Nếu được hỏi về nguyên nhân sức thu hút của các tác phẩm nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, câu trả lời ta nhận được hầu như chắc chắn sẽ là từ nội dung gần gũi với tuổi thơ trong các tác phẩm của ông. Tôi cũng đã từng có câu trả lời như vậy, nhưng gần đây, tôi dần nhận thấy những câu chuyện khác…
|
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong vòng vây của các bạn trẻ hâm mộ. |
Tôi muốn bắt đầu bằng một kỷ niệm nhỏ. Một hôm, tôi lục lọi hết các thông tin có được để tìm một quán ăn thuần Việt đãi cả nhà. Và tôi khá bất ngờ khi biết Nguyễn Nhật Ánh có một quán ăn tên là Đo Đo, và một… facebook cá nhân với hơn trăm ngàn người theo dõi. Thú vị hơn nữa, vốn là một thành viên thường xuyên của các fan page, fan group truyện ngôn tình từ những ngày đầu, tôi nhận thấy cách thức thể hiện trên facebook của Nguyễn Nhật Ánh… rất quen: trích đoạn tác phẩm, những tấm hình liên quan đến tác phẩm, trích những câu nói hay với kỹ thuật design trau chuốt… Điều này dễ gây bất ngờ đối với những người đã quen hình dung về hình ảnh một tác giả theo sách vở: sống cuộc đời đầy thăng trầm, đau đớn hay cảm xúc trước số phận con người, rồi cho ra đời những tác phẩm nổi tiếng, và hết.
Nhưng facebook Nguyễn Nhật Ánh gợi cho chúng ta về câu chuyện khác, câu chuyện các nhà văn viết cho lứa tuổi teen đã phải chọn cách thích nghi như thế nào trước cơn bão của văn hoá giải trí, của thế giới truyện ngôn tình trên internet… Những gì Nguyễn Nhật Ánh đối diện, ta có thể tạm hình dung như thế, là không còn như hồi đầu những năm 1990, khi các tác phẩm của ông hầu như độc chiếm báo Mực Tím, tờ báo đầy ảnh hưởng với tuổi teen. Giới trẻ giờ đây có quá nhiều món ăn tinh thần, dù đôi khi không hẳn là ngon như thế hệ chúng ta thường nghĩ. Thế giới internet làm cho nhà văn cũng phải tìm cho mình những cách thức mới để đến với công chúng.
Nhà nghiên cứu Lê Trà My, đến từ Hà Nội, trong một bài báo khoa học Hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh và công nghệ PR, đã phân tích các sự kiện ra mắt sách Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Ngồi khóc trên cây để chỉ ra vai trò của công nghệ PR đối với mối quan tâm của độc giả đến các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi chú ý đến một chi tiết được nêu ra trong bài nghiên cứu, rằng ông đã có một chuyến hành trình xuyên Việt ký tặng sách cho độc giả vào năm 2012, trong chuỗi sự kiện ra mắt sách Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Hành trình xuyên Việt ấy còn là một cách thức sử dụng truyền thông, thông qua các bài viết giới thiệu về những buổi hành trình, để duy trì hình ảnh tác giả.
Không phải ngẫu nhiên mà trong một dịp ra mắt sách Ngày xưa có một chuyện tình, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã ghi lại lời tâm sự của ông Nguyễn Triết, 53 tuổi, về lý do mình đi mua sách: “Con trai tôi năm nay 16 tuổi, ở cái tuổi ẩm ương thay đổi nhiều điều về tâm sinh lý, tình cảm ngay trong chính bản thân nó. Tôi muốn mua cho con cuốn sách này như một món quà để con cảm thấy vững vàng hơn trong hành trình khôn lớn của mình”. Hình ảnh về các tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh được truyền thông xây dựng như là một món quà tâm niệm của người cha dành cho con, khơi gợi và đồng thời giải quyết mối e ngại tiềm tàng về những điều “ẩm ương” khó hiểu của tuổi mới lớn.
Hình ảnh một nhà văn chỉ thể hiện mình qua tư tưởng của ông ta trên trang giấy trắng có lẽ không còn quen thuộc nữa, ít nhất là trong sự hình dung của tôi giờ đây về Nguyễn Nhật Ánh. Nhà văn không còn là cuộc đời và tư tưởng của ông ta nữa, mà phải là hình ảnh nhà văn được vật chất hoá và hiện diện đồng hành với những gì mà người đọc hình dung về tác phẩm trong một không gian truyền thông đại chúng. Nói đơn giản, nhà văn phải là cái gì có thể nhìn thấy được, có thể “like” và “share”.
Và những sự vật chất hoá ấy, có lẽ, cũng tạo nên những câu chuyện khác bổ sung vào câu chuyện mà Nguyễn Nhật Ánh kể trong tác phẩm của mình.