Phần lớn hoạn quan xuất thân thấp hèn, ít học, thậm chí là kẻ lưu manh có hạng, nhưng khi vào cung, họ được hưởng đời sống vật chất khá thoải mái nhờ vị thế đặc biệt kề cận bậc đế vương. Thứ quyền lực của hoạn quan vô hình, vô biên tới mức đủ để khuynh đảo triều chính. Không ít người khi được hoàng đế tin dùng đã mặc sức chuyên quyền, "hô phong hoán vũ" làm loạn triều dã. Đâu chỉ khiếm khuyết về thân thể, nhiều thái giám xưa kia còn méo mó cả phẩm chất, nhân tính. Hoạn quan khi biến thái trở thành đại họa cho xã tắc giang sơn. Trong số ấy, có 10 kẻ từng "vanh danh" khắp chốn bởi thói vô nhân vô đạo của mình.
1. Ngụy Trung Hiền
Ngụy Trung Hiền (1568-1627) là một trong những đại hoạn quan nổi tiếng nhất và nhiều quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ngụy Trung Hiền được xem là "ông trùm" trong giới thái giám vô lương thời nhà Minh. Tên hoạn quan này vốn xuất thân là kẻ lưu manh, mù chữ. Thời còn trẻ, Ngụy Trung Hiền nổi tiếng máu mê cờ bạc, tới lúc trắng tay phải sống cảnh chui lủi trốn tránh vì bị chủ nợ săn lùng.
Khi mới vào cung, Ngụy Trung Hiền có tên là Ngụy Tiến Trung. Một chữ bẻ đôi không biết, nhưng nhờ lắm mưu nhiều kế, Ngụy Trung Hiền nhanh chóng đạt tới đỉnh cao quyền lực. Trong đó phải kể tới sự hậu thuẫn đắc lực của Khách thị - vú nuôi của vua Hy tông. Hai chữ Trung Hiền được hoàng đế ban tặng đã nhấc bổng tên hoạn quan lưu manh lên đỉnh chóp bu của quyền lực.
Dần dà, thói hợm hĩnh, "quái thai" của Ngụy Trung Hiền phát tiết cực độ. Công công này trở thành kẻ cầm đầu "đảng hoạn quan" dưới thời Minh Hy tông để lũng đoạn triều dã. Từ khi nắm việc trông coi Đông xưởng, quyền hành, thế lực của Ngụy Trung Hiến ngày càng bành trướng. Từ Nội các, Lục bộ cho đến Tổng đốc, Tuần phủ... khắp nơi trong triều đều là vây cánh của tên hoan quan họ Ngụy. Với tâm địa độc ác, Ngụy Trung Hiền thẳng tay dùng nhục hình bức hại người của đảng Đông Lâm, rồi huênh hoang tự xưng là "cửu thiên tuế".
Thân là thái giám, nhưng kẻ biến thái họ Ngụy vẫn mặt dày dung thê nạp thiếp, cướp đoạt dân nữ nhà lành, khiến nhà nhà rơi vào cảnh biệt ly, tan nát.
2. Triệu Cao
Khi nhắc tới hôn quân Tần Nhị Thế, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến Triệu Cao (? - 207 TCN) - một hoạn quan, thừa tướng, nhân vật chính trị trứ danh của triều đại nhà Tần, người có ảnh hưởng chính trị rất lớn trong suốt giai đoạn nhà Tần. Ông đã trải qua cả ba đời quân chủ nước Tần là Tần Thủy Hoàng, Tần Nhị Thế và Tần Tử Anh, nắm quyền hành chính biến rất lớn.
Theo Sử kí - Mông Điềm liệt truyện thì Triệu Cao là người thân xa của họ Triệu (Tức là họ hàng trên 3 đời với Tần Thủy Hoàng). Triệu Cao có mấy anh em, đều sinh ở trong cung. Mẹ Triệu Cao bị tội chết, đời đời hèn kém. Vua Tần nghe nói Cao có sức khỏe, thạo việc hình ngục, cử lấy làm Trung xa phủ lệnh. Cao đã giúp riêng công tử là Hồ Hợi, dạy Hồ Hợi xử hình ngục. Cao có tội lớn, vua Tần sai Mông Nghị dùng hình trị tội Cao. Nghị không dám trái pháp, xử Cao tội chết, trừ khỏi sổ quan hoạn. Thủy Hoàng vì thấy Cao chăm làm việc, tha cho, trao tước quan như cũ.
Triệu Cao được cất nhắc tin dùng sau vụ tráng sĩ Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng. May nhờ Triệu Cao nhanh mắt nhanh miệng nhắc nhớ nhà vua về cây kiếm đeo bên mình, Tần Thủy Hoàng mới may mắn thoát chết.
