Theo cáo trạng, ngoài tiền nuôi bao bồ nhí, Lâm còn thường xuyên tổ chức tiệc, đãi khách, mỗi bữa thường hết 600 ngàn đô la Hồng Kông…Lâm được xem là ông trùm các hoàng tử đỏ Trung Quốc với hằng hà con cháu quan chức nước này làm việc ở Hoa Nhuận.
Bồ nhí giúp "rửa" tiền
Tống Lâm sinh năm 1963, quê Sơn Đông. Sau khi tốt nghiệp Đại học Đồng Tế năm 1985, Tống Lâm làm việc cho tập đoàn Hoa Nhuận. Nhờ có thành tích nổi bật và có sự “chống lưng” nên sự nghiệp của Tống Lâm phất lên rất nhanh như “diều gặp gió”. Năm 2012, Tống Lâm trở thành nhân vật xếp thứ 20 trong số 50 nhà kinh doanh hàng đầu Trung Quốc, được bầu làm ủy viên Trung ương Hội nghị Chính Hiệp toàn quốc. Nhiều nguồn tin lý giải sự thành công vượt bậc khá sớm - 40 tuổi Tống Lâm đã là ông chủ Hoa Nhuận là bởi ông ta rất thân với Giả Đình An (nguyên thư ký của ông Giang Trạch Dân), được một nhân vật quan trọng trong Ban Tổ chức Trung ương bố trí nắm giữ vị trí này để xây dựng nhóm lợi ích.
|
Tống Lâm cùng người tình Dương Lệ Quyên. |
Việc ông trùm Tống Lâm bị quật ngã là do nỗ lực chiến đấu không mệt mỏi của phóng viên Vương Chí Văn và quyết tâm “đánh Hổ” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Thực ra, năm 2012, một qụan chức cao cấp đã yêu cầu điều tra Tống Lâm và đã được phê chuẩn, nhưng khi cơ quan thanh tra vào cuộc, nắm được các chứng cứ, chuẩn bị xin lệnh bắt thì bị vị Bí thư ủy ban Kiểm tra kỉ luật (KTKL) trung ương khi đó bắt dừng lại. Một năm sau, ngày 5/7/2013, nhà báo Vương Chí Văn đã đăng bài viết trên “Báo tham khảo kinh tế” của Tân Hoa xã, tố cáo việc Hoa Nhuận mua, sáp nhập xí nghiệp “đã làm nhà nước thiệt hại hàng tỷ tệ, mỏ than mua về biến thành bãi chăn cừu”.
Ngày 17/7/2013, Vương Chí Văn lại công bố trên blog những bằng chứng về việc Tống Lâm lạm dụng quyền hành, thiếu trách nhiệm, tham nhũng... Nhưng ngày 18/7, Hoa Nhuận đã ra thông cáo bác bỏ những tố giác của Vương. Tống Lâm còn tuyên bố những tố giác của Vương Chí Văn là “sự bịa đặt ác ý”, “hành động bôi đen có tổ chức, có âm mưu, có kẻ đứng sau giật dây”.
Tuy nhiên, nhà báo Vương Chí Văn quyết không bỏ cuộc. Ngày 15/4/2014, ông đã công bố trên blog cá nhân bức thư tố giác Tống Lâm gửi ủy ban KTKL trung ương kèm theo đăng hai ảnh Tống và người tình Dương Lệ Quyên ôm nhau, và ảnh họ ngồi trên giường, mặc quần áo giống nhau. Người tình Dương Lệ Quyên - một cựu người mẫu có nghệ danh là Helen. Dương Lệ Quyên được ông ta bố trí làm việc ở chi nhánh của ngân hàng Thụy Sĩ UBS tại Hồng Kông. Cô này trở thành tay trong, giúp Tống Lâm giải quyết trót lọt các phi vụ hối lộ và rửa tiền. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, nhiệm vụ của Dương Lệ Quyên tại chi nhánh UBS bao gồm liên lạc với các khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng, một số trong đó là các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có trụ sở tại đại lục.
Vương Văn Chí nói rằng, bản thân Dương Lệ Quyên cũng có tài sản trị giá hàng tỷ tệ, có nhiều biệt thự, bất động sản ở Tô Châu, Thường Châu, Thượng Hải, Hồng Kông và cả ở nước ngoài. Tuy nhiên, Dương chỉ là người tình thuở ban đầu của Tống Lâm. Sau khi vợ Tống Lâm mang con ra nước ngoài định cư, ông ta tiếp tục cặp với một người mẫu khác ở Hồng Kông.
Đáp trả tố giác của nhà báo Vương Chí Văn, ngày 16/4, Tống Lâm cho đăng trên trang web của Hoa Nhuận tuyên bố bác bỏ mọi cáo buộc, kèm theo đe dọa sẽ truy cứu Vương Chí Văn trước pháp luật về tội vu khống và phỉ báng. Tuy nhiên, lần này Tống Lâm không dễ dàng thoát tội. Chiều cùng ngày, Tống Lâm đã bị cơ quan KTKL trung ương khéo léo “điều” về Thâm Quyến và bắt giữ tại đây.
