Sau khi danh tính của hai nghi phạm chính trong vụ thảm sát ở Bình Phước được cơ quan điều tra công bố vào tối ngày 10/7, ngay lập tức, mạng xã hội facebook đã xuất hiện rất nhiều tài khoản facebook mạo danh là Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến để câu like.
Trên trang chủ của những tài khoản này chủ yếu là những thông tin về vụ thảm sát ở Bình Phước được cóp nhặt về từ các trang báo điện tử, cùng với đó là những lời bình luận hết sức khiếm nhã.
|
Đã có khoảng 100 Facebook mạo danh kẻ thảm sát 6 người ở Bình Phước (Ảnh nguồn: Một thế giới). |
Ngoài ra, những trang này còn đăng tải những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng gây hoang mang trong cộng đồng mạng như: ‘Bé Na là con ai?’, ‘Mai rùa và bùa ngải có ở hiện trường vụ thảm sát’… Một câu hỏi được đặt ra là, liệu những kẻ giả mạo facebook này có phạm tội hay không?
Liên quan đến sự việc nêu trên, PV báo Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam thuộc Đoàn Luật Sư thành phố Hà Nội và đồng nghiệp.
Luật sư Tiến nhận định, ở Việt Nam, Facebook được xem là một trong những trang mạng xã hội được nhiều người dùng nhất. Thông qua đó, mọi người đều có thể dễ dàng tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả với chi phí rẻ nhất.
Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích tích cực đó thì có một nhóm những đối tượng đang có xu hướng “lợi dụng” facebook mạo danh người khác nhằm tung tin đồn nhảm, cung cấp thông tin sai sự thật khiến cho dư luận nhiều phen dậy sóng. Những người hay bị “mạo danh” thường là những ca sĩ, diễn viên, hoa hậu có tên tuổi…
|
Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam thuộc Đoàn Luật Sư thành phố Hà Nội và đồng nghiệp. |
Riêng đối với vụ thảm sát ở Bình Phước, khi thông tin 6 người trong một gia đình bị giết chết được đăng tải đã trên báo chí, nó đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn xã hội bởi mức độ dã man của vụ án.
Theo quan điểm của Luật sư Tiến, đây cũng là lý do vì sao lúc hai nghi phạm của vụ án bị bắt, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng “thời cơ” mạo danh hai nghi phạm này để “câu dư luận” và truyền tải thông tin sai lệch về những nghi can nói riêng và toàn bộ vụ án nói chung.
Mạo danh người “nổi tiếng” trên Facebook có rất nhiều mục đích, cả tích cực hay tiêu cực, tư lợi cá nhân riêng. Tuy nhiên dù với mục đích gì thì hành vi này cũng trái với quy định của pháp luật, tại Điều 77 Luật công nghệ thông tin về xử lý vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin.
Tùy theo tính chất mức độ của hành vi sẽ phải chịu những trách nhiệm nhất định như trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính, thậm chí trách nhiệm hình sự, ngoài ra còn có thể phải bồi thường thiệt theo quy định của pháp luật. Với tổ chức có thể bị đình chỉ hoạt động. Cụ thể:
Hành vi giả mạo thông tin điện tử trên có thể phải chịu hình phạt về trách nhiệm hành chính. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng áp dụng tại điểm đ, khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Ngoài ra, hành vi này có thể phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm, hoặc tước quyền sử dụng giấy phép từ một tháng đến 3 tháng đối với hành vi vi phạm (khoản 5 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP).
Đối với các hành vi mạo danh Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến để câu like, đưa những lời bình luận khiếm nhã, các thông tin sai lệch về hồ sơ vụ án, cũng như những thông tin chưa được kiểm chứng… các hành vi này có thể cấu thành các tội theo Điều 226 Bộ luật hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet. Mức phạt cao nhất lên đến bảy năm tù.
Người nào có hành vi này còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm.
Điều 226 Bộ luật hình sự: Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet;
c) Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm..”