ, vua Bảo Đại đã phải chấp nhận đủ 4 điều kiện chưa từng có trong các triều vua nhà Nguyễn, bao gồm tấn phong Hoàng hậu ngay trong hôn lễ; cho phép vợ giữ nguyên đạo Thiên chúa giáo; nhà vua có thể tự do theo tôn giáo cũ là Phật giáo và hai người phải được Toà thánh Vantican cho phép lấy nhau.
|
Để cưới được Nguyễn Hữu Thị Lan, vua Bảo Đại phải chấp nhận 4 điều kiện. |
Nam Phương cũng là vị Hoàng hậu duy nhất được mặc áo vàng – màu sắc dành riêng cho vua chúa trong triều đình đương thời. Bà cũng thường giúp đỡ vua Bảo Đại ở các hoạt động quan trọng như ngoại giao, đón tiếp các quốc khách hay giao thiệp với Pháp.
Bên cạnh đó, bà còn giúp chồng "gỡ rối" việc triều chính. Mỗi khi vua Bảo Đại bị phía Pháp ép ký văn bản có lợi cho phía họ, còn có hại cho nước Việt, thì Nam Phương Hoàng hậu thường khuyên chồng hãy đi săn bắn hoặc du lịch vài ngày để tạm lánh.
Những năm đầu của cuộc hôn nhân, hai người có cuộc sống vô cùng viên mãn. Nhà vua đã chấp nhận từ bỏ cuộc sống "năm thê bảy thiếp" như những vị vua trước để tuân thủ chế độ hôn nhân một vợ một chồng với Nam Phương Hoàng hậu. Thế nhưng, tính trăng hoa và phong lưu của vua Bảo Đại không thay đổi, khiến tình cảm vợ chồng đứng bên bờ sụp đổ, còn Nam Phương Hoàng hậu lại quá nề nếp và kiêu hãnh để giữ chồng trước cám dỗ.
Cuộc sống hoàng cung, buồn nhiều hơn vui...
Những năm tháng hạnh phúc qua đi, Nam Phương Hoàng hậu phải sống trong chuỗi ngày buồn tủi, cô đơn khi chồng đi biền biệt, lại không màng vợ con, còn mẹ chồng thì không ưa con dâu. Sau khi triều Nguyễn suy vong, bà đưa các con qua Pháp sinh sống.
Năm 1947, mẹ con bà sống ở lâu đài Thorenc tại Cannes. Bà gửi các con vào trường trung học Couvent des Oiseaux, nơi bà từng học thời con gái. Sau đó, họ lại dọn về ở lâu đài Domain de la Perche, Chabrignac, cách xa Thủ đô Paris vài trăm km. Từ đó, mẹ con Hoàng hậu cũng ít gặp nhau.
Tháng 9/1963, Hoàng hậu Nam Phương qua đời tại Pháp. Đám tang của bà thưa thớt, không tiếng khóc than, không lời ai điếu, thậm chí không có mặt vua Bảo Đại. Hiện nay, mộ của bà vẫn nằm tại nghĩa trang Công giáo ở Chabrignac, trên bia có khắc dòng chữ tiếng Pháp nghĩa là: "Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu nước An Nam, nhũ danh Maria Têrêsa Nguyễn Hữu Thị Lan", mặt sau ghi dòng chữ Hán: "Lăng của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam".
Sinh thời, Nam Phương Hoàng hậu được biết tới là người tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội như gửi thông điệp tố cáo thực dân Pháp hay tham gia Tuần lễ vàng một cách nhiệt tình.
Khi Tuần lễ vàng được khai mạc ở Huế, cựu Hoàng hậu đã gây ngạc nhiên khi ăn vận sang trọng, đội khăn vàng, đeo kiềng và bông tai vàng, trên cổ tay gài thêm hai đôi xuyến vàng, 10 đầu ngón tay có mười chiếc nhẫn vàng đắt giá. Thế rồi, bà nhanh chóng tháo hết chúng ra nhằm quyên góp cho người nghèo khó.
Bà còn nhận lời làm chủ tọa của phong trào nào, kêu gọi mọi người ủng hộ được 925 lượng vàng cùng hàng đống quần áo, chăn màn để gửi tặng cho những người lao động lam lũ vào mùa đông gió rét.