Một số nước ASEAN tham gia Shangri-La lần thứ 13 này đã cố gắng tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc.
Trong năm 2013, cũng tại Diễn đàn Shangri-La, Philippines đã chỉ trích Trung Quốc khá gay gắt. Tuy nhiên, năm nay, nước này lại không giữ một lập trường mạnh mẽ như vậy.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho hay: “Chúng tôi cần suy nghĩ nghiêm túc về các cơ chế và thực tế mà có thể cho phép chúng ta xuống thang” bởi lẽ một mối quan hệ chiến lược dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau là không tồn tại.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro cho rằng, việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự là không tránh khỏi.
Ông Tim Huxley, một thành viên của IISS có nhiều năm nghiên cứu về các vấn đề ở khu vực Đông Nam Á, cho biết, các nước ASEAN dường như “không cùng một lòng” chống lại Trung Quốc. Một số nước tránh chỉ trích Trung Quốc một cách trực tiếp bởi họ “biết rằng, họ chỉ là nước nhỏ bé và trong dài hạn, họ không thể dựa dẫm vào Mỹ”.
Tuy nhiên, cũng có quan chức quốc phòng cấp cao khác của ASEAN có mặt tại Đối thoại Shangri-La 13 kêu gọi sự hiệp nhất trong khu vực để giải quyết các tranh chấp chủ quyền.
“ASEAN phải đoàn kết cùng nhau để giải quyết các vấn đề quốc phòng và không được đi theo những hướng khác nhau”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein phát biểu.
Ông Hishammuddin Hussein không chỉ trích trực tiếp Trung Quốc nhưng ám chỉ Bắc Kinh phải có những bước đi giảm căng thẳng với ASEAN. “Những quyền lực lớn phải hiểu chúng tôi”, ông Hishammuddin Hussein cho hay.
Trong khi nhiều nước ASEAN tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc thì Mỹ, Nhật và Australia lại lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc.
Tại phiên họp toàn thể trong ngày đầu tiên khai mạc Diễn đàn Shangri-La hôm 30/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có những phát ngôn mạnh mẽ chỉ trích hành động gây hấn của Trung Quốc cũng như lên tiếng khẳng định sự quyết tâm ủng hộ các nước ASEAN trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Theo ông Abe, để các thế hệ con cháu của chúng ta sống trong một thế giới hòa bình và ổn định, “thì tất cả các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế”.
|
Thủ tướng Abe trong phiên họp toàn thể hôm khai mạc Shangri-La hôm 30/5.
|
Ông Abe một lần nữa cam kết hỗ trợ các nước ASEAN như sau: “Nhật Bản sẽ hỗ trợ hết sức mình cho những nỗ lực của các nước ASEAN khi họ hành động để đảm bảo an ninh trên biển và trên không, và triệt để duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không. Nhật Bản dự định đóng một vai trò lớn hơn và chủ động hơn trong việc đem lại hòa bình cho châu Á và cả thế giới theo một cách chắc chắn hơn”.
Để giải quyết cuộc tranh chấp lãnh hải, ông Abe kêu gọi các bên nên tuân thủ theo luật pháp quốc tế dựa trên 3 nguyên tắc pháp trị trên biển như sau: Một là, các quốc gia có trách nhiệm thực hiện và làm rõ các tuyên bố chủ quyền của mình dựa trên luật pháp quốc tế. Hai là, các quốc gia không nên sử dụng vũ lực hay cưỡng ép nhằm đạt được mục đích của mình. Ba là, các quốc gia nên tìm cách giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Chuck Hagel cũng đã cáo buộc Trung Quốc có những hành động gây bất ổn làm tình hình ở Biển Đông một thêm căng thẳng. “Trong những tháng vừa qua, Trung Quốc đã có những hành động đơn phương, gây bất ổn để hòng củng cố yêu sách bành trướng lãnh thổ của họ ở Biền Đông. Trong cuộc tranh chấp này, Mỹ sẽ không đứng về phía nào cả. Song, chúng tôi cũng sẽ không làm ngơ khi mà trật tự thế giới bị thách thức”.
Đại diện Australia tham gia sự kiện lần này là Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước những diễn biến làm căng thẳng tình hình trong khu vực gần đây.
Đồng thời, ông Johnston cũng lên tiếng phản đối các hành động sử dụng vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng khu vực. “Việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở Hoa Đông và Biển Đông là không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng Australia nói.
Phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La 13, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, ông hoan nghênh sự ủng hộ của Mỹ và Nhật Bản dành cho Việt Nam và cũng mong muốn các quốc gia khác tiếp tục lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Tôi thấy rằng tất cả các nước đều nhận ra các
việc làm sai trái của Trung Quốc và không đồng tình với những gì nước này đang làm, dù họ có nói ra công khai hay không", Thứ trưởng Vịnh nói và cho biết các nước nên lên tiếng công khai và mạnh mẽ hơn.