Cuộc chiến 45 phút
|
Cung điện chịu tổn thất sau cuộc pháo kích giữa hải quân Hoàng gia Anh và quân đội Bargash trong cuộc chiến ngắn nhất lịch sử nhân loại. Ảnh: Listverse. |
Trận chiến giữa Anh và Zanzibar diễn ra vào ngày 27/8/1896. Đây là
cuộc chiến ngắn nhất trong lịch sử nhân loại với thời gian kéo dài 45 phút, theo Listverse. Cuộc xung đột nổ ra sau khi Quốc vương Hamad bin Thuwaini qua đời vào ngày 25/8/1896 và cháu trai của ông là Khalid bin Bargash lên nắm quyền. Nhưng ông lại là một người không được lòng các nhà lãnh đạo Anh bởi luôn có ý muốn đòi lại độc lập cho đất nước. Người Anh muốn vua mới của Zanzibar là hoàng thân Hamud bin Muhammed, một người có tiếng là thân Anh. Chính lời từ chối của chính quyền Zanibar đã châm ngòi cho cuộc chiến.
Trong khi quân đội Bargash ra sức bảo vệ cung điện, hải quân Hoàng gia Anh điều 5 tàu chiến tới cảng phía trước cung điện. Bất chấp những nỗ lực đàm phán, Hải quân Hoàng gia vẫn nã súng cối vào cung điện khi thời hạn chót trôi qua. Khi cung điện sụp đổ, thương vong tiếp tục tăng cao. Bargash đành rút quân về lãnh sự quán Đức. Các cuộc pháo kích chấm dứt sau 45 phút.
Chiến tranh 6 ngày
|
Cuộc chiến 6 ngày giữa Israel và các nước láng giềng Arab đã định hình địa chính trị trong khu vực. Ảnh: Listverse. |
Đây là
cuộc chiến giữa Israel và Ai Cập, Syria, Jordan, Iraq năm 1967. Sau khi Israel đe dọa các đồng minh của Syria, Ai Cập điều 1.000 xe tăng và 100.000 binh sĩ tới biên giới bán đảo Sinai, đóng cửa eo Tiran đối với mọi tàu thuyền treo cờ Israel hay chuyên chở các vật liệu chiến lược, đồng thời kêu gọi khối Arab thống nhất chống lại Israel. Ngày 5/6/1967, Israel mở cuộc tấn công chống lực lượng không quân Ai Cập. Sau đó, Jordan tấn công tây Jerusalem và Netanya. Kết thúc chiến tranh, Israel giành quyền kiểm soát đông Jerusalem, dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây và cao nguyên Golan.
Kết quả cuộc chiến đã tác động tới tình hình địa chính trị tại khu vực. Lãnh thổ của Israel tăng gấp 3, vùng chiến lược của Israel tăng thêm ít nhất 300 km về phía nam, 60 km về phía đông và 20 km ở những vùng hiểm trở ở phía bắc, khối tài sản an ninh này đã tỏ ra hữu ích trong cuộc chiến Arab - Israel vào 6 năm sau đó.
Xung đột 13 ngày
|
Bulgaria giành phần thắng trong cuộc chiến 14 ngày với quân đội Serbia. Ảnh: Listverse. |
Cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1971 là cuộc xung đột lớn nhưng diễn ra chỉ trong 13 ngày. Sự kiện liên quan chặt chẽ tới cuộc chiến giải phóng Bangladesh (đôi khi còn được gọi là nội chiến Pakistan). Chiến tranh bùng nổ sau cuộc bầu cử tại Pakistan năm 1970. Thời điểm chính xác cuộc chiến nổ ra vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, Bangladesh và quân đội Ân Độ gọi xung đột vũ trang tại mặt trận phía tây Ấn Độ diễn ra trong khoảng 3/12/1971 và 16/12/1971 là chiến tranh Pakistan - Ấn Độ. Cuộc xung đột kết thúc sau 13 ngày, với phần thắng thuộc về Ân Độ.
Chiến sự 14 ngày
Chiến tranh giữa Serbia và Bulgaria kéo dài từ ngày 14 tới 28/11/1885. Hai bên ký kết thỏa thuận hòa bình vào ngày 19/2/1886 tại Bucharest. Ngày 28/11, bá tước Kevenhueller Metsch - đại sứ Áo tại Belgrade - tới thăm tổng hành dinh của quân đội Bulgaria và yêu cầu lực lượng này tạm ngừng các hành động quân sự, đồng thời đe dọa lực lượng Bulgaria về một cuộc xung đột khác với quân đội Áo-Hung nếu không thuận theo đề nghị đó. Chiến thắng của Bulgaria trên mặt trận đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự thống nhất của họ. Quốc gia này bắt đầu truyền bá tên và sự tôn trọng Bulgaria thống nhất trên danh nghĩa các nước láng giềng.
Chiến tranh Balkan lần thứ hai trong 32 ngày
|
Chiến tranh Balkan lần thứ hai nổ ra do Bulgaria không hài lòng với phần lãnh thổ chiến lợi phẩm của mình trong Chiến tranh Balkan lần thứ nhất. Ảnh: Listverse. |
Cuộc chiến Balkan lần thứ hai nổ ra năm 1913 giữa Bulgaria và liên minh trong cuộc chiến Balkan lần thứ nhất gồm Hy Lạp, Serbia cùng với sự can thiệp của Romania và đế chế Ottoman.
Bulgaria đã đạt được một thỏa thuận từ trước chiến tranh về sự phân chia vùng Macedonia. Tuy nhiên, vì không hài lòng khi bị các cường quốc ép phải rút khỏi Albania, Serbia đã không chịu từ bỏ thêm bất kỳ vùng lãnh thổ nào nữa. Bulgaria sau đó tuyên chiến với Serbia.
Chẳng bao lâu, cuộc đụng độ nhỏ xảy ra dọc theo biên giới của các khu chiếm đóng giữa Bulgaria, Serbia và Hy Lạp. Serbia bắt đầu đàm phán với Hy Lạp, nước cũng lo ngại về ý định của Bulgaria. Quân đội Serbia và Hy Lạp thất bại trong việc đẩy lùi cuộc tấn công của Bulgaria. Romania cũng tấn công Bulgaria, với cái cớ liên quan đến ranh giới lãnh thổ trước đây của họ. Đế chế Ottoman cũng đã lợi dụng tình hình để giành lại lãnh thổ bị mất từ cuộc chiến trước đó. Kết quả cuộc chiến đã đưa Serbia, một đồng minh quan trọng của Nga, trở thành một thế lực quan trọng ở khu vực, khiến Áo - Hungary lo sợ và qua đó gián tiếp tạo nên Thế chiến I.