Ông nổi tiếng trong lịch sử bởi là một hoạn quan chuyên quyền đầu tiên ảnh hưởng rất lớn cục diện chính trị, cũng như qua 2 cuộc chính biến rất lớn là Chính biến Sa Khâu và Chính biến Vọng Ly cung. Ngoài ra, ông còn nổi tiếng với điển tích "Chỉ hươu thành ngựa".
Tội ác lớn của Triệu Cao là khiến Nhà Tần sụp đổ. Đầu tiên, Triệu Cao đã chủ động kết liễu Tần Thủy Hoàng, nhằm nắm thế chủ động. Không nằm ngoài dự đoán, khi Tần Thủy Hoàng băng hà, ông đã để lại di chiếu truyền ngôi cho Thế tử Phù Tô. Theo Sử ký, của Tư Mã Thiên, Triệu Cao đã bất tuân mệnh, không công bố thánh chỉ mà lôi kéo Thừa tướng Lý Tư để cùng chỉnh sửa di chiếu, đưa Hồ Hợi lên ngôi vua, gọi là Tần Nhị Thể. Mặt khác, Triệu cao mượn danh nghĩa Tần Thủy Hoàng chỉ trích Phù Tô làm con mà bất hiếu, Đại tướng Mông Điềm làm thần tử mà bất trung, bắt hai người phải tự sát. Khi nắm được tin tức chính xác là Phù Tô đã tự sát, Hồ Hợi, Triệu Cao, Lý Tư mới lệnh cho đội xa giá chở thi thể Tần Thủy Hoàng trở về thành Hàm Dương. Có thể nói, cái chết của Tần Thủy Hoàng đã giúp Triệu Cao hoàn thành một nửa âm mưu phá hoại nhà Tần.
Chỉ sau một năm, Triệu Cao tiếp tục bước đi tiếp theo trong kế hoạch hủy hoại nhà Tần, bằng cách tàn sát trung thần. Người tiếp theo trở thành nạn nhân của hoạn quan này không ai khác chính là Lý Tư, Thừa tướng từng đồng lõa cùng Triệu Cao. Lý Tư phát giác được âm mưu của Triệu Cao liền viết thư tố giác lên hoàng đế. Tần Nhị Thế không những thiên vị Triệu Cao lại còn trị tội Lý Tư, xử tử ông tại Hàm Dương, theo Sử ký - Lý Tư liệt truyện. Triệu Cao nghiễm nhiên được phong làm Thừa tướng, do là hoạn quan, nên có thể tùy ý ra vào cung cấm.
Âm mưu trả thù của họ Triệu này chưa dừng lại ở đó. Trở thành Thừa tướng, Triệu Cao khiến nền chính trị của Tần quốc vốn đã hà khắc, nay lại càng trở nên dã man, phi nhân tính. Quan binh lạm dụng nhục hình đối với dân chúng, Hoàng đế lại bị hoạn quan che mắt, nhà Tần sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Sự chuyên quyền của hoạn quan này đã khiến dân chúng rơi vào cảnh lầm than, khởi nghĩa nổ ra ở khắp nơi.
Tuy nhiên, hoạn quan họ Triệu này tìm mọi cách lấp liếm, tấu lên triều đình rằng dân chúng vẫn đang an cư lạc nghiệp. Hồ Hợi những tưởng nước Tần vẫn quốc thái dân an, tiếp tục dung túng để Triệu Cao làm điều xằng bậy.
Cho tới khi biết được thảm cảnh thực sự, hoàng đế nhà Tần mới cuống cuồng tìm Triệu Cao chất vấn. Nhận thấy mạng sống của bản thân bị đe dọa, Triệu Cao đã lên kế hoạch hạ sát hoàng đế. Theo Tần Thủy Hoàng bản kỉ, không lâu sau Triệu Cao sai con rể của mình đem binh mã hàng nghìn người, giả làm đạo tặc, xông vào Vọng Di cung, ép Hồ Hợi tự sát. Hồ Hợi đã cố gắng khẩn cầu nhưng Diêm Lạc trả lời: "Thần nhận mệnh của thừa tướng, vì thiên hạ mà phải giết người". Sau cái chết của Hồ Hợi, Triệu Cao luôn đeo ngọc tỷ bên mình, vờ hứa cho người trong hoàng tộc nhà Tần là Tử Anh lên ngôi.
Nhưng Triệu Cao cũng muốn giết nốt Tần Tử Anh để chiếm ngôi hoàng đế, bằng cách chần chừ không giao ấn, còn buộc Tử Anh phải ăn chay 5 ngày. Tần Tử Anh biết được âm mưu của Triệu Cao, cáo ốm mấy lần không đi, khiến Triệu Cao sốt ruột, phải đích thân đến tận nơi. Nhưng Triệu Cao đến nơi đã bị hoạn quan Đàm Hàm cầm giáo đâm chết. Bấy giờ, Tử Anh liền triệu tập quần thần, liệt kê tội trạng của Triệu Cao, hạ lệnh xử án tru di tam tộc.
Theo các học giả Trung Quốc, Triệu Cao tuy không giết được Tần Tử Anh, nhưng những gì mà hoạn quan này gây ra đã khiến cho nhà Tần lụn bại, không còn cách nào có thể đảo ngược.
Sau khi Triệu Cao chết, Tần Tử Anh chỉ tại vị được 46 ngày. Đến năm 206 TCN, nhà Tần diệt vong bởi cuộc khởi nghĩa do Lưu Bang lãnh đạo, chỉ sau 15 năm sau khi Tần Thủy Hoàng trở thành hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa.
3. Vương Chấn
Các sử gia đánh giá, vương triều nhà Minh trở thành "đế quốc thái giám lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc". Trong đó, Vương Chấn là hoạn quan chuyên quyền đầu tiên thời Minh. Sau khi tự hoạn, Vương Chấn vào cung. Nhờ sự khôn khéo và trí tuệ của mình, ông ta nhanh chóng được trọng dụng. Minh Anh tông mê muội sủng ái họ Vương, khiến thái giám này mặc sức kết bè kéo cánh, nắm quyền về quân sự lẫn chính trị. Tới năm 1405, Vương Chấn cả gan ép vua thân chinh, đem nửa triệu quân đối đầu với bộ tộc Ngõa Lạt, gây nên sự biến Thổ Mộc bảo. Vua bị bắt giữ, quân lính chết như rạ. Riêng thái giám họ Vương cũng bị giết chết, chấm dứt quãng đời làm loạn triều dã mấy mươi năm của mình.
Tới năm 1457, khi tiến hành "Đoạt môn chi biến" (tức Binh biến đoạt môn) để phục hồi ngôi báu, Minh Anh tông phần vì nhớ tới công lao hầu hạ trước đây của hoạn quan Vương Chấn, phần vì thái giám Lưu Hằng và Tào Cát Tường (thủ hạ của Vương Chấn) ra sức thuyết phục nên đã ra lệnh khôi phục danh dự, chức tước cho hoạn quan này. Thậm chí, hoàng đế còn tổ chức lễ chiêu hồn Vương Chấn, lập đền thờ ông ta tại chùa Tri Hòa với tên gọi là Tinh Trung.
4. Lưu Cẩn
Lưu Cẩn (1451-1510), là hoạn quan quan trọng dưới triều vua Minh Vũ Tông. Theo sử tịch, Lưu Cẩn vốn họ Đàm, tự tịnh thân vào cung làm thủ hạ của Lưu thái giám nên đổi sang họ Lưu. Do hầu hạ thái tử Chu Hậu Chiếu (Vũ Tông) từ lúc còn chưa lên ngôi nên Lưu Cẩn rất được sủng ái.
Năm Hoằng Trị thứ 18 (1505) Minh Hiếu Tông băng hà, Chu Hậu Chiếu lên nối ngôi. Lúc đầu khi lên ngôi, tuy Minh Vũ Tông vẫn có tiến hành cải cách chính sự để tiếp tục duy trì sự thịnh trị mà Minh Hiếu Tông gây dựng, nhưng do lười biếng nên chỉ ít lâu sau ông dần dần nản chí và chán ghét chính sự.
Năm 1507, Minh Vũ Tông cho xây "Báo phòng", cả ngày chìm đắm hưởng lạc với các mỹ nhân trong đó; 8 kẻ hầu cận, đứng đầu là Lưu Cẩn hầu hạ Minh Vũ Tông ăn chơi đủ thứ. Chính vì thế, Vũ Tông chểnh mảng việc triều đình, thường vào thiết triều muộn hoặc không đến. Vũ Tông còn là kẻ nghiện rượu, thường nhân đêm khuya dắt Lưu Cẩn ra ngoài hoàng cung uống rượu và dâm dục với một vài mỹ nhân.
Để được rảnh rang ăn chơi, Minh Vũ Tông phong Lưu Cẩn làm Tư lễ giám, chuyên phê duyệt sớ của các quan tấu trình. Với chức quan đó, Lưu Cẩn giả mệnh hoàng đế tự ý định đoạt mọi công việc trong nước, y lập ra một danh sách "gian đảng" gồm 56 vị quan chính trực để trình vua cho bắt giết hết.
