Những di sản khổng lồ Nelson Mandela để lại cho nhân loại

Google News

(Kiến Thức) - Dù lãnh tụ vĩ đại của Nam Phi Nelson Mandela không còn nhưng những di sản mà ông để lại sẽ còn lại mãi với đời.

 Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.
“Như tôi đã nói, đầu tiên phải trung thực với chính mình. Bạn không bao giờ có khả năng tác động lên xã hội nếu bạn không thay đổi chính mình... Những sứ giả hòa bình vĩ đại đều là những người chính trực, trung thực nhưng khiêm tốn”,  Nelson Mandela.
Cố Tổng thống Nelson Mandela được xem là một huyền thoại, người anh hùng đã dành cả đời để đấu tranh cho tự do và bình đẳng ở Nam Phi. Ông đã đóng vai trò to lớn trong việc chấm dứt chế độ phân biệt chủng trong những năm 1990 ở đây. Với khả năng lãnh đạo tài ba và dũng khí tuyệt vời, cố Tổng thống Nelson Mandela đã truyền cảm hứng cho nhân dân toàn thế giới để đấu tranh cho sự thay đổi ngay cả khi phải đối mặt với nghịch cảnh ghê gớm.
Thân thế và sự nghiệp
Nelson Rolihlahla Mandela sinh ngày 18/7/1918 ở Qunu, Transkei, Nam Phi. Thời đại học, ông tích cực tham gia và lãnh đạo các cuộc biểu tình tại Đại học Fort Hare trước khi bắt đầu hoạt động tại Liên đoàn Thanh niên của Hội đồng Dân tộc Phi (ANC) năm 1944. Kể từ đó, ông Mandela đóng vai trò to lớn trong việc kết liễu nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.
Vào tù
Tháng 3/1960, cuộc thảm sát Sharpeville khiến cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi tạo được tiếng vang đối với cộng đồng quốc tế. Một số lượng lớn người biểu tình da đen đã tổ chức cuộc biểu tình tại một đồn cảnh sát ở thị trấn Sharpeville. Cảnh sát quyết liệt và hung hăng đàn áp cuộc biểu tình, giết chết hơn 69 người.
Vụ thảm sát trở thành điểm nóng trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc. Ông Mandela lập tức tổ chức một cuộc tổng bãi công và thành lập một cánh bán quân sự trong ANC. Chính phủ Nam Phi không nhượng bộ mà thẳng tay đàn áp ông Mandela và các nhà hoạt động khác, quyết tâm dập tắt phong trào. Cuối cùng, ông Mandela bị kết án tù chung thân vào năm 1964 với tội danh phá hoại.
Chiến đấu không mệt mỏi
Dù bị tống vào tù, ông Mandela vẫn tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo quan trọng, tạo cảm hứng cho các nhà hoạt động và giúp xây dựng chiến lược để đấu tranh và đánh bại nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Nhờ vậy, ông trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm dù phải đối mặt với sự đàn áp dã man. Ông Mandela được ra tù vào tháng 2/1990 và trở thành chủ tịch của ANC khi tổ chức này được tái cơ cấu trở thành một đảng chính trị hợp pháp của Nam Phi vào năm 1991.
Chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc
Sau khi ra tù, ông Mandela tiếp tục nỗ lực xây dựng phong trào toàn diện để chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Ông Mandela trở lại làm lãnh đạo ANC, rồi từ năm 1990 đến năm 1994, ông lãnh đạo đảng này trong cuộc thương lượng đa đảng dẫn tới cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên trong nước.
Ông Mandela đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1993 vì những cống hiến của mình cho sự chấm dứt của nạn phân biệt chủng tộc. Năm 1994, ông Mandela đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của Nam Phi và lãnh đạo chính phủ mới của nước này cho đến năm 1999. Trong suốt thời gian này, ông đã nỗ lực không mệt mỏi để cải cách dịch vụ xã hội và các hệ thống tà chính công của Nam Phi. Ông cũng nhiệt tình cổ vũ và nỗ lực thúc đẩy quá trình hòa giải trong toàn bộ người Nam Phi.
Bạch Dương

Bình luận(0)