Ninja, những "điệp viên" đối nghịch với tinh thần Samurai

Google News

Ninja Nhật Bản, hay còn được biết đến với tên gọi là Shinobi, là một phần của lịch sử Nhật Bản. Dù vậy, không có nhiều ghi chép lịch sử về các Ninja, vì vậy xung quanh họ vẫn còn nhiều điều bí ẩn.

Khoác trên mình trang phục đen bí ẩnh trùm kín người chỉ để lộ đôi mắt lạnh như tiền, luôn sẵn sàng hạ thủ mỗi khi cần thiết. Đó là hình tượng mà phần lớn giới điện ảnh và truyện tranh hiện đại khắc họa về Ninja Nhật Bản. Đa phần những điều này, hóa ra lại không đúng.
Đối lập với Samurai
Quay ngược về lịch sử, không ai biết chính xác thời điểm ra đời của các Ninja. Tuy nhiên, có thể họ bắt đầu xuất hiện trong thời đại phong kiến Nhật Bản từ khoảng thế kỷ 12 đến thế kỷ 15 sau Công nguyên. Theo trang Introvert Japan, tài liệu đầu tiên trong lịch sử của Nhật Bản nhắc đến cụm từ “Shinobi” là cuốn Thái Bình Ký (Taiheiki), viết vào thế kỷ 14. “Một đêm nọ, trời đổ mưa và trở gió, núi Hachiman bị tập kích bởi một Shinobi có kỹ năng điêu luyện. Người này đã phóng hỏa ngôi đền nằm trên núi”, trích đoạn ghi chép trong Thái Bình Ký.
Một số ít Ninja có xuất thân là những chiến binh Samurai, là tầng lớp thượng lưu trong xã hội phong kiến Nhật Bản. Tuy nhiên, phần lớn còn lại họ là những người nông dân hoặc dân nghèo. Chính điều này tạo ra sự đối lập giữa Ninja và Samurai, không chỉ về mặt giai cấp mà còn cả về mặt tư tưởng.
Các Samurai phải tuân thủ nguyên tắc của tinh thần Võ sĩ đạo (Bushido), trong đó có yêu cầu họ phải trung thành và tôn trọng danh dự. Theo Asian History, một chiến binh Samurai khi lâm trận chỉ lựa chọn một đối thủ, thách thức đối phương, nêu gia phả rồi mới tấn công. Và đó là khi mà Ninjutsu – một môn võ được các Ninja tập luyện – được cho là ra đời dựa trên sự đối lập với tinh thần của Võ sĩ đạo.
Ninja được huấn luyện Ninjutsu sẽ học cách hoàn thành nhiệm vụ bằng bất cứ giá nào. Đánh lén, hạ độc, cám dỗ và do thám được xem là sự sỉ nhục với Samurai, nhưng được thừa nhận với các Ninja. Ninja cũng không coi trọng việc phải phục tùng một vua, lãnh chúa hay một tướng lĩnh suốt đời. Có tài liệu cho rằng Ninja làm việc vì tiền, vì vậy họ sẽ nhận việc từ bất kỳ ai, miễn là họ ra giá hợp lý.
Nghịch lý rằng dù các Samurai xem trọng tinh thần cao thượng, họ đôi lúc phải nhờ cậy vào những hoạt động bị xem là “chơi bẩn” của các Ninja. Cũng theo Asian History, các Samurai mượn tay các Ninja để thu thập thông tin bí mật, tung những tin đồn giả mạo, hay thậm chí là ám sát kẻ thù. Như vậy, họ vẫn sẽ đạt được mục đích của bản thân mà không sợ bị xem là phản bội lại tinh thần của Võ sĩ đạo.
Không ít người lầm tưởng rằng Ninja là những sát thủ máu lạnh, dễ dàng hạ gục đối phương chỉ bằng một chiêu thức. Thực tế, chém giết không phải là ưu tiên hàng đầu của một Ninja. Theo Daily Mail, kỹ năng gián điệp mới được xem trọng hơn cả.
