“Hiệp định hòa bình Paris năm 1973 đã trở thành biểu tượng của tinh thần không có gì quý hơn độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam; là thắng lợi chung của các nước anh em, bè bạn của nhân dân Việt Nam, của phong trào giải phóng dân tộc, của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới”- đó là nhận định của các đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Hiệp định Paris 1973: 40 năm nhìn lại” do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) tổ chức tại Hà Nội, hôm nay (17/1).
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cánh - Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV nhấn mạnh: Hiệp định Paris năm 1973 không chỉ là kết quả của cuộc đấu trí trên bàn đàm phán kéo dài gần 5 năm (1968-1973) mà còn là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ của nhân dân Việt Nam trên khắp chiến trường mà đỉnh cao là chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào cuối tháng 12/1972.
Hội thảo khoa học “Hiệp định Paris 1973- 40 năm nhìn lại” không chỉ đánh giá những thành công của Hội nghị Paris mà còn mong muốn đưa ra những ý kiến, tham luận của các đại biểu để rút ra bài học kinh nghiệm trong thực tế hoạt động ngoại giao ngày nay: Đúng 40 năm trước, tại thủ đô Paris, Việt Nam đã tiến hành đấu tranh ngoại giao với phương châm vừa đánh vừa đàm, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Và bằng nhiều phương pháp: lúc cứng rắn, khi mềm dẻo, vừa kiên quyết về nguyên tắc, vừa linh hoạt sáng tạo về phương pháp đàm phán. Hy vọng rằng từ các tham luận, các ý kiến đưa ra tại hội thảo, chúng ta sẽ giải quyết được những kinh nghiệm và bài học thiết thực, hữu ích trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xung đột và chiến tranh cục bộ dựa trên hoạt động ngoại giao và đàm phán trong bối cảnh khu vực quốc tế ngày càng trở nên phức tạp như hiện nay.
|
Toàn cảnh lễ ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, 27/1/1973. Ảnh tư liệu. |
Hội thảo đã thu hút gần 15 bản tham luận, tập trung làm rõ quá trình dẫn đến hội nghị Paris; Những tác động của kết quả Hội nghị Paris đến mối quan hệ giữa Việt Nam với quốc tế; Chính sách ngoại giao chính trị và ngoại giao nhân dân của Việt Nam được phát huy mạnh mẽ: không chỉ vừa đánh, vừa đàm mà còn tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội nhận định: Việt Nam đã học được thêm một bài học đó là “tập hợp lực lượng”. Ngày nay khi Việt Nam đã hoàn tất quá trình hội nhập quốc tế, gia nhập vào các tổ chức quốc tế lớn thì thế và lực của Việt Nam đã khác và tình hình thế giới cũng đã khác. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên nghiệm bài học về tập hợp lực lượng, trong đó chúng ta phải thống nhất một điểm: lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết.
Các đại biểu tham dự hội thảo còn khẳng định tầm vóc của Hiệp định Paris năm 1973, trong đó nhiều quan điểm nhấn mạnh: Hiệp định Paris năm 1973 không chỉ là một sự kiện có ý nghĩa đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam mà còn là sự kiện lịch sử chứa đựng nhiều nội dung về nghệ thuật quân sự, nghệ thuật đàm phán và các vấn đề quan hệ quốc tế khác.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN: