Tần Thủy Hoàng
Phim gây tranh cãi: Kinh Kha thích Tần vương, Anh hùng, Tần Thủy Hoàng (truyền hình Hong Kong)
Nhìn từ góc độ lịch sử, bản thân Tần Thủy Hoàng đã là nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi, ông vừa là vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc, vừa là bạo chúa chống lại Nho học, khiến người dân lâm vào cảnh khốn cùng.
|
Chân dung phác họa Tần Thủy Hoàng - Tần Thủy Hoàng trong phim Kinh Kha thích Tần vương của đạo diễn Trần Khải Ca - Trong phim Anh hùng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Tần Thủy Hoàng được nâng cấp thành một người đại trí đại dũng - Ảnh: Sina |
Trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau và giá trị quan khác nhau, con người đã có những nhận định và bình luận mới về hành vi đạo đức cũng như những cống hiến của Tần Thủy Hoàng đối với lịch sử.
Do đó những bộ phim tái dựng cuộc đời Tần Thủy Hoàng luôn mang yếu tố gây tranh cãi, điều này được thể hiện rõ nét trong bộ phim điện ảnh Kinh Kha thích Tần vương của đạo diễn Trần Khải Ca.
Kinh Kha thích Tần vương xoay quanh bốn nhân vật Tần vương (Lý Tuyết Kiện đóng), Triệu Cơ (Củng Lợi đóng), Kinh Kha (Trương Phong Nghị đóng) và Yến thái tử Đan (Tôn Châu đóng).
Đạo diễn Trần Khải Ca chỉ đưa những nhân vật lịch sử đời nhà Tần lên màn ảnh, còn tình tiết phim đều được hý kịch hóa, ông đã đưa khái niệm bạo lực mỹ học để khắc họa Tần vương Doanh Chính.
Tuy nhiên, đến bộ phim Anh hùng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Tần Thủy Hoàng được nâng cấp thành một người đại trí đại dũng xứng đáng nhận được sự khâm phục và tôn kính, thậm chí các đối thủ của ông cũng đồng tình với lý tưởng chính trị của ông và cuối cùng đã buông đao đầu hàng, xả thân cùng ông mưu cầu thiên hạ.
So với những bộ phim điện ảnh thì phim truyền hình Tần Thủy Hoàng do Đài ATV Hong Kong sản xuất, đã khai thác về cuộc đời vị hoàng đế đầu tiên Trung Quốc một cách trọn vẹn nhất, dù kịch bản truyền hình đã "tình cảm hóa" mối quan hệ tình cảm của Tần Thủy Hoàng và Mạnh Khương Nữ.
Từ Hy thái hậu
Phim gây tranh cãi: Đi về phía Cộng hòa, Hỏa thiêu Viên minh viên, Thiếu nữ Từ Hy
Trong ấn tượng của nhiều người, Từ Hy thái hậu là người phụ nữ chuyên chế, hủ bại, thậm chí tàn bạo và bá đạo, điển hình là có lần Từ Hy và thái giám chơi cờ, thái giám lỡ lời nói: "Tôi ăn con ngựa của ngài", nghe vậy Từ Hy lập tức nổi giận, giết chết vị thái giám đó.
Nhưng trong phim Đi về phía Cộng hòa, Từ Hy đã trở thành một nhà chính trị gia tài ba, thậm chí là một lão thái thái có những sở thích tao nhã.
Việc Từ Hy thái hậu dùng ngân lượng của hải quân để xây dựng Di Hòa viên và mở tiệc mừng thọ cũng được xem là vì thể diện của triều đình.
|
Chân dung ngoài đời của Từ Hy thái hậu - Trong phim Đi về phía Cộng hòa, Từ Hy thái hậu (Lữ Trung đóng) đã trở thành nhà chính trị gia tài ba, lão thái thái có những sở thích tao nhã - Ảnh: Sina. |
Để thể hiện mặt nhân từ của Từ Hy, bộ phim còn có tình tiết: lúc Từ Hy nghe cung nữ hát Côn khúc, bà chê cung nữ hát không hay, cung nữ lập tức trả lời: "Tôi hát không hay, vậy ngài hát đi", Từ Hy chỉ mỉm cười.
Bộ phim Thiếu nữ Từ Hy do truyền hình Hong Kong sản xuất, phản ánh tính cách dịu dàng, đa tình của thiếu nữ Từ Hy, do nhà biên kịch có nói trước là kịch bản được dựa trên tư liệu dã sử nên khán giả xem phim chỉ thuần túy giải trí.
