Những lực lượng khủng bố từng khiến thế giới kinh sợ

Google News

(Kiến Thức) - Dấu ấn chết chóc của các lực lượng khủng bố trong lịch sử thế giới thời Trung – Cận đại vẫn còn ảnh hưởng đậm nét tới thế giới ngày nay.

Đội quân giết người Hashshashin

Trong tiếng Anh và các thứ tiếng thuộc hệ ngôn ngữ Latinh, từ “sát thủ” (assassin) có nguồn gốc từ “Hashshashin” – một từ ngữ Ả Rập chỉ những kẻ giết người vì động cơ chính trị.
 
Từ ngữ này bắt đầu được sử dụng rộng rãi vào thế kỷ 11 để nói về đội quân giết người của Giáo chủ Hồi giáo người Ba Tư Hassan-i Sabbah (khoảng 1050 –1124).

Sabbah vốn là một nhà truyền đạo nổi tiếng ở vùng Trung Đông. Với uy tín của mình, ông đã thu phục được nhiều đệ tử và tạo dựng được một thế lực lớn mạnh. Ông có nhiều mâu thuẫn với các nhánh Hồi giáo khác và một mối hiềm khích to lớn với người Kitô giáo – lực lượng đã tiến hành các cuộc Thập tự chinh xâm lược vùng Đất Thánh.

Đại bản doanh của Sabbah nằm tại một pháo đài kiên cố ở Alamut, thuộc Tây Bắc Iran. Từ nơi đây, các chi nhánh của Sabbah mở rộng ra các địa phương lân cận và cả các nước láng giềng.

Bên cạnh lực lượng vũ trang chính quy, ông đã cho thiết lập một tổ chức giết người bí mật như một cánh tay trái của mình. Các thành viên của tổ chức này được được gọi là "Fida'i" (Hiến thân tự nguyện), được tào tạo các kỹ năng của những kẻ sát nhân chuyên nghiệp.

Họ được tuyển chọn từ những người trẻ tuổi, có thể lực sung mãn và sức chịu đựng bền bỉ. Nhưng sức mạnh thể chất không phải là ưu tiên số một. Phẩm chất được đánh giá cao nhất của một Fida'i là sự kiên nhẫn, lạnh lùng và khả năng lên kế hoạch.  

Trong các khóa huấn luyện, họ được những bậc thầy cung cấp cho những kiến thức  bài bản về nền văn hóa, ngôn ngữ của kẻ thù, cách che giấu bản thân, đột nhập vào lãnh thổ đối phương và tiến hành ám sát một cách hiệu quả nhất – thường là bằng cách cắt cổ.  

Song song với việc học kỹ năng chiến đấu, tất cả các sát thủ của Sabbah đều được rao giảng niềm tin rằng họ là những chiến sĩ tôn giáo đang tham gia một cuộc thánh chiến thiêng liêng.  Đặc biệt, các Fida'i được giáo huấn để có lòng trung thành tuyệt đối, sẵn sàng hi sinh tính mạng một cách không do dự cho Giáo chủ của mình.

 Mặc dù Fida'i thuộc về đẳng cấp thấp và thường được sử dụng như những con tốt thí của Giáo chủ, nhưng Sabbah đã bỏ ra rất nhiều tiền của và thời gian để đào tạo những thành viên này.

Sỡ hữu một lực lượng đáng sợ như vậy, Sabbah thực hiện có hệ thống việc ám sát các kẻ thù của mình. Đó thường là các chính trị gia hoặc những nhà chỉ huy quân sự. Các thuộc hạ của Sabbah hiếm khi tấn công người dân bình thường và luôn cố gắng tránh gây thù oán với họ.

Các Fida'i của Sabbah – được biết đến với tên gọi Hashshashin - đã trở thành một nỗi kinh hoàng của toàn khu vực. Lực lượng này giúp vị Giáo chủ thâu tóm quyền lực trên một vùng rộng lớn thuộc Syria và Iran ngày nay.

“Thiết chế Khủng bố” của nước Pháp

Nếu Sát thủ - Assassin là một từ có nguồn gốc Ả Rập thì “khủng bố” – “terrorism” lại là một sản phẩm của nước Pháp.

Trong tiếng Pháp, từ “khủng bố” xuất phát từ động từ terreō Latin có nghĩa là "tôi có cảm giác lo sợ". Từ ngữ này chính thức được sử dụng sau giai đoạn khởi đầu Cách mạng tư sản Pháp, khi phái Jacobins gọi chính quyền do mình lập nên là “Thiết chế khủng bố” (La Terreur). Tên gọi này thể hiện cam kết của chính quyền mới nhắm trấn áp mạnh mẽ những kẻ phản cách mạng.

