Nằm ở độ cao 277m, cách Biển Đỏ 80km, Thánh địa Mecca được cai-quản bởi Tòa thị chính Mecca, một hội đồng thành phố gồm 14 thành viên được bầu tại địa phương do thị trưởng (được gọi là Amir) đứng đầu, thị trưởng được Chính phủ Saudi chỉ định.
|
Cảnh tượng kinh hoàng tại Lễ hành hương Hajj năm nay. Ảnh: CNN. |
Thị trưởng hiện tại của thành phố là Usama al-Bar và Thống đốc là Hoàng tử Khalid al Faisal, được bổ nhiệm vào ngày 16/5/2007, thay Hoàng tử Abdul Majeed bin Abdul Aziz. Vào tháng Lễ Ramadan, người Hồi giáo hành hương về đây (và chỉ có người Hồi giáo mới được về đây). Lý do chính của người Hồi giáo đến Mecca là để cầu nguyện tại al-Masjid al-Haram – nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nơi linh thiêng nhất của người Hồi giáo. Sau khi hành hương đến Mecca, tín đồ đạo Hồi sẽ có được danh hiệu là “Haj” hoặc “Hajj”.
Hàng trăm nghìn người hành hương tham gia diễu hành, họ cùng lúc đổ về Mecca trong tuần lễ Hajj, và thực hiện một loạt các nghi thức: Mỗi người đi bộ ngược chiều kim đồng hồ bảy lần xung quanh Kaaba, cấu trúc hình khối và là nơi những người hành hương hướng tới để cầu nguyện, chạy qua lại giữa các ngọn đồi Al-Safa và Al-Marwah, uống nước từ giếng Zamzam, đi đến vùng đồng bằng sát núi Arafat để thức thâu đêm, và tham gia nghi thức “ném đá trừ tà” - phần nguy hiểm nhất trong chuyến hành hương vì có quá nhiều người tham gia, đặc biệt là khi họ đi qua cầu Jamarat để ném đá vào những cây cột tượng trưng cho ma quỷ.
Những người hành hương sau đó cạo đầu, thực hiện một nghi lễ hiến tế động vật, và kỉ niệm lễ hội toàn cầu kéo dài ba ngày là Eid al-Adha, hay còn gọi là Lễ Hiến sinh, lễ hội quan trọng nhất trong lịch của người Hồi giáo. Cuộc hành hương diễn ra từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 12 của Dhu al-Hijjah, tháng thứ 12 và là tháng cuối cùng trong lịch Hồi giáo. Cũng có một số người coi lễ Hajj là bổn phận tôn giáo cần phải hoàn thành. Vì thế, họ bất chấp nguy hiểm để thực hiện nghi lễ này.
Theo ước tính của Saudi Arabia, năm nay có khoảng từ 2 – 3 triệu tín đồ Hồi giáo hành hương về Thánh địa Mecca. Chính phủ đã phải chi hàng tỉ USD để mở rộng Thánh đường Grand Mosque nhằm đáp ứng lượng lớn người đổ về đây. Nhà chức trách huy động 100.000 nhân viên an ninh và lắp 5.000 máy quay giám sát nhằm kiểm soát sự cố. Saudi Arabia luôn coi việc đảm bảo an toàn cho các tín đồ khi họ làm lễ ở Thánh địa Hồi giáo là nhiệm vụ quan trọng nhất. Tuy nhiên, trong dịp hành hương năm nay, vụ giẫm đạp giữa dòng người đông đúc vẫn xảy ra đúng vào ngày đầu tiên của dịp lễ Eid al-Adha.
Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Saudi Arabia, Thiếu tướng Mansour Turkey, có vẻ như nguyên nhân gây ra thảm họa hôm qua là do lượng người quá lớn đổ dồn về một điểm giao cắt tại Mena, cộng thêm yếu tố thời tiết oi bức và sự mệt mỏi của người hành hương sau một chặng đường dài di chuyển từ núi Arafat về đây. Sự vô kỷ luật của đám đông cũng là nguyên nhân khiến giẫm đạp luôn xảy ra dù Saudi Arabia đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Đây là thảm họa giẫm đạp kinh hoàng nhất xảy ra tại Mecca trong vòng 25 năm qua.
Quay trở lại quá khứ, ngày 2/7/1990, cũng xảy ra một thảm họa giẫm đạp kinh hoàng tương tự tại một đường hầm khi dòng người hành hương đang tiến về Thánh địa Mecca trong dịp Eid Al-Adha. Khoảng 1.400 người, đa số đến từ Malaysia và Indonesia, đã mất mạng vì chen lấn hoặc ngộp thở.
Theo các quan chức địa phương, việc xô đẩy diễn ra khi một số cá nhân dừng lại giữa đường hầm. Mọi người bắt đầu chen nhau để thoát khỏi khu vực nhiệt độ 44 độ C. Trong khi đó, Quốc vương Fahd của Saudi Arabia vào thời điểm đó cho biết nguyên nhân của thảm kịch là đường hầm quá đông và số người qua đó vượt mức cho phép: “Nếu những người hành hương thực hiện đúng theo hướng dẫn, tai nạn đã không xảy ra”.
Theo lời các nhân chứng, đoạn hầm có sức chứa 1.000 người nhưng tại thời điểm vụ giẫm đạp ở Mecca, 5.000 người có mặt tại đó. Đường hầm nơi thảm kịch xảy ra nằm trong dự án tốn kém của Saudi Arabia để phát triển Thánh địa Mecca. Dự án còn bao gồm nhiều đường hầm và cầu treo khác.
Một số thảm họa kinh hoàng
Ngày 2/7/1990: 1.426 người hành hương, nhiều người trong số họ là công dân Malaysia, Indonesia và Pakistan, đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp xảy ra tại hầm bộ hành Al-Ma'aisim dẫn từ Mecca tới Mina.
Ngày 23/5/1994: Một vụ giẫm đạp xảy ra tại lễ ném đá ma quỷ đã cướp đi sinh mạng của 270 người, hầu hết là người Indonesia.
Ngày 15/4/1997: Hơn 340 người thiệt mạng và 1.500 người bị thương trong một vụ cháy lều trại ở thành phố Mina.
Ngày 9/4/1998: Khoảng 180 người hành hương đã thiệt mạng khi giẫm đạp lên nhau để qua cầu Jamarat.
Ngày 5/3/2001: 35 người đã chết trong vụ giẫm đạp trên cầu Jamarat.
Ngày 1/2/2004: 251 người hành hương đã thiệt mạng và 244 người bị thương trong vụ giẫm đạp xảy ra tại lễ hội ném đá ở Mina.
Ngày 12/1/2006: Một vụ giẫm đạp đã cướp đi sinh mạng của 356 người và khiến gần 300 người khác bị thương. Vụ việc xảy ra khi những người hành hương chen nhau hoàn tất phần quan trọng cuối cùng của lễ Hajj.
Ngày 11/9/2015: Ít nhất 107 người đã thiệt mạng và hơn 230 người đã bị thương khi một chiếc cần cẩu sập xuống Đại thánh đường hay còn gọi là Masjid al Haram, một trong những thánh đường quan trọng nhất của Hồi giáo. |