Nhạc sĩ Hoàng Hiệp: Chợt tắt để...bất tử

Google News

(Kiến Thức)- "Tôi biết ông đã sống trọn một đời thanh bạch, một đời yêu thương con người, một đời lao động sáng tạo quên mình cho sự nghiệp âm nhạc và dâng hiến cho nhân dân, Tổ quốc"- Nhạc sỹ An Thuyên chia sẻ 



Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, tên thật là Lưu Trần Nghiệp, còn bút danh là Lưu Nguyễn. Ông sinh năm 1931 tại Long Xuyên và là một tên tuổi quen thuộc của người yêu nhạc Việt Nam. Ông đã tham gia hoạt động âm nhạc cùng với 2 cuộc kháng chiến của dân tộc và để lại nhiều tác phẩm xuất sắc.

Sáng tác của ông có 2 mảng đề tài rất rõ rệt: Những ca khúc cách mạng: Lá đỏ, Ngọn đèn đứng gác, Đồng đội, Cô gái vót chông, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây... và bên cạnh đó là những ca khúc trữ tình mang đậm tình yêu quê hương trong bối cảnh đất nước thanh bình qua những ca khúc: Đất mũi Cà Mau, Viếng lăng Bác, Nhớ về Hà Nội, Thành phố tôi yêu, Thơ tình người lính biển, Trở về dòng sông tuổi thơ, Em vẫn đợi anh về, Mùa chim én bay, Nơi gặp gỡ tình yêu

Hoàng Hiệp vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh dành cho văn học nghệ thuật. Tên tuổi của ông sống trong tình yêu âm nhạc của công chúng, đặc biệt là trong niềm ái mộ của giới nghệ sĩ.

Khi người nhạc sĩ tài hoa này về với đất, nhiều nghệ sĩ đã chia sẻ lòng mình với Kienthuc.net.vn:

Nhạc sĩ An Thuyên: “Ngôi sao sáng đã tắt”

Tôi có giây phút bàng hoàng khi nhận được tin nhạc sĩ Hoàng Hiệp mất. Ngôi sao sáng của bầu trời âm nhạc Việt Nam đã tắt. Ông xứng đáng là một người thầy của thế hệ chúng tôi. Có thể nói, ông là người viết tình ca hay nhất trong nền âm nhạc Việt Nam.
 "Nhạc sĩ Hoàng Hiệp là người thầy của chúng tôi".

Tôi biết ông đã sống trọn một đời thanh bạch, một đời yêu thương con người, một đời lao động sáng tạo quên mình cho sự nghiệp âm nhạc và dâng hiến cho nhân dân, Tổ quốc.  

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Những ca khúc bất tử trong hành trình âm nhạc”

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp có mối quan hệ vô cùng mật thiết với khán giả với những bài hát được sáng tác ở thời kỳ chống Mỹ. Những ca khúc của nhạc sĩ đã đi vào lịch sử đất nước, sống trong niềm yêu thích của công chúng.

Tôi có ấn tượng đậm đà với các bài hát của ông và tin rằng, rất nhiều sáng tác sẽ bất tử trong hành trình âm nhạc của đất nước này.
 "Tôi ấn tượng đậm đà nhiều ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp".

Nhạc sĩ Quốc Trung: “Lớp trẻ cần học hỏi và kế thừa”

Tôi nhận thấy niềm yêu đời của bác Hoàng Hiệp qua các ca khúc. Lúc bé, tôi thường hay nghe “Cô gái vót chông” của bác.
 "Bác Hoàng Hiệp sẽ có nhiều ảnh hưởng đến lớp trẻ".

Là một nhạc sĩ thuộc thế hệ trước, bác có ảnh hưởng rất nhiều đến lớp trẻ. Trách nhiệm của nhạc sĩ trẻ là phải kế thừa được tinh thần lao động nghiêm túc và  tư duy âm nhạc sáng tạo không ngừng của nhạc sĩ.

Ca sĩ Thanh Lam: “Ông đã làm trọn bổn phận của một nhạc sĩ”

Lúc sáng, tôi đọc tin về nhạc sĩ Hoàng Hiệp đang hấp hối. Giờ này, ông đã ra đi. Trước hết, tôi xin phép chia buồn với gia đình nhạc sĩ.
 "Tôi phát hiện ra chất Việt trong ca từ của ông".

“Nhớ về Hà Nội” đã ở lại trong triệu triệu con tim Việt Nam thì tên tuổi của nhạc sĩ Hoàng Hiệp cũng sẽ không phai trong tâm trí khán giả. Ông đã làm được nhiều điều ý nghĩa cho cuộc đời, đã làm trọn bổn phận của một nhạc sĩ.

Những ca khúc của ông rồi sẽ vĩnh cửu. Tôi phát hiện ra chất Việt trong từng ca từ của ông để lại. Lớp trẻ đã đánh mất điều này rất nhiều, nên hay ngước nhìn ông để học hỏi.

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU


Sam Nương

Bình luận(0)