Dân gian khi đó gọi Lưu Cẩn là "Hoàng đế đứng", ám chỉ quyền lực của y, để phân biệt với "Hoàng đế ngồi" là Vũ Tông. Quyền thế Lưu Cẩn ngày càng mạnh, khiến triều đình ai cũng khiếp sợ và căm giận. Lưu Cẩn nắm quyền trong hơn 5 năm thì bị một số quan lại phối hợp lật đổ.
Năm Chính Đức thứ 5 (1510), An Hóa vương Chu Trí Phiên dấy binh phản loạn ở Ninh Hạ lấy cớ thảo phạt Lưu Cẩn. Minh Vũ Tông sai Dương Nhất Thanh đi dẹp loạn. Dương Nhất Thanh bắt Phiên đem về Yên Kinh nộp, nhưng thừa cơ lôi kéo thái giám Trương Vĩnh, mật tấu Lưu Cẩn mưu phản.
Vua sai cấm quân khám nhà Cẩn thu được 9 triệu lạng vàng, 194 triệu lạng bạc. Ngày 25/8 cùng năm, Lưu Cẩn bị lôi ra xử lăng trì với 3.357 nhát dao. Theo dã sử, thịt Lưu Cẩn sau đó được bán với giá mỗi quan tiền/1 lạng, dân chúng tranh nhau mua hết, đủ biết mọi người oán hận Cẩn đến đâu.
5. Lý Liên Anh
Lý Liên Anh (1848-1911) tên thật là Lý Tiến Hỉ, từ năm 9 tuổi đã nhập cung làm thái giám và phụng sự hậu cung Thanh triều suốt 4 đời vua (từ thời Hàm Phong đến đời Phổ Nghi). Ông là cánh tay phải đắc lực của Từ Hy Thái hậu và đã theo hầu hạ bà suốt 50 năm trời. Chỉ sau khi Từ Hy qua đời, Lý Liên Anh mới rời chốn hoàng cung sống mai danh ẩn tích và qua đời một cách lặng lẽ.
Theo đánh giá của sử sách Trung Quốc, đại thái giám này là người quyền lực nhất, giàu có bậc nhất và thời gian lộng hành dài nhất trong các thái giám của triều Thanh. Cuộc đời Lý Liên Anh để lại cho hậu thế đầy rẫy những câu chuyện nghi hoặc. Không ai tỏ tường phát tích của ông, càng không đếm xuể số gia sản thực sự mà vị thái giám này sở hữu. Riêng cái chết của Lý Liên Anh vẫn còn là ẩn số với hậu thế.
Vào cung từ rất sớm, Lý Liên Anh nhanh chóng trở thành sủng thần của Từ Hy thái hậu nhờ xảo kế "cứu chúa". Tương truyền, vua Hàm Phong tiên liệu Từ Hy sẽ trở thành tai họa cho triều đình nhà Thanh về sau, nên trước lúc băng hà, ông để lại di chúc bảo phải giết đi. Lý Liên Anh bèn bẩm báo việc này với Từ Hy rồi cùng bà bàn mưu hủy di chúc. Từ đó, ông trở thành "cánh tay phải" của Thái hậu.
Vì Lý Liên Anh rất thạo việc, nên dù đổi tới vài đời thái giám thân cận, Từ Hy thái hậu vẫn không một lần rũ bỏ ông. Theo ghi chép của "Vãn Thanh cung đình sinh hoạt kiến văn", ba bữa cơm mỗi ngày của Từ Hy đều do đại thái giám phục vụ. Ông luôn là người nếm trước hương vị của từng món rồi chọn ra những thực phẩm hợp khẩu vị để Từ Hy thưởng thức. Khi thái hậu buồn bực, Lý Liên Anh đích thân tháp tùng bà ra ngoài đi dạo, thậm chí trò chuyện tới tận đêm khuya. Hoạn quan này luôn tỏ rõ là kẻ thông minh và chịu nghe lời. Ông nghĩ trăm phương ngàn kế để chủ nhân được thỏa lòng.
Theo nhiều tài liệu, khi thao túng quyền lực, Lý Liên Anh ngang nhiên ức hiếp cả Quang Tự hoàng đế. Sau vụ Mậu Tuất chính biến, vị vua này bị tống vào ngục, phải chịu cảnh ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, phần nhiều là do chủ ý của đại thái giám này. Thậm chí, có quan điểm cho rằng, chính Lý Liên Anh là kẻ đẩy Trân phi - vợ yêu của Quang Tự - xuống giếng.