Ung Chính
Phim gây tranh cãi: Vương triều Ung Chính
Sau khi bộ phim truyền hình Vương triều Ung Chính ra mắt, đã gây tranh cãi lớn khi kịch bản đảo ngược trắng đen, nói sự hủ bại của chế độ độc tài là do dư luận.
|
Chân dung phác họa hoàng đế Ung Chính - Việc đảo ngược tính chất nhân vật lịch sử trong phim Vương triều Ung Chính, đã khiến người xem có cái nhìn sai lệch - Ảnh: Sina. |
Ung Chính là vị hoàng đế thứ 5 đời nhà Thanh, theo ghi nhận lịch sử, ông là người giết công thần, giết huynh đệ, chính sách hà khắc, thậm chí còn có dã sử ghi ông giết cha giết con.
Tuy nhiên, khi cuộc đời Ung Chính được đưa lên màn ảnh với bộ phim Vương triều Ung Chính thì nhân vật Ung Chính lại trở thành vị minh quân lao tâm lao lực, vì nước vì dân, là người hiền đạt, trung dung, có hiếu lễ, thấu tình đạt lý.
Có thể nói, Vương triều Ung Chính đã bứt phá các bộ phim đề cập đến hoàng đế Ung Chính, việc đảo ngược tính chất nhân vật lịch sử đã khiến người xem có cái nhìn sai lệch, gây tranh cãi không ngớt.
Võ Tắc Thiên
Phim gây tranh cãi: Võ Tắc Thiên phiên bản Phùng Bửu Bửu, Võ Tắc Thiên phiên bản Lưu Hiểu Khánh, Đại Đường ngự sử, Đại Minh cung từ, Thượng Quan Uyển Nhi, Chí tôn hồng nhan Võ Mỵ Nương truyền kỳ, Võ Tắc Thiên phiên bản Phạm Băng Băng.
Võ Tắc Thiên là hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị, là nữ chính trị gia đời Đường, là nữ hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc có tài trí tuyệt đỉnh.
|
Chân dung phác họa Võ Tắc Thiên - Võ Tắc Thiên phiên bản Lưu Hiểu Khánh – Đại Minh cung từ do Quy Á Lôi đóng, là một trong số ít bộ phim bám sát lịch sử - Võ Tắc Thiên phiên bản Phạm Băng Băng miêu tả về cuộc đời Võ Tắc Thiên về mặt chính diện - Ảnh: Sina. |
Trong thời gian tại vị, Võ Tắc Thiên đã dùng chính sách cứng rắn và những điều luật hà khắc để cai trị vương triều của mình.
Tuy nhiên, phần lớn những bộ phim truyền hình miêu tả về cuộc đời Võ Tắc Thiên đều ca ngợi về mặt chính diện của vị nữ hoàng đế.
Chỉ có hai bộ phim Võ Tắc Thiên phiên bản Lưu Hiểu Khánh và Đại Minh cung từ do Quy Á Lôi đóng chính, là bám sát lịch sử, miêu tả những chính sách thống trị hà khắc của Võ Tắc Thiên tương đối hoàn chỉnh.
Hòa Thân
Phim gây tranh cãi: Bản lĩnh Hỷ Kiểu Lam, Càn Long vương triều, Quan khâm sai thất phẩm Lưu Gù, Mộng đoạn Tử Cấm Thành, Tể tướng Lưu Gù…
Những năm gần đây nhân vật lịch sử ngày càng được khán giả biết đến nhiều hơn có lẽ không ai khác chính là Hòa Thân.
Theo các nhà sử học chuyên nghiên cứu đời Thanh, những bộ phim truyền hình khai thác về Hòa Thân hoàn toàn sai lệch với ghi chép của sách sử.
Thực tế, Kỷ Hiểu Lam mới là ông mập, còn Hòa Thân là một mỹ nam, trong khi đó phim ảnh lại miêu tả Hòa Thân là người vừa mập vừa lùn.
|
Chân dung Hòa Thân - Thực tế, Hòa Thân là một mỹ nam, khác với hình tượng vừa mập vừa lùn do Vương Cương thể hiện trên màn ảnh - Ảnh: Sina. |
Hòa Thân thông thạo 4 loại ngôn ngữ: Mãn, Hán, Tạng và Duy Ngô Nhĩ, ông làm thơ cũng có trình độ nhất định được thừa nhận. Hòa Thân là quan lớn, nắm giữ nội chính dưới vương triều vua Càn Long, là người có tài quản lý tài chính, có tài hoa, giỏi ứng xử, là một nhà chính trị lão luyện.
