Sát thủ giết 3 người trong 40 ngày: Chắc chắn nhận án tử

Google News

(Kiến Thức) - Vụ việc trên khiến nhiều người băn khoăn trong pháp luật VN có điều khoản nào quy định riêng về tội giết người hàng loạt không, án phạt như thế nào?

Vụ việc tên sát thủ Nguyễn Hoài Nam trong vòng 40 ngày đã giết chết 3 người để cướp tài sản đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Với hành vi dã man của mình, đối tượng này sẽ phải chịu tội gì, hình phạt như thế nào? Trong pháp luật Việt Nam có điều khoản nào quy định riêng về tội giết người hàng loạt không, và hành vi giết nhiều người sẽ bị án phạt nặng hơn hành vi giết 1 người như thế nào?
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này, Luật sư Hoàng Văn Thạch, Văn phòng Luật sư Trí Minh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, trường hợp của đối tượng Nam là thực hiện hành vi giết người để thực hiện hành vi cướp tài sản. Do vậy hành vi này sẽ bị truy tố về hai tội danh là "giết người" theo Điểm a, Điểm g Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự (giết nhiều người và giết người để thực hiện hoặc che giấu hành vi phạm tội khác) với hình phạt từ 12 năm tù đến tử hình và tội "cướp tài sản" theo Điều 133 Bộ luật Hình sự với tình tiết tăng nặng là "phạm tội nhiều lần" theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Hai tội danh này sẽ được tòa án tổng hợp hình phạt theo Điều 50 Bộ luật Hình sự.
Đối tượng Nguyễn Hoài Nam và chiếc xe máy tang vật trong một vụ giết người cướp của mà Nam là thủ phạm.  
Đối với hành vi cướp tài sản thì cơ quan Công an cần định giá các tài sản mà Nam đã chiếm đoạt tài sản của nạn nhân để làm cơ sở định khung. Nếu giá trị các tài sản chiếm đoạt dưới 50 triệu đồng thì Nam sẽ bị truy tố theo khoản 1 của Điều 133 với mức hình phạt từ 03 - 10 năm tù, nếu giá trị tài sản từ 50 – 200 triệu đồng thì Nam sẽ bị truy tố theo khoản 2 với mức hình phạt từ 12 - 20 năm tù.
Tổng hợp 2 tội danh giết người và cướp tài sản trên, đối tượng Nam nhiều khả năng phải đối mặt với án tử hình. Chỉ riêng việc giết nhiều người một cách dã man cũng đã khiến đối tượng này khó mà thoát được án tử. 
Cũng theo Luật sư Hoàng Văn Thạch, pháp luật Việt Nam có quy định về hành vi "giết nhiều người”, hay cách gọi khác là “giết người hàng loạt”, tuy nhiên pháp luật Việt Nam không có tội danh độc lập cho hành vi "giết người hàng loạt" này. Thay vào đó, hành vi giết nhiều người là tình tiết định khung cho tội "giết người" theo Điểm a Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự như đã nêu ở trên.
Trong một số trường hợp, hành vi "giết nhiều người" (hay giết người hàng loạt) sẽ không bị truy tố về tội "giết người" theo Điểm a, Khoản 1 Điều 93 nêu trên mà tùy vào động cơ phạm tội và các tình tiết khách quan khác, thủ phạm sẽ bị xử lý về tội "chống lại loài người" hoặc "tội phạm chiến tranh" Theo các Điều 342 và 343 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt từ 10 năm tù đến tử hình.
Điều 93 Bộ luật Hình sự 1999: Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Điều 133 Bộ luật Hình sự 1999: Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Minh Hiếu

Bình luận(1)

Minh Hiền

X.Hà

Điều đó thì khỏi bàn?Phải thực thi nhanh,kịp thời ...không thể lâu như các vụ án khác?