Trong suốt những năm phục tùng Từ Hy, Lý Liên Anh luôn biết tận dụng thời cơ và mưu trí hơn người để tích cóp gia tài. Tuy nhiên, sự thực về số tài sản của đại thái giám lại không được ghi chép chính xác trong sử sách bấy giờ. Có lời đồn, Lý Liên Anh từng nhận 20 vạn lượng bạc hối lộ của Viên Thế Khải. Thậm chí, trong những năm cuối thời vua Quang Tự, chỉ tính riêng số bạc của Lý tại chốn kinh thành đã lên tới hơn 1.600 vạn lượng. Ngoài ra, hoạn quan này cũng tích trữ vô vàn địa sản và châu báu ngọc ngà.
6. Trương Nhượng
Trương Nhượng (?-189) là hoạn quan nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông dự triều chính từ thời Hán Hoàn Đế đến thời Hán Linh Đế và tham gia vào vụ biến loạn trong cung đình.
Trương Nhượng từ một Tiểu hoàng môn thời Hán Hoàn đế, leo dần từng bậc lên chức Trung thường thị thời Hán Linh đế. Để tạo dựng thế lực cho mình, thái giám này liên kết với lũ hoạn quan Tào Tiết, Vương Phủ và Triệu Trung.
Về sau, Trương Nhượng chính là kẻ cầm đầu nhóm "thập thường thị", mặc sức vơ vét của cải trong chúng dân, xúi bẩy hôn quân Linh đế tăng thuế ruộng thêm 10 đồng, thậm chí công khai mua quan bán tước. Những kẻ vô lại muốn thuận đường quan lộ đều dốc tiền đút lót cho Trương Nhượng lẫn đám lâu nhâu. Nhiều người vì cùng quẫn không đủ tiền chạy vạy đã tự tử. Quần thần oán thán, bách tính căm hận tên hoạn quan vô lương, chỉ riêng Hán Linh đế vẫn hết mực sủng ái, tin tưởng hắn. Thậm chí, tên hôn quân còn xem Trương Nhượng như phụ thân mình. Để lấy lòng vua, hoạn quan nịnh hót còn xây cả "Lõa du quán" trong Tây Uyển để phục vụ thú ăn chơi dâm loạn của đấng quân vương.
7. Cao Lực Sĩ
Cao Lực Sĩ (684-762) là hoạn quan nổi tiếng thời nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Ông tham dự việc triều chính và có ảnh hưởng nhất định tới vua Đường Huyền Tông.
Vì có công trợ giúp Đường Huyền tông dẹp loạn do Vi hậu và Thái Bình công chúa gây ra, thái giám Cao Lực Sĩ được nhà vua sủng tín. Tới cuối thời kỳ Khai Nguyên, hoạn quan này thậm chí còn có quyền thẩm duyệt trước những tấu chương của đám đại thần. Việc nhỏ do Cao tự xử lý, đại sự mới cầu kiến tới Huyền tông.
Biết mình là sủng thần, Cao Lực Sĩ dựa hơi hoàng thượng để lên mặt, tác oai với đám quan quân trong triều. Dù có nhiều đóng góp cho chính trường nhà Đường, song thói tham quyền, can dự quá sâu vào chính sự của viên thái giám này đã mở ra "trào lưu" hoạn quan can chính rồi trở nên chuyên quyền trong thời nhà Đường.
8. Lý Phụ Quốc
Lý Phụ Quốc (704-762), tên thật là Tĩnh Trung, hầu hạ vua Đường Túc Tông Lý Hanh. Phụ Quốc có dung mạo xấu xí khó nhìn. Trước đây, Lý Phụ Quốc phò tá cho thái giám Cao Lực Sĩ, về sau được chính họ Cao tiến cử với thái tử Lý Hanh. Thái tử khi tức vị đã phong Phụ Quốc làm Hành quân tư mã Phủ Nguyên soái. Từ đó, thái giám này nắm binh quyền rồi thao túng nội dung, vu oan cho Cao Lực Sĩ, khiến bậc tiền bối của mình bị đày tới tận Vu Châu.
Tiếp đó, Lý Phụ Quốc nắm quyền triều cương, bức ép Thái thượng Hoàng (Đường Túc Tông), giết chết Trương hậu, phò lập Đại Tông.
Đến đời vua Đường Đại Tông, Lý Phụ Quốc càng hống hách giương oai. Có lần, hoạn quan này bất chấp tôn ti, nghênh ngang tuyên bố với Đại Tông: "Dù chức vị chúng ta không tương đồng, nhưng mọi sự bên ngoài, hoàng thượng phải nghe theo lời thần".
