Không chỉ nổi danh trong nước, nhiều nhân tài người Việt còn được phong "Lưỡng quốc trạng nguyên". Họ đỗ đầu những kỳ thi ở nước ngoài và được tôn vinh.
Trạng nguyên triều Đường Khương Công Phụ
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Khương Công Phụ (731-805) tự là Đức Văn, người làng Sơn Ổi, xã Cổ Hiển, nay là làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, học hành chẳng bao lâu đã thuộc làu kinh sách.
|
Khương Công Phụ. |
Dưới đời vua Đường Đức Tông (780-803), ông sang kinh đô Trường An dự thi. Vượt qua hàng nghìn sĩ tử của Trung Quốc và các nước lân bang, ông đỗ đầu. Sau khi đỗ trạng nguyên, Khương Công Phụ được vua Đường phong chức hiệu thư lang, sau thăng dần đến tể tướng, chức quan đứng hàng đầu triều đình phong kiến.
Hiện nay, đền thờ của Khương Công Phụ, cùng những sắc phong mà các triều đại phong kiến đã ban cho ông, vẫn còn ở Yên Định, Thanh Hóa.
Khương Công Phụ là trường hợp “có một không hai” trong lịch sử phong kiến ở Việt Nam, khi là người Việt đầu tiên thi đỗ trạng nguyên ở xứ người, giữ vị trí cao trong bộ máy cai trị của cả đất nước Trung Hoa. Giới nho sĩ qua nhiều thế hệ đều ca ngợi Khương Công Phụ không chỉ tài năng văn chương, mà còn có phẩm chất, tư cách của một “kẻ sĩ” xuất chúng..
Mạc Đĩnh Chi - trạng nguyên Mông Cổ
Mạc Đĩnh Chi là một trong những trạng nguyên nổi bật nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông tự là Tiết Phu, hiệu Tích Am, quê làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (nay thuộc thôn Lũng Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương). Ông vốn là hậu duệ 7 đời của trạng nguyên Mạc Hiển Tích thời Lý.
Năm Giáp Thìn (1304), ông thi đỗ trạng nguyên khi mới chỉ 24 tuổi, ra làm quan cho ba triều vua, gồm Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông. Mạc Đĩnh Chi được thăng đến chức Đại liêu ban tả Bộc xạ (tể tướng).
Ông hai lần được cử sang phương Bắc vào các năm 1308 và 1322. Ngay trong chuyến đi đầu tiên, ông đã chứng minh tài năng, cốt cách của người Việt, buộc vua Nguyên phải phong mình làm trạng nguyên Bắc triều (lưỡng quốc trạng nguyên).
Nguyễn Trực - trạng nguyên của nhà Minh
Nguyễn Trực sinh năm Đinh Dậu (1417), trong một gia đình nho học. Năm 1442, ông đỗ đầu trong kỳ thi Đình, trở thành trạng nguyên đầu tiên của triều Lê. Ông đồng thời cũng là vị trạng nguyên đầu tiên được khắc tên tại bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Sau khi thi đỗ, ông được vua Lê Thánh Tông tin dùng, phong nhiều chức vụ quan trọng của triều đình. Đặc biệt, với trí tuệ uyên bác, hiểu sâu, biết rộng, ông thường được cử tiếp sứ giả các nước trong khu vực, đồng thời cử đi sứ phương Bắc.
Trong một lần đi sứ, nhân dịp triều đình nhà Minh mở khoa thi tuyển chọn nhân tài, Nguyễn Trực dự thi và đỗ đầu, qua đó trở thành “lưỡng quốc trạng nguyên”.
Nguyễn Đăng Đạo - trạng nguyên của nhà Thanh
Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719) là người thôn Hoài Thượng, tên nôm “Bịu Thượng”, nay thuộc xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Vì thế, dân gian gọi ông là Trạng Bịu.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh hoạt bát, học rộng hiểu nhiều. Trong khoa thi Đình năm 1683, ông đỗ trạng nguyên. Sau đó, ông được bổ chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, thăng chức Thượng thư bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sĩ nhập thị kinh diên thọ lâm bá, Thượng thư bộ Lại, Thượng thư bộ Binh kiêm Bồi tụng và thăng đến chức Tham tụng (tể tướng).
Đầu năm Đinh Sửu 1697, ông được cử đi sứ nhà Thanh. Trong chuyến đi này, bằng tài năng và trí tuệ của mình, Nguyễn Đăng Đạo đã làm kinh ngạc cả triều đình nhà Thanh cùng sứ thần các nước. Khâm phục trước tài năng của vị trạng nguyên người Việt, vua Thanh phong cho ông là Trạng nguyên của Bắc triều, ban mũ áo, võng lọng cho ông vinh quy về nước.
Sau khi ông mất, vua Lê Dụ Tông ban tặng 4 chữ vàng “Lưỡng quốc trạng nguyên”, treo tại nhà thờ ông ở thôn Hoài Thượng (Bắc Ninh). Ông cũng được dân làng thờ làm thành hoàng làng.