Thiết chế khủng bố tồn tại từ ngày 26/7/1793 – 27/7/1794, là một trong những giai đoạn bạo lực đẫm máu nhất trong lịch sử nước Pháp. Đó là cuộc thành trừng của phái Jacobins nhằm vào các đối thủ chính trị, chủ yếu là những người Girondins. Đỉnh điểm của cuộc xung đột này là những vụ bắt bớ và hành quyết trên quy mô lớn.

Các nhà lãnh đạo chuyến chính của phái Jacobins đã dựa vào sự hậu thuẫn của quần chúng để thực hiện các chiến dịch thanh trừng chính trị của mình. Mức độ bạo lực đạt đỉnh điểm trong tháng 6-7/1794, một giai đoạn được gọi là “Khủng bố lớn”.

 Xử tử vua vua Louis XVI.

Những chiếc máy chém đã trở thành biểu tượng cho quyết tâm của chính quyền, với hàng loạt vụ xử chém những nhân vật nổi tiếng như vua Louis XVI, hoàng hậu Marie Antoinette, Louis Philippe II - Công tước của Orléans, nhà hoá học lỗi lạc Antoine Lavoisier… Theo các ước tính khác nhau, đã có từ 16.000 đến 40.000 người bị thiệt mạng trong thời gian 13.

Giai đoạn khủng bố này chỉ kết thúc trong cuộc đảo chính của của phái Thermidor ngày 27/7/1794, dẫn đến việc các nhân vật chính của Thiết chế khủng bố, bao gồm các lãnh tụ Saint-Just và Robespierre bị xử tử.  

Do những ám ảnh từ thời kỳ khủng bố, sau khi phái Jacobins lật đổ, từ “khủng bố” đã mang một sắc thái ý nghĩa mới, chỉ hoạt động giết chóc những người vô tội nhằm mục đích chính trị.   

Ninja – những kẻ "khủng bố" huyền thoại của nước Nhật

Ninja (hay shinobi), là lên gọi của các thành viên lực lượng đánh thuê chuyên về hoạt động bí mật từng tồn tại trong lịch sử Nhật Bản. Nguồn gốc của các ninja khó có thể xác định, nhưng các nhà sử học phỏng đoán họ xuất hiện vào khoảng thế kỷ 14.

Thường hoạt động động dưới sự chỉ đạo của các lãnh chúa, các chức năng của ninja bao gồm gián điệp, phá hoại, xâm nhập, ám sát, thậm chí có thể tham gia tập kích đối phương trong một vài trường hợp nhất định.

Nếu các võ sĩ đạo (samurai) phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt về danh dự khi chiến đấu thì ninja sẵn sàng sử dụng bất cứ một thủ đoạn nào để đạt được mục đích.

Họ thường ngụy trang ở các khu vực lãnh thổ của đối phương để đánh giá tình hình của địch, họ sử dụng các cách thức đánh lạc hướng khác nhau, tìm kiếm những khoảng trống và xâm nhập vào lâu đài của đối phương để phóng hỏa, ám sát hay theo dõi bí mật.

 "Đồ nghề" của ninja Nhật Bản.

Khi thực hiện nhiệm vụ, ninja thường sử dụng phi tiêu và kiếm vì các vũ khí đó dễ mang theo, không nặng nề dễ di chuyển và hoạt động. Họ luôn bàn tính kĩ trước khi hành động và hành động với sự dũng cảm cao độ và kỷ luật thép. Khi nhiệm vụ thất bại, một số ninja phải tự kết liễu mạng sống của mình để tránh làm lộ bí mật của chủ nhân.

Các kỹ năng chiến đấu của ninja Nhật bản đã trở thành huyền thoại, đi vào phim ảnh và văn học. Có thể kể đến những kỹ thuật như thuật phi thân, thuật ẩn nấp; kỹ năng dùng dụng cụ hỗ trợ, vũ khí cận chiến, vật liệu nổ gây cháy, gây độc, gây khói; kỹ năng trinh sát, lợi dụng địa hình, địa vật để ẩn nấp… Ngày nay, hầu hết các kỹ thuật của ninja cổ xưa đều đã bị thất truyền.

TIN BÀI LIÊN QUAN













BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU


Hoàng Phương

Bình luận(0)