Đại Tông trong lòng bất bình, nhưng ngoài mặt không thể hiện ra, vẫn tôn Phụ Quốc là Thượng phụ, kiêng không gọi thẳng tên. Còn tấn phong Phụ Quốc là Tư không (một trong Tam công), và Trung thư lệnh, chức quan tể tướng bậc nhất, quản trị Trung thư tỉnh. Quyền chỉ huy quân đội của ông được giao bớt cho Trình Nguyên Chấn. Phụ Quốc lại tìm cách trù dập, giáng chức Tiêu Hoa để trả thù xưa.
Trong khi đó, Lý Phụ Quốc không hề hay biết rằng cả nhà vua và Trình Nguyên Chấn đều muốn loại bỏ mình để thâu tóm quyền hành. Mùa hạ năm 762, theo lời Nguyên Chấn, Đại Tông cách chức ước bớt quyền lực của Lý Phụ Quốc, bỏ chức Hành quân tư mã, Binh bộ thượng thư và ép ra ở phủ đệ bên ngoài. Phụ Quốc lo sợ, dâng biểu từ chức lên triều đình, Đại Tông không thèm từ chối, bãi chức Trung thư lệnh của Phụ Quốc, nhưng sau phong làm Bác Lục vương.
Vì Phụ Quốc có công giết Trương hoàng hậu, ủng hộ mình lên ngôi nên Đại Tông không tiện công khai giết ông. Thay vào đó ngày 8 tháng 11 năm 762, có thích khách đột nhập vào phủ Lý Phụ Quốc, chém chết Phụ Quốc rồi mang theo thủ cấp cùng một cánh tay của ông rồi trốn mất. Đại Tông cho điều tra trong một thời gian ngắn rồi nhanh chóng cho kết thúc, do đó có tin đồn thích khách giết Lý Phụ Quốc làm theo lệnh của Đại Tông. Đại Tông cho tổ chức lễ tang linh đình, chạm một cái đầu và cánh tay bằng gỗ đàn hương để lắp vô cái xác của Phụ Quốc, song lại ban cho tên thụy mỉa mai là Xú (nghĩa là "lạm quyền, xấu xa").
9. Đồng Quán
Đồng Quán (1054-1126) nổi tiếng là một hoạn quan có ngoại hình kỳ quái thời Bắc Tống. Dù đã tiến hành nghi thức tịnh thân nhưng vẻ ngoài của ông vẫn toát lên chất nam tính với thân hình vạm vỡ, gân cốt và gương mặt vuông vắn, cương nghị. Đồng Quán được sử sách lưu danh là người chiếm nhiều cái nhất trong giới hoạn quan xưa. Ông là vị thái giám có thời gian tham gia quân đội lâu nhất, có quyền lực quân đội duy nhất, vị thái thám đầu tiên và duy nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc được phong làm thái sư. Điều kỳ lạ hơn cả, Đồng Quán là hoạn quan duy nhất có râu trong số các thái giám "mày râu nhẵn nhụi".
Vào cung khi mới 20 tuổi, Đồng Quán nhanh chóng tạo dựng vị thế cho mình nhờ tài giao thiệp và sự khôn khéo thiên bẩm. Khi có được chức quan võ cao nhất trong triều, hoạn quan này thuyết phục Tống Huy tông lập ra Ứng phụng cục (bộ phận chuyên phục vụ, cung ứng những yêu cầu của hoàng đế). Cậy quyền, Đồng Quán và đám thân cận trong "Ứng phụng cục" hống hách cướp bóc của ngon, vật hiếm trong thiên hạ, như sừng tê, đá quý, ngà voi…,khiến dân chúng Giang Nam oán thán kêu trời. Tới năm 1120, dân chúng vùng này "tức nước vỡ bờ", tổ chức cuộc khởi nghĩa Phương Lạp để phản đối thói hách dịch, ác bá của đám "Ứng phục cục". Đồng Quán đích thân cầm quân dẹp loạn. Sau gần một năm đối đầu với đám dân đen, triều đình đã bắt sống được người đứng đầu cuộc khởi nghĩa này. Đồng Quán nghiễm nhiên được phong làm thái sư, quyền hành càng lớn.
