Câu chuyện chị Lữ Thị Miền (SN 1970) và anh Vi Đức Hải (chồng chị Miền), trú tại xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An làm đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An nhờ làm rõ việc khi chị Miền đi vay tiền trở về nhà, đang lưu thông thì bị công an xã kiểm tra, bắt cởi áo và thu giữ số tiền lớn đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
|
Luật sư Nguyễn Hồng Thái. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho rằng, khi nhận được đơn tố cáo, các cơ quan thực thi pháp luật phải điều tra làm rõ nội dung đơn thư tố cáo. Nếu đúng như nội dung đơn tố cáo, hành vi giữ tiền của chị Miền có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Việc khám xét đồ đạc trên xe của chị Miền theo công an giải thích là nghi ngờ chị buôn bán ma túy. Tuy nhiên, khi kiểm tra không đúng thực tế, không có căn cứ nhưng số cán bộ này vẫn ngang nhiên lấy tiền đưa về trụ sở UBND xã lập biên bản và thu hơn 90 triệu đồng là sai quy định. Dù rằng sau đó, công an có trả lại số tiền này cũng chỉ là tình tiết đề giảm nhẹ. Hành vi công an xã giữ 90 triệu trong tổng số 403 triệu của chị Miền đủ yếu tố, dấu hiệu phạm vào khoản 2, điều 135, Bộ luật Hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Cụ thể, Luật sư Nguyễn Hồng Thái dẫn giải điều 135, Bộ luật Hình sự quy định về Tội cưỡng đoạt tài sản “1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Theo quy định tại điều 135, đối chiếu với vụ việc trên, hành vi giữ số tiền 90 triệu của gia đình chị Miền, lực lượng công an trên có thể phạm vào khoản 2 điều 135.
Về việc bắt chị Miền phải cởi áo để kiểm tra, luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, phải căn cứ vào hành vi, chị Miền bị bắt buộc cởi hết áo hay cởi như thế nào? Có chứng cứ hay người làm chứng không? Từ đó mới căn cứ xem hành vi đó có phạm tội “làm nhục người khác” hay không?
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng nhận định, trừ khi có dấu hiệu tội phạm nếu không việc chị Miền đang lưu hành xe mà kiểm tra đã là sai quy định. Ngay cả việc khám xét cũng là sai vì xe đang chạy mà công an bắt dừng khám xét mà không có căn cứ.
Trước đó, trong đơn tố cáo của chị Lữ Thị Miền và anh Vi Đức Hải, nêu rõ, ngày 16/12, chị Miền đi xe máy lên nhà em gái của mình ở Bản Hăn (huyện Quế Phong) để vay số tiền 493 triệu đồng về mua trâu bò phát triển kinh tế gia đình. Khi vay được tiền, chị Miền về đến bản Na Cống (Châu Hoàn, Quỳ Châu, Nghệ An), thì gặp đội công an gồm 6 người (trong đó có 5 công an xã và 1 công an huyện). Họ yêu cầu chị Miền dừng xe để kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra phát hiện bọc tiền lớn, công an nghi ngờ tiền mờ ám nên đã yêu cầu chị Miền cởi bỏ toàn bộ quần áo để kiểm tra trên người.
Bị ép buộc, chị Miền dù ngại đông người và trời lạnh nhưng vẫn phải cởi bỏ toàn bộ áo để cho công an điều tra. Sau đó, lực lượng công an trên thu giữ điện thoại, cầm túi tiền tiếp tục đưa chị Miền về UBND xã Châu Hoàn để làm việc. "Tại đây, họ tiếp tục tra hỏi tôi về nguồn gốc số tiền này, rồi họ cứ liên tục hù dọa sẽ nhốt tù tôi và vu khống gia đình tôi làm việc mờ ám mới có số tiền lớn trên", chị Miền cho biết.
Vì quá sợ hãi nên sau khi bị hù dọa, chị Miền buộc phải ký vào biên bản làm việc với nội dung đã nhận đủ toàn bộ số tiền trên. Thế nhưng, trên thực tế số tiền chị Miền được nhận lại chỉ là 403 triệu đồng, thiếu 90 triệu đồng. Điều lạ lùng trong ngày 18/12, khi công an tiếp tục mời chị Miền lên trụ sở làm việc. Tại đây, công an vẫn không trả lại tiền mà con buộc chị Miền viết cam kết không khiếu kiện vụ việc.
Sự việc trên ngay lập tức khiến dư luận nổi sóng với nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc với cách làm việc của lực lượng thi hành công vụ trên. Một số ý kiến cho rằng, chị Miền đang lưu thông trên đường, nếu không có dấu hiệu vi phạm luật giao thông đường bộ thì lực lượng công an không được dừng xe. Hơn thế nữa, dù trên xe chị Miền mang số tiền lớn nhưng khi không có dấu hiệu phạm tội thì phải thả chị Miền về cùng số tiền trên, công an không thể giữ số tiền đó, dù chỉ là một phần số tiền. Hơn nữa, việc bắt chị Miền cởi bỏ áo giữa chốn đông người để kiểm tra có thể còn phạm vào tội “Làm nhục người khác” và việc giữ số tiền 90 triệu trong tổng số tiền 403 triệu đồng là trái với quy định của pháp luật và có thể phạm vào tội “cưỡng đoạt tài sản”.