Ninja luôn phải hoạt động trong bí mật, cho đến khi buộc phải ra tay. Thật vậy, Ninja là những bậc thầy của thuật ẩn mình. Điều này ám chỉ khả năng cải trang cũng như khả năng di chuyển trong im lặng tài tình của họ. Vì phải trà trộn vào hàng ngũ của địch nên các Ninja không thể phô trương thân thế. Thay vào đó, họ sẽ ăn mặc như những người nông dân.
Ngay cả vũ khí của các Ninja cũng được ngụy trang khéo léo. Việc không bị ràng buộc bởi những luật lệ khắt khe giúp cho Ninja thoải mái sáng tạo ra những cách thức và công cụ phù hợp hỗ trợ cho những điệp viên ngoại hạng thời phong kiến ở Nhật.
Ninja, nhung
 Một bức vẽ phác họa cảnh ra tay của một Ninja vào năm 1853.
Hình tượng sai được chấp nhận
Những tài liệu ghi chép về hoạt động của Ninja là vô cùng khan hiếm. Điều này có nguyên nhân từ việc phải hoạt động bí mật, vì vậy những mánh khóe, chiêu trò hay đôi khi là danh tính của Ninja phải luôn được giữ kín.
Để có thể đưa hình tượng của Ninja vào các tác phẩm của mình, những người làm nghệ thuật buộc phải dựa vào tư duy sáng tạo và trí tưởng tượng. Vào thế kỷ 19, các sân khấu kịch ở Nhật bắt đầu xây dựng hình tượng Ninja trong trang phục áo quần đen trùm kín người. Đây không phải là sự tái hiện chính xác. Thực tế màu sắc được các Ninja ưa chuộng là màu xanh da trời sẫm vì nó giúp họ trà trộn trong bóng đêm tốt hơn.
Nhưng dù sao, cách nhìn nhận sai lầm này lại được chấp nhận rộng rãi, từ đó tạo điều kiện để các Ninja dễ dàng đi vào các tác phẩm nghệ thuật hiện đại. Trong số đó, điện ảnh áp dụng triệt để yếu tố này.
Vào những thập niên cuối của thế kỷ 20, hình ảnh của các Ninja bắt đầu xuất hiện rầm rộ trên màn ảnh của những bộ phim ăn khách phương Tây. Dấu ấn đậm nét đầu tiên đánh dấu sự nổi tiếng toàn cầu của Ninja có lẽ là việc được xuất hiện trong bộ phim You only live twice, thuộc loạt phim Điệp viên 007, công chiếu năm 1967. Từ đó, trải qua thập niên 70 và 80, các Ninja bắt đầu được lồng ghép thường xuyên hơn trên màn bạc.
Cũng từ đó mà xuất hiện thêm nhiều quan điểm sai lầm về các Ninja. Sự lầm tưởng về việc Ninja là những “cỗ máy giết người” là một trong số đó. Không chỉ các nhà làm phim, các tiểu thuyết gia hay các tác giả truyện tranh cũng góp phần thêu dệt lên những Ninja mà phải nhờ trí tưởng tượng của con người mới có thể tồn tại.
Ngày nay, các giá trị nguyên bản của Ninja cũng như của nghệ thuật Ninjutsu cũng đang bị biến đổi. Một bảo tàng tại thành phố Iga vẫn đang cho lưu trữ những hiện vật để ghi nhớ về quá khứ của các điệp viên trứ danh một thời. Du khách đến tham quan sẽ được xem một nhóm được đào tạo bài bản có tên Ashura biểu diễn nhiều mánh khóe của Ninja. Tuy nhiên, những gì họ thể hiện ngày nay lại ồn ào và sôi động, trái với thuật ẩn mình như nguyên bản của Ninjutsu, theo BBC.
Ngay cả việc vẫn còn tồn tại một Ninja ở thế kỷ 21 thì việc khôi phục hình tượng gốc về những điệp viên siêu việt này cũng gần như là bất khả thi. Thậm chí, chính các bậc thầy Ninjutsu dù vẫn truyền đạt những tinh hoa của môn võ này cho đồ đệ lại đang chấp nhận để huyền thoại về Ninja trôi vào dĩ vãng vì “không còn phù hợp ở thời hiện đại”.
Theo Công an TPHCM

>> xem thêm

Bình luận(0)