AI giúp hoàn chỉnh sử thi Gilgamesh 4.000 năm tuổi

Google News

Bộ sử thi được viết từ những năm 2100 trước Công nguyên hiện đang được một mô hình trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đẩy nhanh đáng kể quá trình khám phá, ghép nối hoàn thiện từ những mảnh vỡ rời rạc.

Sử thi Gilgamesh là một câu chuyện có niên đại khoảng 4.000 năm, chỉ được truyền lại bằng một hệ thống chữ viết đã thất truyền với các ký tự hình nêm trên các mảnh đất sét.

Và giờ đây, các học giả đang giải mã những bản dịch chữ hình nêm mà trước đây chưa được biết đến của câu chuyện nhờ vào sức mạnh của  AI.

Dự án này có tên là Fragmentarium và chạy trên một thuật toán do nhóm nghiên cứu tại Viện Assyria thuộc Đại học Ludwig Maximilian ở Munich, Đức phát triển.

“Đây là một công cụ chưa từng tồn tại trước đây, một cơ sở dữ liệu khổng lồ về các mảnh vỡ. Chúng tôi tin rằng nó có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo văn học Babylon, cho phép chúng tôi tiến triển nhanh hơn nhiều”, Giáo sư Enrique Jiménez của Assyria nói.

AI giup hoan chinh su thi Gilgamesh 4.000 nam tuoi
Tượng Gilgamesh, nhân vật chính xuyên suốt vở sử thi cổ đại có từ 4.000 năm trước. Ảnh: Neosmar.

Trong hàng ngàn năm, chữ viết hình nêm trên các tấm đất sét từ thời Babylon vẫn là một bí ẩn không thể giải mã. Một nhân viên của Bảo tàng Anh tên là George Smith đã trở thành học giả hiện đại đầu tiên đọc Sử thi Gilgamesh vào năm 1872. Ông qua đời chỉ bốn năm sau đó, ở tuổi 36, trong một chuyến đi đến Trung Đông để tìm kiếm thêm các phần của bài thơ đã mất.

Các học giả đã dành hơn 150 năm để theo dấu chân Smith. Từng mảnh một, câu chuyện đã được kết nối lại khi các nhà khảo cổ học khai quật được các văn bản chữ hình nêm mới trong quá trình khai quật, các nhân viên bảo tàng đã phát hiện lại các mảnh vỡ phủ bụi bị lãng quên trong kho lưu trữ và chính quyền đã tịch thu các hiện vật bị cướp bóc.

Nhưng trong những năm gần đây, AI đã thúc đẩy mạnh mẽ nỗ lực của họ. Fragmentarium có thể hoạt động nhanh hơn nhiều so với một nhà nghiên cứu Assyriologist để dịch các văn bản cổ xưa này từ tiếng Sumer và Akkad gốc. Điều này không chỉ giúp xác định các phần còn thiếu của bài thơ mà còn có thể dịch mọi loại chữ viết Babylon cổ đại.

Một số văn bản còn sót lại này có vẻ tầm thường, nhưng từng chi tiết liên quan, những mẫu vụn vặt hoặc rối dường như vô nghĩa được sắp xếp đúng cách cũng có thể giúp mở rộng hiểu biết của chúng ta về nền văn minh cổ đại này.

AI giup hoan chinh su thi Gilgamesh 4.000 nam tuoi-Hinh-2
 Giáo sư Enrique Jiménez cầm trên tay một mảnh cổ vật bằng đất sét có khắc các ký tự cổ. Ảnh: Đại học Ludwig Maximilian.

Từ năm 2018, Fragmentarium đã ghép các dòng từ sử thi thành văn bản từ 1.500 mảnh vỡ của tấm bia. Trước khi AI được đưa vào nhiệm vụ, các học giả chỉ làm được như vậy với khoảng 5.000 mảnh.

“Quy trình truyền thống dựa trên trí nhớ tốt của các nhà nghiên cứu và tất nhiên là dựa trên nguyên tắc ngẫu nhiên”, Jiménez cho biết. Ngược lại, quy trình tái tạo hiện đại dựa trên AI dựa trên cơ sở dữ liệu của các nhà nghiên cứu thu thập hàng nghìn ký tự. Với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, tất cả các biến thể đã biết của một văn bản Babylon có thể được phân tích nhanh chóng và sử dụng một cách thích hợp.

