Liên quan đến vụ xe Audi đón ca sĩ Hồ Ngọc Hà gây tai nạn nghiêm trọng tại sân bay Tân Sơn Nhất làm 11 người bị thương, trong đó có một nạn nhân vừa tử vong tại bệnh viện, nhiều người băn khoăn liệu tài xế điều khiển chiếc xe gây tai nạn này có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, nếu có thì mức phạt như thế nào khi mới đây Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hồng Quân, Công ty Luật TNN Lincon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, để xác định được liệu người tài xế điều khiển chiếc xe gây tai nạn trên có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không còn tùy thuộc vào điều tra từ phía cơ quan công an.
Tuy nhiên, ở góc độ hình sự, thì hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả nghiêm trọng có thể được xét đến dễ nhất và khi đó, trách nhiệm sẽ thuộc về cá nhân người lái xe.
|
Hiện trường vụ tai nạn. |
Ông Quân dẫn luật, Điều 202 bộ luật hình sự 1999 quy định tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ:
“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Vậy, thế nào là vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ?
Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông trong khi điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác. Tuy nhiên, để cấu thành nên tội phạm này cần phải thỏa mãn một số dấu hiệu. Nói cách khác, để truy cứu được trách nhiệm hình sự của người lái xe cần phải chứng minh được các dấu hiệu sau đây:
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm: những người điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ mới là chủ thể của tội phạm.
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này là trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Đối tượng tác động của tội phạm này là phương tiện giao thông đường bộ bao gồm: xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Hiện nay, các quy định về trật tự an toàn giao thông được quy định tại Luật giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây cũng là căn cứ để xác định hành vi điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ đã vi phạm hay chưa vi phạm.
3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Người phạm tội này đã có hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định an toàn giao thông đường bộ.
Như vậy, việc xác định hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự mà phải căn cứ vào các quy định tại Luật giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
b. Hậu quả
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật.
Thiệt hại cho tính mạng là làm người khác bị chết;
Thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ hoặc tài sản của người khác coi là làm cho người khác bị thương nặng hoặc làm cho tài sản của người khác bị mất mát hư hỏng nặng.
Hiện nay theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 02/2003/ NQ-HĐTP) thì được coi là gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ hoặc tài sản của người khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
- Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
- Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
- Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thực hiện hành vi là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả).
Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Vô ý vì cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
"Như vậy, trong vụ tai nạn trên, nếu qua các hoạt động điều tra của cơ quan công an xác định người tài xế gây ra tai nạn có đủ các dấu hiệu của tội phạm thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 nói trên với mức phạt tù tương ứng với khung hình phạt bị đưa ra xét xử (khung hình phạt này tùy thuộc vào các tình tiết định khung tăng nặng mà cơ quan tiến hành tố tụng xác định có hay không)", luật sư Quân cho biết.