Có điều, Hòa Thân nổi tiếng là một đại tham quan, khi Hòa Thân bị xử tội chết, đã có câu nói: "Hòa Thân rớt đài, muôn dân ấm no".
Hiện nay, những bộ phim truyền hình miêu tả về Hòa Thân ngày càng nhiều, hình tượng Hòa Thân cũng ngày càng "to lớn", như trong phim Mộng đoạn Tử Cấm Thành, Càn Long vương triều, Hòa Thân đã phá vỡ hình tượng nhân vật phản diện vốn có, trở thành chính nhân quân tử.
Tào Tháo
Phim gây tranh cãi: Tam quốc diễn nghĩa, Tào Tháo và Thái Văn Cơ
Tào Tháo từng lợi dụng thiên tử để sai khiến chư hầu, còn ban hành "lệnh đồn điền", tập trung phát triển sản xuất, không những là một nhà chính trị kiệt xuất, nhà quân sự, ông còn là một nhà văn, nhà thơ xuất sắc, những bài thơ như "Đoản ca hành" được lưu truyền khắp thiên hạ.
|
Chân dung phác họa Tào Tháo - trong phim Tam quốc diễn nghĩa, hình tượng của Tào Tháo được định vị là một gian tướng, gian tặc, Hán tặc - Ảnh: Sina. |
Trong phim Tam quốc diễn nghĩa, hình tượng của Tào Tháo được định vị là một gian tướng, gian tặc, Hán tặc, câu châm ngôn của ông: "Thà để ta phụ thiên hạ, chứ không để thiên hạ phụ ta", đã khiến người xem không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, theo nhận thức của khán giả đối với các nhân vật lịch sử, hình tượng của Tào Tháo bắt đầu có sự thay đổi.
Trong phim Tào Tháo và Thái Văn Cơ, nhân vật Tào Tháo do Bộc Tồn Hân đóng, chẳng những không "gian" mà còn trở thành người văn nhân nho nhã, anh tuấn, thậm chí cùng tài nữ Thái Văn Cơ có mối quan hệ tình cảm trên mức tình bạn.
Hiếu Trang hoàng hậu
Phim gây tranh cãi: Hiếu Trang bí sử, Khang Hy vương triều, Trang Phi dật sự
Năm 13 tuổi, Hiếu Trang được gả cho Thái Tông Hoàng Thái Cực làm trắc phúc tấn. Khi Hoàng Thái Cực qua đời, Hiếu Trang hoàng hậu mới 32 tuổi, con trai 6 tuổi của bà là Phúc Lâm kế thừa ngôi vị hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Trị.
|
Chân dung phác họa Hiếu Trang hoàng hậu – Khía cạnh yêu đương giữa Hiếu Trang và Đa Nhĩ Cổn trên màn ảnh luôn là đề tài gây tranh cãi cho khán giả - Ảnh: Sina. |
Theo đó, Hiếu Trang hoàng hậu được tấn phong thành Hoàng Thái hậu, Thuận Trị qua đời năm 24 tuổi, ngôi vị được truyền cho Khang Hy lúc mới 8 tuổi, Hiếu Trang được tôn làm Thái Hoàng Thái hậu.
Hiếu Trang Thái Hoàng Thái hậu phò tá cho 2 ấu chủ là Thuận Trị và Khang Hy, có công lao lớn trong việc ổn định địa vị và sự phồn vinh của vương triều nhà Thanh.
Các nhà sử học đánh giá về công lao của Hiếu Trang hoàng hậu khá cao, gọi bà là nữ chính trị gia kiệt xuất cuối đời Minh đầu đời Thanh, được hoàng đế các triều đại vô cùng kính trọng.
Tuy nhiên, có dã sử nói vị Thái Hoàng Thái hậu về già đã cải giá, kết hôn với em chồng là Nhuệ Thân Vương Đa Nhĩ Cổn - người nắm giữ đại quyền nhiếp chính của vương triều nhà Thanh, thậm chí còn có lời đồn Hiếu Trang và Đa Nhĩ Cổn hợp mưu, giết chết chồng của mình là Hoàng Thái Cực.