Mức độ ảnh hưởng của hoạn quan này chỉ chấm dứt vào thời Khâm Tông - tức con trai Tống Huy tông. Khi giang sơn lâm cảnh loạn lạc vì nhà Kim ồ ạt tấn công, Đồng Quán không chịu ở lại giữ thành, mà xúi bẩy thái thượng hoàng Huy tông trốn chạy về phía nam để tránh họa. Trông thấy đám quân sĩ lẫn dân đen leo lên cầu khóc than, van xin thượng hoàng ở lại đối đầu với quân địch, Đồng Quán bèn hạ lệnh bắn cung giết sạch, khiến hàng trăm người mất mạng. Biết chuyện, Khâm tông hoàng đế vô cùng phẫn nộ, bèn giáng chức của hoạn quan này rồi bắt đi đày ở Anh châu. Nhưng chưa tới chốn lưu đày, Đồng Quán đã bị xử tử khi quan giám sát ngự sử Thượng Huy mang chiếu thư tới, luận đủ 10 tội trạng tày trời của thái giám này.
10. An Đức Hải
An Đức Hải (1844-1869) là một thái giám nổi tiếng cuối triều Thanh. Sau khi vào cung, hoạn quan này được sự tin dùng của Từ Hy thái hậu. Dần dà, An nắm thời cơ, can dự cả chính sự triều đình. Mọi dự định của mình, Từ Hy đều bàn bạc với tên hoạn quan tin cậy này. Thậm chí, hắn chính là kẻ ra sức vạch đường, cổ vũ cho thói ăn chơi hoang phí của thái hậu.
Trước sự lộng hành của An Đức Hải, năm 1866, hai gián quan trong triều đã dâng sớ chỉ trích hoạn quan này. Dù Từ Hy ngoài mặt tỏ ra ủng hộ bản tấu, nhưng trong lòng vẫn âm thầm sủng ái An.Tương truyền, hai người họ thường nô đùa thân mật, tình tứ trong ngự hoa viên. An Đức Hải còn ngang nhiên vận cả long bào - thứ y phục riêng biệt của hoàng đế - để đi lại trong cung. Ngay cả Hải ngọc như ý - loại ngọc quý biểu trưng cho quyền lực của hoàng tộc - cũng được thái hậu ban thưởng cho y. Thiên hạ bấy giờ vẫn thường kháo nhau về thân phận thực sự của An Đức Hải, rằng hắn chỉ đội lốt thái giám để có cớ ở bên, thông dâm cùng Tư Hy, thậm chí, giữa hai kẻ "gian phu, dâm phụ" ấy còn có con với nhau.
11. Tông Ái
Tông Ái (401-452) là hoạn quan phục vụ dưới thời nhà Bắc Ngụy (386-534). Theo cuốn Tư Trị thông giám của sử gia Trung Quốc Tư Mã Quang, Tông Ái thân phận thấp hèn, vì phạm tội nên bị hoạn rồi được đưa vào cung.
Tông Ái bề ngoài hiền lành, tỏ ra khách khí với đồng sự, khiêm tốn trước bậc bề trên, làm việc nhanh nhẹn, cẩn thận, kín đáo nên được nhiều người yêu quý. Nhưng bên trong lớp vỏ bọc như vậy là sự nham hiểm, gian ác và tàn độc. Hoạn quan họ Tông dần dần gây dựng được sự tín nhiệm, trở thành người chăm sóc thái tử Thác Bạt Hoảng.
Thác Bạt Hoảng là con trai trưởng của Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo, được phong làm thái tử khi mới 4 tuổi. Dù mất khả năng sinh lý, Tông Ái trong lòng vẫn không quên được nhục dục. Khi thái tử mây mưa cùng một cung nữ, ông ta đứng ngoài nhìn trộm. Thác Bạt Hoảng phát hiện liền vô cùng tức giận, giáng chức Tông Ái. Kể từ đó, mối quan hệ giữa Tông Ái và thái tử trở nên "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt".
Trong một lần đi săn, Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo (hoàng đế thứ ba của triều đại Bắc Ngụy) thấy Tông Ái đầu óc linh hoạt, làm việc chu đáo bèn giữ lại bên mình. Tông Ái chăm sóc hoàng thượng vô cùng tỉ mỉ, được vua trọng dụng và phong chức Trung thường thị, phụ trách sinh hoạt hàng ngày của hoàng đế.
Được sủng ái, Tông Ái liền tác oai tác quái, trắng trợn nhận hối lộ, câu kết bè phái. Năm 451, thái tử Hoảng mâu thuẫn gay gắt với Tông Ái vì phát hiện hoạn quan này tham ô, tư lợi. Tông Ái lo sợ các thuộc quan thân tín của Thái tử Hoảng là Cừu Ni Đạo Thịnh và Nhâm Bình Thành tố cáo mình, nên đã ra tay trước.
