Đâu là điểm chung của các bom tấn xXx: Return of Xander Cage, Kong: Skull Island, Fast & Furious 8, Alien: Covenant, Pirates of the Caribbean: Salazar’s Revenge và mới nhất là The Mummy? Nhóm tác phẩm này đều đạt doanh thu không như ý muốn tại Bắc Mỹ, nhưng sau đó lại giành thắng lợi lớn tại thị trường Trung Quốc.
Đây không phải là câu chuyện mới xảy ra trong năm 2017. Lần lượt Pacific Rim (2013), The Expendables 3 (2014), Terminator Genisys (2015) hay Warcraft (2016) là những trường hợp tương tự tiêu biểu trong những mùa hè trước.
|
Kong: Skull Island là một trong số nhiều bom tấn Hollywood cần được Trung Quốc "giải cứu" trong năm nay. Ảnh: Warner Bros. |
Tuy nhiên, lượng tác phẩm bom tấn cần “cầu viện” thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới đặc biệt tăng mạnh trong mùa hè 2017. Theo thống kê, tổng doanh thu các phim bom tấn Hollywood tại Trung Quốc sau sáu tháng đầu năm nay dự kiến là 580 triệu USD. Và đây là cơ hội lẫn thách thức đối với cả hai bên.
Khi Hollywood kiếm bộn phía bên kia Thái Bình Dương
Chỉ riêng trong tháng 4 và tháng 5, doanh thu của hai bộ phim có Vin Diesel sắm vai chính là xXx: Return of Xander Cage và Fast & Furious 8 đã chiếm tới hơn 80% tổng doanh thu ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc.
Con số đó sẽ tiếp tục được duy trì trong tháng 6 bởi những bộ phim lớn như Wonder Woman, The Mummy, Alien: Covenant và tới đây là Transformers: The Last Knight.
Cộng thêm cú hit bất ngờ mang tên Dangal của điện ảnh Ấn Độ (thu 185 triệu USD và trở thành phim nước ngoài không phải của Hollywood ăn khách nhất lịch sử thị trường quốc gia tỷ dân), người Trung Quốc hoàn toàn thất thế ngay trên sân nhà.
Raymond Zhou, một nhà phê bình phim nổi tiếng của China Daily, nhận định: “Bom tấn Hollywood chưa chắc đã hay hơn các bộ phim Trung Quốc. Nhưng thực tế là các tác phẩm điện ảnh nội địa của chúng tôi năm nay yếu kém hơn thường lệ, và tình hình đó chưa có dấu hiệu thay đổi”.
|
Jason Statham có mặt tại Bắc Kinh để quảng bá cho bom tấn Fast & Furious 8 hồi cuối tháng 3. Ảnh: Colin Cheng. |
Trung Quốc là mảnh đất màu mỡ dành cho các hãng phim Hollywood, nhưng chính quyền sở tại đặt ra nhiều luật định để kiểm soát lượng tác phẩm điện ảnh ngoại được trình chiếu mỗi năm, như hạn ngạch nhập khẩu, quãng thời gian dành riêng cho phim nội, thời gian trình chiếu ngoài rạp...
Thông thường, Trung Quốc muốn duy trì mức 60% tổng doanh thu toàn năm cho phim nước nhà và dành 40% còn lại cho phim ngoại. Song, sau năm tháng đầu 2017, doanh thu phim Hollywood tại quốc gia tỷ dân đang chiếm 51%.
Chỉ 43% tiền vé đến từ phim nội, và 6% còn lại là của phim các nước khác. Điều đáng kể là trong khoảng thời gian đó, lượng phim ngoại phát hành chỉ là 26, còn các nhà sản xuất phim Hoa ngữ đã tung ra tới 125 tác phẩm.
Chính quyền Trung Quốc hiện lâm vào thế bí. Chắc chắn họ muốn duy trì tỷ lệ 60-40 để thúc đẩy ngành điện ảnh nước nhà. Song, nếu đưa ra các luật lệ quá khắt khe nhằm ưu ái phim nội, họ sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ không chỉ từ Hollywood, mà ngay từ các chủ rạp chiếu phim trong nước.
Những yêu sách của Hollywood liệu có được đáp ứng?
Trong suốt năm năm qua, Hollywood rất muốn nâng hạn mức 34 tác phẩm ngoại tại Trung Quốc và đây là điều luật đang được trình duyệt sửa đổi. Trên thực tế, chính quyền quốc gia châu Á đã có lần nới lỏng chính sách.
Năm 2016, họ cho phép 40 phim ngoại có mặt ngoài rạp, với tỷ lệ ăn chia doanh thu cố định dành riêng cho Hollywood. Chuyện nâng hạn ngạch phim ngoại tại Trung Quốc sớm muộn sẽ xảy ra.
Nhưng Hollywood còn muốn nhiều hơn thế: rút ngắn quãng thời gian chỉ chiếu phim nội, được phép quảng bá phim sớm hơn, thay đổi tỷ lệ ăn chia lợi nhuận (hiện chỉ là 25% tổng doanh thu), được tự chọn lựa nhà phát hành hoặc tự mở công ty phát hành sở tại...
|
Các bộ phim nước ngoài chỉ được phép chính thức quảng bá tại Trung Quốc từ 4-6 tuần trước thời điểm khởi chiếu. Ảnh: Warner Bros. |
Dĩ nhiên là chính quyền Trung Quốc không dễ nhân nhượng. Họ có thể đồng ý với một số điều khoản, nhưng đồng thời đưa ra một số chính sách mới nhằm thu lợi tối đa từ các đối tác phía bên kia bờ Thái Bình Dương.
Trên tạp chí Variety, một chuyên viên phát hành giấu tên người Trung Quốc cho rằng có hai điều sắp sửa thay đổi: quãng thời gian chỉ chiếu phim nội và thời gian quảng bá phim.
Hiện Cục Điện ảnh Trung Quốc chỉ cho phép các tác phẩm nước ngoài bắt đầu quảng cáo từ 4-6 tuần trước ngày ra rạp. Điều đó nhiều lúc khiến nhà sản xuất không thể lập ra một kế hoạch marketing dài hơi tại Trung Quốc.
Chuyện rút ngắn thời gian chỉ chiếu phim nội đã diễn ra tại quốc gia tỷ dân hồi mùa hè 2016. Nhận thấy doanh thu phòng vé không như ý muốn, chính quyền Trung Quốc cho phép TMNT: Out of the Shadows, The Legend of Tarzan và The Secret Life of Pets bất ngờ xuất hiện trong quãng sáu tuần mùa hè mà lẽ ra khán giả nước này chỉ được thưởng thức phim nội.
|
Phim riêng về Người Nhện do Sony và Marvel Studios hợp tác sản xuất vẫn chưa có ngày phát hành tại Trung Quốc. Ảnh: Sony. |
Nhưng tin vui vẫn chưa đến từ Trung Quốc trong mùa hè năm nay. Do đó, Spider-Man: Homecoming và War for the Planet of the Apes tuy đã qua cửa kiểm duyệt nhưng vẫn chưa thể ấn định thời gian phát hành tại Trung Quốc.
Giới quan sát nhận định các cuộc thương thảo nhằm thay đổi luật điện ảnh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn kéo dài, thậm chí qua Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 10, và quốc gia châu Á chẳng việc gì phải vội vàng chiều lòng đối phương.
Trong lúc đó, các nhà làm phim Hoa ngữ đang loay hoay tìm kiếm lối đi mới nhằm cứu vãn thế cục. Ngay từ lúc này, một số “ông lớn” như Hoa Nghị huynh đệ, Vạn Đạt Đại Liên hay Bona Film Group đã hướng tới năm 2018 với một số dự án bom tấn dựa trên tác phẩm văn học, truyện tranh...
Bởi họ cho rằng đó là cách duy nhất để cạnh tranh với Hollywood.