Một số bộ phim truyền hình liên quan đến Hiếu Trang hoàng hậu như Hiếu Trang bí sử, Trang Phi dật sự, Khang Hy vương triều… đều có cái nhìn tích cực về vị Hoàng hậu này, nhưng khía cạnh yêu đương giữa Hiếu Trang và Đa Nhĩ Cổn lại gây không ít tranh cãi cho khán giả.
Lã Bất Vi
Phim gây tranh cãi: Kinh Kha thích Tần vương, Lã Bất Vi truyền kỳ
Trong những bộ phim về Tần Thủy Hoàng đều không thiếu hình bóng của Lã Bất Vi, nhưng cũng không thể để "Lã Bất Vi cứ sống mãi dưới cái bóng của Tần Thủy Hoàng", nên các nhà làm phim đã cho ra đời Lã Bất Vi truyền kỳ.
|
Chân dung phác họa Lã Bất Vi - Trong phim Lã Bất Vi truyền kỳ, nhân vật Lã Bất Vi do Trương Thiết Lâm đóng, từ một công tử phong lưu con nhà giàu, từng bước trở thành tướng quốc - Ảnh: Sina. |
Đích thực, Lã Bất Vi là nhân vật truyền kỳ, ông là tướng quốc của nhà Tần cuối thời chiến quốc, xuất thân là thương gia giàu có của nước Triệu. Sau khi phò trợ Trang Tương Vương kế vị, Lã Bất Vi được phong làm thừa tướng.
Sau khi Thái tử Doanh Chính kế thừa ngôi vua, đã tôn Lã Bất Vi làm Tướng quốc, xưng ông là "Trọng phụ", đương thời dưới môn hạ của ông có hơn 3000 thực khách, gia nô vạn người.
Quyển Lã Thị xuân thu mà Lã Bất Vi cử người biên soạn đã hội tụ học thuyết của các môn phái đầu đời Tần.
Trong bộ phim điện ảnh Kinh Kha thích Tần vương, nhân vật Lã Bất Vi của đạo diễn Trần Khải Ca là hình tượng "Trọng phụ" điển hình, chín chắn mà đầy mưu mô.
Còn trong phim truyền hình Lã Bất Vi truyền kỳ, nhân vật Lã Bất Vi do Trương Thiết Lâm đóng, từ một công tử phong lưu con nhà giàu, từng bước trở thành tướng quốc, và cuối cùng Lã Bất Vi được nâng cấp thành một kiêu hùng tài ba.
Lý Hồng Chương
Phim gây tranh cãi: Đi về phía Cộng hòa
Lý Hồng Chương là đại thần cuối đời Thanh, là thủ lĩnh phái Dương vụ và Hoài Quân.
Đề xướng "tự cường", "cầu phú", xây dựng công nghiệp quân sự thời cận đại, thiết lập Cục chế tạo Giang Nam, Cục chiêu thương thuyền bè, đường sắt Tấn Dụ, khai thác mỏ than đá…, xây dựng Hạm đội Bắc Dương.
Nhà chính trị, tư tưởng gia cận đại Lương Khải Siêu đã bình luận về Lý Hồng Chương: "Ta kính tài của Lý Hồng Chương, ta trọng hiểu biết của Lý Hồng Chương, ta thương cho số phận của Lý Hồng Chương"
|
Chân dung ngoài đời của Lý Hồng Chương - Sau khi bộ phim Đi về phía Cộng hòa ra mắt, có chuyên gia sử học cho rằng, tại sao lại mỹ hóa Lý Hồng Chương như vậy? - Ảnh: Sina. |
Trong phim Đi về phía Cộng hòa, Lý Hồng Chương mà khán giả xem được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn đầu, Lý Hồng Chương tranh thủ sự ủng hộ của triều đình để thành lập Dương vụ vận động (chỉ những người làm các công việc như ngoại giao, soạn thảo điều ước, cử học sinh đi học nước ngoài, mua vũ khí của nước ngoài, học tập khoa học nước ngoài, sử dụng cơ khí, khai mỏ, mở xưởng… có quan hệ với nước ngoài), thời đó ông phấn đấu hết mình vì tổ quốc, làm tốt công việc của Dương vụ vận động
Giai đoạn thứ hai là sau khi ký kết "Điều ước Mã Quan", Lý Hồng Chương bị gán tội danh Hán gian, ông vô cùng chán nản, đã có lúc từng muốn tự sát.