Đây không phải là lần đầu tiên AI hỗ trợ giải mã các bản thảo cổ. Một nhóm tại Đại học Tel Aviv và Đại học Ariel ở Israel đã công bố một dự án tương tự làm việc với chữ hình nêm Lưỡng Hà vào năm 2023. Và  một hệ thống AI từ các nhà nghiên cứu của Đại học Kentucky đang giúp giải mã văn bản trên một kho lưu trữ các cuộn giấy bị đốt cháy trong vụ phun trào của Núi Vesuvius.

AI giup hoan chinh su thi Gilgamesh 4.000 nam tuoi-Hinh-3
 Một mảnh đất sét có chữ hình nêm. Ảnh: Đại học Ludwig Maximilian

Fragmentarium đã hợp tác với các tổ chức bao gồm Bảo tàng Anh và Bảo tàng Iraq ở Baghdad để thêm các bộ sưu tập chữ hình nêm của họ vào cơ sở dữ liệu. Tính đến năm 2023, khi Fragmentarium được công khai, đã có hơn 22.000 mảnh vỡ được số hóa.

Sử thi kể về câu chuyện của vị á thần có tên là Gilgamesh, Vua xứ Urdu, và người bạn Enkidu, một người đàn ông hoang dã. Hai người giết chết người bảo vệ khu rừng, quái vật Humbaba, và các vị thần trả thù bằng cách giết Enkidu. Trong nỗi đau buồn, Gilgamesh đi tìm tổ tiên Utnapishtim, người đã sống sót sau trận lụt có quy mô như trong Kinh thánh, với hy vọng tìm hiểu được bí mật của sự bất tử.

Nhờ Fragmentarium, giờ chúng ta biết được một số cảnh mới trong câu chuyện. Có những dòng mới được phát hiện trong đó Enkidu cố gắng thuyết phục Gilgamesh không giết Humbaba. Và sau khi họ làm vậy, bộ đôi này đi đến gặp thần Enlil ở thành phố Nippur.

Fragmentarium cũng xác định một tấm bia mới hơn nhiều có chứa một phần của Sử thi Gilgamesh. Có niên đại từ năm 130 TCN, tấm bia cho thấy bài thơ vẫn đang được sao chép và chia sẻ hàng nghìn năm sau lần xuất hiện đầu tiên được biết đến.

Một số văn bản mới được dịch cung cấp những biến thể tinh tế nhưng hấp dẫn về câu chuyện như đã biết trước đó. Ví dụ, khi kể lại quá trình chuẩn bị cho trận lụt, Utnapishtim đã nói với Gilgamesh rằng ông đã "ban thưởng" cho những người đóng tàu bằng thức ăn và đồ uống.

AI giup hoan chinh su thi Gilgamesh 4.000 nam tuoi-Hinh-4
Gilgamesh trong thần thoại Lưỡng Hà cổ đại là một á thần, vua của xứ Uruk. Ảnh: Freepik.

Một trong những mảnh vỡ mới được phát hiện tiết lộ cuộc hành trình đến Nippur, một trung tâm tôn giáo quan trọng, của Gilgamesh và Enkidu sau khi giết Humbaba. Chi tiết này không được biết đến cho đến khi công nghệ cho phép xác định.

Benjamin R. Foster, một giáo sư về Assyriology và là biên dịch viên Gilgamesh tại Đại học Yale (Hoa Kỳ), người đã làm việc trong dự án này nói: “Trước đây chúng tôi không có từ 'xa hoa', và theo tôi, ông ấy (Gilgamesh) cảm thấy tội lỗi vì ông ấy biết rằng tất cả những người đang giúp ông ấy xây dựng con tàu sẽ bị chết đuối trong vài ngày nữa”.

Theo Foster, những đoạn văn này cũng bao gồm một lời cầu nguyện của mẹ Gilgamesh và những chi tiết mới về mối quan hệ giữa các nhân vật chính.

Người ta ước tính vẫn còn khoảng 30 phần trăm bài thơ bị mất, và các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu thêm về cả câu chuyện và văn bản Lưỡng Hà nói chung. AI hiện đang có vẻ đóng vai trò chính trong nỗ lực đó.

“Mọi người đều có thể tham gia với Fragmentarium, có hàng ngàn mảnh vỡ vẫn chưa được xác định” Giáo sư Jiménez cho biết.

Bất chấp những tiến bộ, các chuyên gia đồng ý rằng phần lớn bài thơ của Gilgamesh vẫn đang chờ được khám phá trong các kho lưu trữ của bảo tàng và các địa điểm khảo cổ. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tin rằng vẫn còn nhiều điều cần được tiết lộ và một đoạn văn mới có thể xuất hiện bất cứ lúc nào


Tuệ Minh (Th)

>> xem thêm

Bình luận(0)