Nhưng chỉ trong một đêm, với cú click chuột tàn nhẫn, “Tình thôi xót xa” bị kết án đạo nhạc! Nạn nhân phản kháng yếu ớt, sau đó thì anh và tên tuổi của mình “xót xa” biến khỏi làng nhạc Việt.
Đã nhiều năm trôi qua, nhưng tôi vẫn thương cho trường hợp Bảo Chấn, và vẫn trách dư luận sao tàn nhẫn, khi biến danh tiếng cả đời con người ta gầy dựng thành đống tro tàn chỉ trong khoảnh khắc?! Dư luận khăc nghiệt, thói đời khắc nghiệt, hay sự thất bại khắc nghiệt?
Thất bại làm tôi minh triết hơn
Thời đó, tại sao anh không đứng dậy, đi tiếp, để chứng minh với dư luận, rằng một sự cố không thể quy kết Bảo Chất bất tài, mà lại im lặng rút khỏi nhạc Việt, và để danh tiếng thành tro tàn sau gần 40 năm gây dựng?
Không phải tôi non nớt, mà tôi phản ứng đúng như con người của mình. Giống như trường hợp kẻ mộng du vô tình gây cho người khác sự tổn thương chết người. Đến khi tỉnh dậy, người ta nói: “Ê, thằng kia, mày vừa giết người đấy”, thì anh ta hoảng. Tôi đã hoảng loạn, sau đó thì thích nghi dần. Tôi nghĩ, mình không lãnh thì người khác cũng lãnh, không phải lúc này sẽ là lúc khác, nên than vãn cũng chẳng để làm gì.
Khi anh thành công, người ta tung hô, gọi anh là đỉnh cao, là ông Vua, ông Hoàng. Nhưng khi thất bại, người ta quay lưng, ném đá làm anh tóe máu. Hơn ai hết, anh thấm thía sự tàn nhẫn của dư luận?
Cái đòn thù đó, lạ thay, lại không xuất phát từ người trong giới. Khi tôi bị chà đạp, những người đầu tiên gọi điện cho tôi là ca sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn. Có những ca sĩ tôi không giao du, nhưng họ gọi điện thường xuyên. Trong giới này mà được đồng nghiệp ủng hộ là được rồi. Nó khiến mình bình tâm nhanh lắm.
Đến tuổi này, đã đi qua cả vinh quang lẫn đắng cay, thì thất bại có còn là điều đáng sợ?
Sau thất bại, mình quyết định ngưng hay đi tiếp? Nếu đi tiếp, phải chấp nhận hai mặt của vấn đề, và hên thì thành công, còn hơn không làm gì – nó đồng nghĩa với cái chết. Nên tôi vẫn đi. Có điều người lớn tuổi đi chậm hơn, cẩn thận hơn.
Tôi quan niệm thất bại là một mặt của tấm huy chương, và hãy đón nhận nó như tài sản của mình. giống như sinh con, có đứa bình thường, có đứa dị tật, nhưng mình đâu thể bỏ đứa con dị tật. Nó vẫn là tài sản của cuộc đời mình.
Nhưng loại tài sản này rất dễ làm mình tổn thương!
Thất bại không phải trên trời rơi xuống. Nó là hệ lụy. Nếu yếu đuối thì nhục nhã, gục ngã, tự tử… Nhưng nếu coi nó là một phần cuộc sống, sẽ chấp nhận được. Không ai sẵn sàng chìa má cho người ta tát. Nhưng cái tát không làm gục ngã con người chính thức của mình. Vấn đề là mình biết nhận ra sai lầm, vui vẻ đón nhận và coi là vốn liếng của cuộc sống.
Anh đã nhận được gì từ “tài sản” của mình?
Con người! Ngày xưa hoạt động nghệ thuật, tôi tạo tiếng, tạo tiền. Những người đồng hành chỉ là những khuôn mặt nghề. Sau sự cố, tôi thấy được khuôn mặt người. Bên cạnh đó, tôi thấy mình minh triết hơn. Bây giờ tôi hay hơn mấy chục năm trước nhiều. Không phải về âm nhạc, mà là tư duy, khả năng nhìn tác phẩm, con người, sự vật, nhìn trời, nhìn đất và nhìn chính mình.
Cái tát tai làm xây xẩm mặt mày, nhưng khiến tôi tỉnh
Tôi thấy nguy hiểm ở chỗ, anh bị… thất bại muộn, khiến cơ hội làm lại khó hơn những người trẻ?
Cái tát tai làm xây xẩm mặt mày, nhưng khiến tôi tỉnh! Với tôi, như vậy là đủ rồi. Nó đã sinh ra con người tôi ngày hôm nay, để tôi cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày.
“Khi cuộc đời ném đá vào mình. Nếu không là bức tường để viên đá dội lại, thì hãy là cục bông gòn, nhẹ nhàng nuốt vào trong”. Điều gì cho anh minh triết này?
Đòn roi! Rõ ràng anh càng cương cứng, càng ăn đòn lâu và đau. Chỉ có những người có mãnh lực lớn mới làm được bức tường. Còn tôi, chọn làm cục bông gòn. Người ta ném mãi rồi cũng chán.
Như vậy là yếu đuối, là yếm thế!
Đó là cái tạng của tôi. Tôi không tranh đấu, không chống đối ai. Hạt cơm bạn ăn trong miệng, nó thuộc về bạn, cái ly bạn uống là của bạn. Có thể quan điểm của người già là như vậy.
Từ trường hợp của mình, anh có nghĩ thất bại là đặc quyền của giới trẻ và là điều tồi tệ của người… không còn trẻ?
Thất bại không chừa tuổi tác, và có bản chất riêng. Có những thất bại sẽ mở cho bạn cánh cửa mới, tươi sáng hơn, nhưng cũng có những thất bại khiến bạn đau đớn suốt đời. Thất bại nào cũng đau khổ. Nhưng không phải điều đáng sợ. Cuối cùng, khi nhận thất bại, bạn có can đảm nhìn nó như một phần của mình không? Nếu biết sửa sai, bạn sẽ hay hơn!
Vậy anh có tự tin khuyên giới trẻ hãy dám thất bại?
Tôi không khuyên giới trẻ mua thất bại. Nhưng sẽ nói với các bạn đừng sợ thất bại. Hãy hôn nó rồi bỏ vào túi, để không gặp lại nữa!
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU