Lực lượng nào được phép sử dụng dùi cui?

Google News

Lạm dụng dùi cui, sử dụng dùi cui trái phép là một trong những nguyên nhân gây ra những hậu quả đáng tiếc liên quan đến tính mạng của con người.

Dùi cui là một loại vũ khí thường được trang bị cho cảnh sát. Tuy nhiên, hiện nay ngoài lực lượng cảnh sát sử dụng dùi cui thì chúng ta còn bắt gặp nhiều đối tượng không được phép sử dụng vật dụng này nhưng vẫn được ‘trang bị’ nó một cách tùy tiện.
Liên quan đến những chế tài xử lý đối với các trường hợp lạm dụng hoặc sử dụng dùi cui trái phép, PV đã có cuộc phỏng vấn luật sư Phạm Hoài Nam, Hãng luật Bến Nghé – Sài Gòn, Đoàn luật sư TP HCM.
- PV: Thưa luật sư, luật sư có quan điểm như thế nào về việc rất nhiều vụ án mạng liên quan đến việc sử dụng dùi cui trái phép, hoặc lạm dụng dùi cui dẫn đến ảnh hưởng đến tính mạng của con người, thậm chí gây chết người?
Lạm dụng dùi cui, sử dụng dùi cui trái phép là một trong những nguyên nhân gây ra những hậu quả đáng tiếc liên quan đến tính mạng của con người.
- Luật sư Phạm Hoài Nam: Hiện nay có rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng dùi cui, chủ yếu phục vụ cho công tác giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ án liên quan đến một số người thực hiện nhiệm vụ được trang bị dùi cui có hành vi lạm dụng gây thương tích cho người khác, thậm chí dẫn đến hậu quả chết người; ngoài ra một số đối tượng khác không được phép sử dụng dùi cui vẫn tự mua và sử dụng trái pháp luật… Trong đó, vụ án gây xôn xao dư luận gần đây nhất là vụ công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội dùng dùi cui đánh chết ông Nguyễn Mậu Thuận (52 tuổi), hay vụ 5 công an thành phố Tuy Hòa, Phú Yên cũng dùng dùi cui đánh chết anh Ngô Thanh Kiều (sinh năm 1982); và vụ nhóm đàn em của tên trùm xã hội đen Minh Sâm ở chợ gỗ Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh sử dụng dùi cui, dao kiếm để bảo kê…
Thực trạng trên cho thấy công tác quản lý, sử dụng dùi cui, công cụ hỗ trợ còn lõng lẻo, thậm chí một số khu chợ vùng biên giới giáp Trung Quốc những loại còn được bày bán công khai mà không thấy cơ quan chức năng nào tiến hành tịch thu và xử phạt. Vì vậy, Cơ quan chức năng cần siết chặt việc quản lý, mua bán và cấp phép sử dụng đối với dùi cui, công cụ hỗ trợ; đồng thời cần có mức hình phạt xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp này để mọi người có ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật.
- PV: Luật sư có thể cho biết theo quy định của pháp luật thì những đối tượng nào là được phép sử dụng dùi cui và sử dụng trong trường hợp nào?
- Luật sư Phạm Hoài Nam: Theo quy định tại điểm d khoản 9 điều 3 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ thì dùi cui (bao gồm dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại) thuộc danh mục các công cụ hỗ trợ, được trang bị cho một số đối tượng luật định nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Ai là người được sử dụng dùi cui?
Căn cứ khoản 1 điều 19 Nghị định 25/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ thì đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ, bao gồm: Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ; Công an nhân dân; An ninh hàng không; Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của hải quan, đơn vị hải quan cửa khẩu, Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường; Ban, đội bảo vệ chuyên trách của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ; Ban bảo vệ dân phố hoặc tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự xã, phường, thị trấn; Câu lạc bộ, Trường, Trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; Cơ quan thi hành án dân sự; Thanh tra chuyên ngành Thủy sản, lực lượng kiểm ngư; Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội; Các đối tượng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Ngoài ra tại điều 6 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ cũng có quy định các đối tượng được phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt (quy định này được hướng dẫn cụ thể tại điều 5 Nghị định 25/2012/NĐ-CP):
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ từ nước ngoài vào Việt Nam để bảo vệ người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu nhà nước, cơ quan lập pháp, chính phủ và khách mời khác do Trung ương Đảng Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mời hoặc để luyện tập, thi đấu thể thao, triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm.
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ từ Việt Nam ra nước ngoài để bảo vệ người đứng đầu cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc để luyện tập, thi đấu thể thao, triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm.
Đồng thời, đối với người được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ thì được sử dụng trong các trường hợp: Ngăn chặn người đang có hành vi đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người khác, bắt giữ người theo quy định của pháp luật, thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật… theo điều 33 của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ. Sau khi thực hiện công việc hoặc hoàn thành nhiệm vụ thì người được giao công cụ hỗ trợ phải có trách nhiệm bàn giao lại cho tổ chức quản lý trực tiếp.
- PV: Thưa luật sư, pháp luật đã có những chế tài xử lý nào đối với các trường hợp lạm dụng, hoặc sử dụng dùi cui trái phép?
- Luật sư Phạm Hoài Nam: Theo quy định của khoản 2 điều 36 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nêu rõ: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thì tuỳ theo tính chất, múc độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
- Nếu xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng quy định tại điều 13 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng công cụ hỗ trợ.
- Trường hợp để lại thương tích cho nạn nhân hoặc gây hậu quả chết người thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà các trường hợp lạm dụng, hoặc sử dụng dùi cui trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tôi “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” (điều 104 BLHS), “Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ” (điều 107 BLHS), “Tội giết người” (điều 93 BLHS), “Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ” (điều 97 BLHS)
- PV: Ngoài những chế tài xử lý cá trường hợp sử dụng dùi cui trái pháp luật thì theo luật sư cần có những biện pháp nào trong công tác quản lý để khắc phục tình trạng này?
- Luật sư Phạm Hoài Nam: Để khắc phục tình trạng sử dụng dùi cui và công cụ hỗ trợ trái pháp luật thì Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần áp dụng biện pháp xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm nhằm răn đe và phòng ngừa chung. Mặt khác, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc cấp phép, kiểm tra và giám sát trong lĩnh vực này; đồng thời cần nâng cao việc giáo dục nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, người được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành nhiệm vụ; thường xuyên tiến hành các đợt tổng kiểm tra, tiếp tục rà soát các trường hợp được phép trang bị công cụ hỗ trợ nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót nhằm có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay. Ngoài ra, cần coi trọng công tác tuyên truyền vận động nhân dân tiến hành giám sát và báo tin cho cơ quan có thẩm quyền biết việc sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ nhằm có phương án xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
- Xin cảm ơn luật sư!


Theo ĐSPL

Bình luận(0)