Kẹt trên cây 3 ngày vì bị... 4 con hổ truy sát

Google News

(Kiến Thức) – Năm người đàn ông Indonesia vừa được phát hiện sau khi bị mắc kẹt trên cây 3 ngày sau vì một bầy hổ Sumatra đuổi bắt.

Hổ Sumatra là một phân loài hổ nhỏ nhất còn sống sót, được tìm thấy ở đảo Sumatra (Indonesia).

Bốn con hổ đã tấn công và giết chết một người bạn của họ trước đó. Chúng vẫn tiếp tục gầm thét quanh gốc cây, không ngừng gầm gừ hù dọa 5 người đàn ông còn lại trên cây.

Vụ truy sát này xảy ra là do những người đàn ông đó đã vô tình giết chết một con hổ con hôm 4/7 khi vào vườn quốc gia Núi Leuser, phía Bắc đảo Sumatra (Indonesia), để tìm gỗ trầm quý hiếm. Cảnh sát trưởng khu vực Dicky Sondani, cho biết: “Trầm rất đắt giá nên họ chấp nhận mạo hiểm, lần tìm vào những vùng hẻo lánh của núi Leuser, nơi có hổ và voi trú ngụ”.

Nhóm người đã cài bẫy bắt nai và linh dương lấy thức ăn. Tuy nhiên, không may có 1 chú cọp con đã dính bẫy và thiệt mạng. Những con cọp lớn ngay lập tức tấn công trả thù, giết chết một thanh niên 28 tuổi tên David. Năm người còn lại may mắn trốn thoát lên cây.

"Bốn con hổ vẫn bủa vây xung quanh dưới gốc cây từ lúc đó để truy sát những người đàn ông”, ông Sondani cho biết.

Tất cả họ đều là người làng Simpang Kiri, quận Aceh Tamiang. Nhờ điện thoại di động mang theo, những người này đã gọi về làng cầu cứu.

Sau đó, 30 nhân viên cứu hộ gồm cả cảnh sát và binh lính đã được huy động tới hiện trường nhưng họ phải mất 2-3 ngày mới đến được đó.

Tuy nhiên, do hổ Sumatra đang có nguy cơ tuyệt chủng nên cảnh sát vẫn chưa quyết định được phương án giải cứu người. Cảnh sát lo sợ nhóm người trên kiệt sức và sẽ rơi xuống trước khi được cứu thoát. 

 “Nếu bầy hổ còn ở dưới gốc cây, chúng tôi có thể phải bắn thuốc mê để cứu 5 người này”, cảnh sát trưởng Sondani nói.
Vườn quốc gia Núi Leuser.

 Vườn quốc gia Núi Leuser.

Vườn quốc gia Núi Leuser là nơi trú ngụ của khoảng 5.800 trong số 6.600 cá thể đười ươi Sumatra còn sót lại, ngoài ra còn có hổ và voi. Hổ Sumatra là loài hổ nhỏ nhất thế giới và chỉ còn khoảng 400 – 500 con sống trong hoang dã, trong đó ở vườn quốc gia Núi Leuser có khoảng 100 con.


Nguyên Thảo (theo BI, DM)

Bình luận(0)