Giai đoạn thứ ba là sau khi Lý Hồng Chương đi khảo sát về nước trở thành Tổng đốc hai tỉnh, tư tưởng của ông đã có sự thay đổi rất lớn, tỏ thái độ tán thành tư tưởng cách mạng của Tôn Trung Sơn.
Sau khi bộ phim Đi về phía Cộng hòa ra mắt, có chuyên gia sử học cho rằng, tại sao lại mỹ hóa Lý Hồng Chương như vậy? Trên thực tế, Lý Hồng Chương đã dựa vào Dương vụ vận động kiếm được một gia tài kếch xù, trở thành ông quan giàu nhất thiên hạ.
Bộ phận quân hạm mà thủy sư Bắc Dương nhập khẩu từ nước ngoài, có cái không thể tham gia chiến đấu, cái thì là những khẩu đại pháo không nổ, nhưng những thứ phẩm đó đều được nhập khẩu với cái mác chiến hạm cao cấp, Lý Hồng Chương là người đích thân nhập về đã kiếm chác được một mớ.
Năm 1896, Lý Hồng Chương và nước Nga đã ký kết mật ước Trung Nga, dâng hiến chủ quyền Trung Quốc cho đối phương, trong đó có một điều: Nếu như đường sắt Trung Đông hoàn thành, Russo-Chinese Bank sẽ chi 3 triệu RUB cho Lý Hồng Chương để cảm tạ.
Do đó, ngân hàng này còn lập ra "Quỹ Lý Hồng Chương", số tiền cảm tạ đó đều âm thầm được rót vào trong ví của Lý Hồng Chương.
Viên Thế Khải
Phim gây tranh cãi: Đi về phía Cộng hòa
Trong các bộ phim trước đây, Viên Thế Khải đều là nhân vật phản diện tuyệt đối, là con người đầy dã tâm, đầy mưu mô, là kẻ bán nước cầu vinh, có ngoại hình béo mập.
Trong phim Đi về phía Cộng hòa, Viên Thế Khải thời trẻ là một nhân vật có lý tưởng chính trị, ông đảm nhận chức Sử tiết ở Triều Tiên, bị cách chức điều tra, sau khi bị nạn ông đã đi theo Lý Hồng Chương.
|
Chân dung ngoài đời của Viên Thế Khải - Trong phim Đi về phía Cộng hòa, Viên Thế Khải do Tôn Thuần đóng đã khắc họa một kiêu hùng thời loạn thế - Ảnh: Sina. |
Viên Thế Khải tán thành Duy Tân, ủng hộ chính quyền mới của Quang Tự, là nhân vật quan trọng trên chính trường thời bấy giờ.
Điểm khác biệt giữa Viên Thế Khải và Tôn Trung Sơn ở chỗ, Tôn Trung Sơn hoàn toàn xuất phát từ công tâm, vì dân, mong cầu giải phóng, cả đời bôn ba vì nước, còn Viên Thế Khải thì việc gì có lợi cho bản thân mới làm, khách quan thì cũng có làm một số việc tốt nhưng cuối cùng vì dã tâm quá lớn nên đã trở thành một người mang tiếng xấu ngàn đời.
Trong phim Đi về phía Cộng hòa, Viên Thế Khải do Tôn Thuần đóng đã khắc họa một kiêu hùng thời loạn thế, rất nhiều khán giả sau khi xem xong bộ phim này đều bày tỏ sự yêu thích đối với Viên Thế Khải, chính vì vậy đã trở thành nhân vật gây tranh cãi lớn trên màn ảnh.
|
Từ Hy Thái hậu, Hòa Thân, Võ Tắc Thiên hay Viên Thế Khải lên phim đều gây ra tranh cãi. |
Phim ảnh ngày càng bóp méo lịch sử
Hiện nay, ngày càng có nhiều bộ phim khai thác lịch sử hoặc mượn các nhân vật lịch sử để cải biên, khó tránh khỏi việc bóp méo lịch sử.
Thực tế, thông qua phim ảnh để tiếp thu kiến thức về các nhân vật lịch sử, đó là điều cần thiết và cũng là thiết yếu, nhưng nhận biết không có nghĩa là bóp méo tùy tiện, bởi sức mạnh của những bộ phim mang tính lịch sử chính là ở sự thật.