Nhân lúc vua Thác Bạt Đảo đang chinh phạt phía nam, Tông Ái tố cáo hai trợ thủ đắc lực của thái tử Hoảng phạm pháp. Trong cơn thịnh nộ, Thái Vũ Đế ra lệnh xử tử họ. Nhiều quan lại khác thân cận với Thái tử cũng bị xử tử. Tháng 6 năm 451, hơn ba tháng sau khi vua Thác Bạt Đảo về kinh, thái tử khiếp sợ mà lâm bệnh chết ở tuổi 24. Sau khi thái tử chết, Thái Vũ Đế nhận ra sai lầm, ngày đêm uống rượu và vô cùng hối hận. Điều này không lọt qua được một người đầu óc xảo quyệt như Tông Ái. Tông Ái lo sợ sớm muộn tội ác của mình sẽ bị phanh phui, nên quyết định ra tay giết vua.
Mùa xuân năm 452, hoàng đế Thác Bạt Đảo đi săn, trở về quá mệt nên uống rượu say bất tỉnh. Tông Ái nhân cơ hội đuổi hết nô tài ra ngoài, sau đó cùng một tên thái giám thân tín đè gối cho vua chết vì ngạt thở, theo cuốn Tự trị thông giám của sử gia Tư Mã Quang. Sau khi Thái Vũ Đế đột ngột băng hà ở tuổi 44, hai người nhiều khả năng lên kế vị nhất là con trai của thái tử, Thác Bạt Tuấn và con trai thứ ba của Thái Vũ Đế, Đông Bình Vương Thác Bạt Hàn. Tông Ái không muốn hai người này lên ngôi, vừa sợ Thác Bạt Tuấn báo thù cho cha mình, vừa bất hòa với Thác Bạt Hàn.
Hoạn quan này chỉ quan hệ tốt với con trai thứ sáu của vua là Thác Bạt Dư. Ngay trong đêm, Tông Ái phong tỏa tin tức vua qua đời, lặng lẽ triệu Thác Bạt Dư vào cung. Tông Ái còn giả truyền lệnh của hoàng hậu, triệu các đại thần vào cung để thanh trừng. Những người dám lên tiếng phản đối Tông Ái đều bị giết ngay lập tức. Đông Bình Vương Thác Bạt Hàn cũng không tránh khỏi số phận.
Thác Bạt Dư lên ngôi hoàng đế, không quên phong Tông Ái làm đại tư mã, đại tướng quân và thái sư. Tông Ái khi đó nắm toàn bộ quyền lực trong triều, không hề kém vua. Thác Bạt Dư biết mình lên ngôi không chính thống nên đã cố gắng mua chuộc các quan bằng cách ban cho họ nhiều tiền bạc, châu báu. Điều này cũng khiến ngân khố cạn kiệt nhanh chóng.
Kể từ khi lên ngôi, Thác Bạt Dư chìm đắm trong trong tửu sắc, ăn chơi vô độ, bỏ bê việc triều chính. Tông Ái thấy thế, lại coi mình là ân nhân giúp vua thì càng lạm quyền, hành xử bạo ngược. Mùa đông năm 452, Thác Bạt Dư nghe theo đại thần, lên kế hoạch trừ khử Tông Ái. Nhưng không ngờ rằng hoạn quan gian manh, quỷ quyệt này lại ra tay trước. Nhân lúc Thác Bạt Dư cúng tế tiên hoàng vào ban đêm, Tông Ái đã cử trợ thủ đi ám sát hoàng đế. Thác Bạt Dư qua đời khi mới lên ngôi được 7 tháng.
Lần thứ hai giết hoàng đế Bắc Ngụy, Tông Ái lĩnh quả báo khi một thân tín của ông ta đã tiết lộ sự việc cho Nam Bộ Thượng thư Lục Li. Lục Li bí mật đón Thác Bạt Tuấn vào cung, đồng thời triệu tập cấm vệ quân, tuyên bố Tông Ái phạm tội giết vua, ra lệnh xử tội chết. Cái chết của Tông Ái được ghi chép lại là diễn ra hết sức từ từ và đau đớn.
Giới sử gia Trung Quốc ngày nay vẫn tranh cãi về tội trạng của Tông Ái. Mặc dù trực tiếp liên quan đến việc giết hại hai hoàng đế nhưng đến cuối cùng, Tông Ái chỉ bị kết tội ám sát vua Thác Bạt Dư. Điều này dấy lên nghi vấn rằng Tông Ái không hành động một mình khi giết chết Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo.
Cuối cùng, Thác Bạt Tuấn lên ngôi, trở thành vị vua thứ 5 nhà Bắc Ngụy khi mới 13 tuổi, chấm dứt giai đoạn đầy bất ổn do Tông Ái gây ra.