Đại tá Đoàn Hữu Thắng khẳng định như vậy sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “Bình chữa cháy trên ôtô “cháy” hàng” đặt ra nhiều vấn đề xung quanh quy định trang bị bình chữa cháy trên ôtô.
Ông Thắng nhìn nhận một văn bản mới tác động tới nhiều người như thông tư 57 của Bộ Công an mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh trong bài báo nói trên sẽ không tránh được những phản ứng trái chiều...
* Nhiều chủ xe bày tỏ lo lắng bình chữa cháy sẽ nổ trên xe. Theo ông, bình chữa cháy có nguy cơ nổ nếu nhiệt độ trong xe vượt quá 55OC - ngưỡng nhiệt độ an toàn của bình chữa cháy?
- Bình chữa cháy có giới hạn bảo quản từ âm 7OC đến 55OC. Nếu để bình trong xe ở nhiệt độ cao hơn chắc chắn chất lượng bình sẽ bị ảnh hưởng nên người dùng cần căn cứ vào quy định của nhà sản xuất để bố trí, bảo quản bình, tránh vượt quá nhiệt độ theo quy định.
Còn việc lo bình chữa cháy nổ, tôi cho rằng không có người nào ngồi trong xe với nhiệt độ vượt quá 55OC. Hãn hữu có thể có trường hợp chất lượng bình kém, để ở nhiệt độ bất lợi thì có khả năng nổ, nhưng xác suất nhỏ thôi.
* Ông nói chất lượng bình kém kèm theo nhiệt độ bất lợi thì có khả năng bình nổ, trong khi trên thị trường hiện nay có rất nhiều bình chữa cháy xuất xứ Trung Quốc, thậm chí nhiều bình không có tem kiểm định. Vậy tại sao vẫn thực hiện thông tư 57 khi nguồn bình chữa cháy chưa được chuẩn bị đủ?
|
Đại tá Đoàn Hữu Thắng - Ảnh: Xuân Long |
- Qua báo chí phản ánh, chúng tôi đã thấy được vấn đề này. Tuy nhiên, cũng giống như chuyện đội mũ bảo hiểm, thời gian đầu luôn có tình trạng hiếm hàng.
Người dân khi mua bình chữa cháy phải chọn các bình đảm bảo chất lượng - tức là bình phải được kiểm định, đã được dán tem của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy ở các địa phương.
* Vậy tính toán của cơ quan chức năng về nguồn hàng, về số bình chữa cháy đã được cơ quan kiểm định đưa ra thị trường, theo ông đã đủ chưa?
- Chuẩn bị cho quá trình thực hiện thông tư 57, đã có một số doanh nghiệp nhập bình chữa cháy về và đang tích cực nhập bình về. Ngay các cơ quan trong nước cũng đang tích cực sản xuất, cung ứng ra thị trường.
Tôi nghĩ những việc đang diễn ra là bình thường theo quy luật cung cầu. Chỉ có điều những người nhập và cơ quan kiểm định phải thực thi theo đúng quy định của pháp luật thì việc trang bị mới đem lại hiệu quả cho xã hội.
* Nhiều chủ xe đã mua bình chữa cháy nhưng lại loay hoay không biết để bình ở đâu trong xe cho an toàn?
- Cái này chúng tôi đang hướng dẫn và tới đây sẽ đưa lên trang web của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Chúng tôi cũng chỉ đạo cảnh sát phòng cháy chữa cháy các địa phương đưa hướng dẫn lên trang web để hướng dẫn người dùng lắp đặt bình chữa cháy như thế nào cho phù hợp.
* Quy định ôtô phải có bình chữa cháy đã có hiệu lực, trong khi hướng dẫn lại chưa có. Vậy ông khuyên người đã mua bình chữa cháy để bình ở đâu?
- Rất nhiều xe khi nhập về đã có vị trí đặt bình chữa cháy thì bà con đặt ở những vị trí đó. Thông thường thì đặt ở bên hông, vai trái của người lái xe đối với loại bình nhỏ. Còn một số loại bình có thể đặt ở gầm ghế, hoặc loại bình đặt ở hốc cánh cửa xe con, xe bảy chỗ. Những việc này tới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết.
|
Nhân viên cửa hàng bán bình chữa cháy tại TP.HCM lắp đặt bình chữa cháy trên ôtô của khách hàng Ảnh: Hữu Khoa
|
* Thưa ông, mới đây Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) cho rằng xe dưới 9 chỗ không có bình chữa cháy vẫn được đăng kiểm, tại sao Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ lại nói không được đăng kiểm?
- Hiện nay việc đăng kiểm xe vẫn diễn ra bình thường dù xe có trang bị bình cứu hỏa hay không. Tuy nhiên, Bộ Công an và bộ chủ quản về việc đăng kiểm sẽ bàn bạc về việc này.
Và việc trang bị bình cứu hỏa trong ôtô có được quy định trong đăng kiểm hay không thì tới đây hướng dẫn liên tịch sẽ quy định cụ thể.
* Hiện trên rất nhiều diễn đàn đã có những ý kiến đề nghị dừng thực hiện thông tư 57 vì còn nhiều khó khăn, vướng mắc từ thực tế. Thậm chí có ý kiến đề nghị thu hồi thông tư 57. Bộ Công an tiếp nhận những đề nghị này thế nào?
- Quan điểm của chúng tôi là vẫn tiếp tục và phải tiếp tục thực hiện thông tư 57. Như tôi đã nói, một chính sách mới, một văn bản mới có tác động tới nhiều người trong xã hội thì không tránh khỏi những ý kiến phản ứng trái chiều.
Nhưng trên hết chúng ta phải xác định được mục tiêu, mục đích của quy định này là để bảo đảm an toàn tính mạng cho người ngồi trên xe, bảo đảm an toàn thiết bị để giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho chủ xe. Còn những điểm nào khiếm khuyết, vướng mắc từ quy định, chúng tôi sẽ sớm hướng dẫn tháo gỡ.