Hiện tượng cặp bồ ở Trung Quốc phổ biến đến mức một nhà báo khẳng định: nếu quan chức chính quyền hay đại gia kinh doanh nào không có tình nhân thì họ không được người khác tôn trọng? Việc các quan chức lấy tiền công quỹ để nuôi vợ bé đã trở thành một hiện tượng phổ biến tại Trung Quốc. Các quan chức này đều dần lộ mặt sau khi các bài tố cáo được đăng trên các trang mạng xã hội. Theo các cư dân mạng, “trong nhà mất trộm, vợ bé trở mặt, đánh mất nhật ký” là ba khe hở đầu tiên để nắm thóp được các quan tham.
Báo Tân Kinh dẫn lời Giáo sư Vu Xương Trinh thuộc ĐH Chính Pháp cho biết 95% quan chức Trung Quốc bị điều tra tham nhũng đều có bồ nhí. Theo các quy định của Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều 150 nói rằng ngoại tình là vi phạm kỷ luật đảng. Có ba mức kỷ luật, tùy thuộc tính nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng đến xã hội. Mức 1: cảnh cáo. Mức 2: cách chức. Mức 3: khai trừ đảng.
Về việc Tống Lâm tiêu xài tiền công, nhiều nguồn tin cho biết, ông ta thường xuyên mời các quan khách trong giới chính trị, kinh doanh ăn nhậu tại phòng tiệc tại trụ sở tập đoàn ở Wanchai, Hồng Kông với các món đắt tiền chế biến từ bào ngư, tu hài, đông trùng hạ thảo, uống các loại rượu vang Pháp hàng đầu có giá 80 đến 120 ngàn đô la Hồng Kông/chai (hơn 10 ngàn USD). Mỗi bữa thường hết 600 ngàn đô la Hồng Kông, riêng tiền thức ăn, mỗi người 2.000 đô la Hồng Kông, tất cả đều thanh toán bằng tiền công.
Cơ đồ 30 năm bị tiêu tan sau những phút giây “sung sướng"
Theo Tân Hoa xã ngày 11.9: Điều tra của ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (UBKTKLTW) cho thấy, Tống Lâm đã vi phạm nghiêm trọng quy định chính trị và kỷ luật tổ chức, lợi dụng chức vụ để mưu lợi cho người khác trong việc tuyển chọn, đề bạt cán bộ và kinh doanh của xí nghiệp rồi nhận hối lộ; vi phạm nghiêm trọng quy định về giữ gìn liêm khiết, dùng tiền công chi tiêu cho việc cá nhân, kiêm nhiệm chức vụ trái quy định để nhận thù lao, tiêu xài lãng phí tài sản công, nhận các khoản phụ cấp, tiền thưởng trái quy định; vi phạm nghiêm trọng “8 điều quy định” của Trung ương, dùng tiền công chi cho các thú vui như đánh golf; tham ô tiền công; gian dâm với người khác. Trong đó, các vấn đề nhận hối lộ, tham ô đã liên quan đến việc phạm tội.
Theo quy định của “Điều lệ xử lý kỷ luật Đảng”, Hội nghị thường vụ UBKTKLTW đã xem xét, báo cáo và được Trung ương Đảng phê chuẩn, quyết định khai trừ đảng tịch đối với Tống Lâm; Bộ Giám sát báo cáo Quốc vụ viện phê chuẩn xử lý kỷ luật hành chính đối với Tống Lâm; tịch thu toàn bộ những khoản thu nhập có được do vi phạm; đồng thời chuyển giao vấn đề phạm tội, các manh mối và các tang vật, tiền bạc cho cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật”.
Hoa Nhuận (tên tiếng Anh: China Resources) là một trong hơn một trăm doanh nghiệp nhà nước chủ chốt do chính phủ trung ương trực tiếp quản lý, trực thuộc Bộ Ngoại thương, còn là một cơ quan đặc biệt với nhiều chức năng khác nhau, được coi là một cửa sổ đối ngoại của Trung Quốc, nhất là trong thời kỳ trước cải cách mở cửa. Đến năm 1997, tập đoàn này đã mở công ty hoặc văn phòng ở 17 quốc gia. Hiện Hoa Nhuận gồm 1.200 công ty, xí nghiệp trực thuộc, với trên 350 ngàn nhân viên, có tổng tài sản 765 tỉ USD, năm nay xếp thứ 187 trong top 500 công ty hàng đầu thế giới. Công ty này hoạt động trong các lĩnh vực bán lẻ, tài sản, tài chính và điện. Tống Lâm giữ chức Chủ tịch China Resources từ năm 2008.
Theo Đông phương Nhật báo (Hồng Kông), Hoa Nhuận là một tập đoàn quốc doanh, đang nắm nguồn vốn hàng ngàn tỉ NDT. Nhiều “hoàng tử đỏ” tức con cháu các lãnh đạo cấp cao làm việc cho Hoa Nhuận, và họ trở thành những “tài sản đáng quý” về cả tài chính lẫn chính trị cho Tống. Và cũng là cái “ô lớn” cho ông ta. Các nhà phân tích nói Tống Lâm là “người phát ngôn” của một nhóm lợi ích, và việc ông ta bị điều tra sẽ lôi ra ánh sáng nhóm người đứng sau ông ta và làm chủ nguồn vốn của Hoa Nhuận.