Mới đây, tạp chí điện tử, chuyên về thiết kế DesignBoom đã có bài viết giới thiệu sự độc đáo về kiến trúc và tư duy bảo tồn văn hoá dân gian trong dự án Bảo tàng Đạo Mẫu của nghệ sĩ Xuân Hinh.
Tờ tạp chí này cho hay: "Bảo tàng Đạo Mẫu Việt Nam, một dự án văn hóa đầy ý nghĩa, được hình dung bởi tài năng của nghệ sĩ dân gian nổi tiếng Việt Nam, Xuân Hinh".
|
Công trình này đòi hỏi sử dụng không dưới 5 triệu viên ngói cổ và 1 triệu viên gạch thất cổ. Ảnh: FBNV. |
Tọa lạc tại một ngôi làng gần Hà Nội, bảo tàng rộng lớn với diện tích 5.000 m2 nằm giữa một vườn cây ăn quả có tuổi đời lên đến 50 năm. Dự án này đã khéo léo bảo tồn cảnh quan hiện có của khu vườn, bao gồm thông, cây cảnh, một ngôi nhà nhỏ và cả những cột cổng cổ kính.
Thiết kế của Bảo tàng Đạo Mẫu đã tích hợp các khối chức năng mới như khu vực ở, phòng trưng bày, và nhà bếp xung quanh ngôi nhà cũ, mà hiện tại được sử dụng làm không gian trưng bày hiện vật. Theo chia sẻ từ chính nghệ sĩ Xuân Hình, công trình này đòi hỏi sử dụng không dưới 5 triệu viên ngói cổ và 1 triệu viên gạch thất cổ.
Đó cũng là điểm đặc biệt đáng chú ý là việc sử dụng gạch đất sét truyền thống, được thu thập từ các ngôi nhà lịch sử trong các khu vực lân cận. Điều này là tượng trưng cho cam kết bảo tồn di sản kiến trúc trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra từng ngày. DesignBoom viết: "Việc sử dụng những viên gạch này bắt nguồn từ ký ức của người nghệ sĩ về các điệu múa lễ tạ ơn và bầu không khí linh thiêng được tạo ra bởi làn khói hương, xuyên qua những mái ngói của các ngôi chùa".
Nghệ sĩ Xuân Hinh, người chịu trách nhiệm chính của dự án đã chia sẻ niềm hạnh phúc khi công trình tâm huyết này sẽ mở cửa đón khách vào đầu xuân năm nay. Ông bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm của các tạp chí trong và ngoài nước cũng như mạng xã hội, đã giới thiệu đến mọi người về Bảo tàng Đạo Mẫu, một phần quan trọng của quần thể kiến trúc Linh Từ Uống Nước Nhớ Nguồn. Ông nói: "Xuân Hinh xin cảm ơn mọi người rất nhiều vì đã chia sẻ về công trình này".
Dự án hướng tới mục tiêu bảo tồn tín ngưỡng của Việt Nam và truyền thống bằng cách tích hợp các vật liệu địa phương như gạch đất sét vào thiết kế bảo tàng. Bảo tàng này nhấn mạnh tầm quan trọng của Đạo Mẫu, hệ thống tín ngưỡng Việt Nam tôn kính các nữ thần mẹ và thể hiện nghệ thuật phản ánh thần bí, sâu sắc trong nền văn hóa dân tộc. Điều này không chỉ là việc bảo tồn di sản kiến trúc mà còn là việc duy trì "tấm thảm văn hóa" đa dạng của người Việt qua việc tiếp tục duy trì nghệ thuật truyền thống.