Thu Phương vừa kỷ niệm chặng đường ca hát dài 30 năm (1986 - 2016). Sau khi tổ chức live show đánh dấu cột mốc này tại Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội), nơi nữ ca sĩ từng làm việc và gắn bó từ những ngày đầu vào nghề, nữ ca sĩ lại tiếp tục lịch diễn dày đặc.
Hẹn gặp chị trong buổi tập cùng ban nhạc cho một đêm nhạc riêng, nữ ca sĩ Thu Phương có những chia sẻ về chuyện làm trò - làm thầy cũng như những va chạm trong giới showbiz.
Tuổi thơ như... con trai
- Những bước đi đầu tiên vào nghề, ai là người đã truyền cho chị ngọn lửa đam mê nghệ thuật?
- Chính bố là người mang đến cho tâm hồn của tôi và các anh chị thêm cảm xúc, sống lãng mạn và nghĩ đến những điều tốt đẹp. Ông là người rất yêu nhạc và có cá tính của một nghệ sĩ.
Cũng vì quá yêu nghệ thuật nên ông xin cho các con vào sinh hoạt tại Nhà thiếu nhi Hải Phòng. Tại đây, tôi dần dần được truyền ngọn đam mê ca hát.
- Trong suy nghĩ, chị có coi bố là người thầy?
- Tôi không có khái niệm về việc này vì ngày ấy còn bé, chỉ biết cứ quây quần và hát theo tiếng đàn guitar của ông. Đến khi sinh hoạt ở Nhà thiếu nhi, tôi mới nhận thức được những kinh nghiệm của thầy, cô truyền lại cho mình.
Khi lên Hà Nội vào năm 13 tuổi, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Lúc này, điểm tựa duy nhất của tôi là được đến lớp. Tất cả buồn, vui, được, mất cũng do thầy, cô thay cha, mẹ lắng nghe để xoa dịu. Đối với tôi, tuổi thơ chính là những ngày tháng được sống bên cạnh thầy, cô như thế.
- Hàng chục năm theo nghề, ai là người có ảnh hưởng và giúp chị có ngày hôm nay?
- Tôi mang ơn công dạy dỗ, dìu dắt của NSƯT Kim Phúc, từng là trưởng khoa thanh nhạc của ĐH Nghệ thuật Quân Đội, nay đã nghỉ hưu. Nhưng người thầy khiến tôi “ám ảnh” và cũng nhớ nhiều nhất chính là NSND Trần Hiếu.
Tôi được thầy dạy dỗ khi là sinh viên của khóa nhạc nhẹ đầu tiên tại trường Âm nhạc Quốc gia. Đến nay, tôi vẫn áp dụng lối hát, cách trình diễn và tư duy âm nhạc được thầy chỉ dạy. Ngoài ra, tôi cũng rất thích giọng trầm ấm, mênh mông, che chở cũng như cách dạy rất mới của thầy.
|
Ca sĩ Thu Phương ví mình như một cậu con trai khi còn học trung học. Ảnh: NVCC. |
- Khi ngồi trên ghế nhà trường, cô học trò Thu Phương có tính cách ra sao?
- Khi học trung học, tôi chủ yếu chơi với các bạn trai, không ngại trèo cây, cởi trần tắm mưa và bị kiểm điểm liên tục. Tuy nhiên trong các sinh hoạt văn nghệ, tôi lại rất giỏi. Sau này lên Hà Nội học, do hoàn cảnh khó khăn, tôi phải làm thêm nên khi lên lớp không tập trung và hay bị thầy cô mắng.
Phiền lòng khi gặp ồn ào với học trò
- Sau này khi trở thành thầy, dẫn dắt học trò tại The Voice, cảm giác của chị khác đi như thế nào?
- Những ngày đầu tiên gặp gỡ học trò, tôi được gợi nhắc lại quãng thời gian mình đã từng được dạy dỗ như thế nào.
Trong live show vừa qua tổ chức tại Hà Nội, tôi mong muốn tri ân những thầy, cô cũng như “báo cáo” thành tích mà mình đã làm được. Tôi cũng rất hãnh diện khi được giới thiệu học trò của mình. Có thể nói, bắt đầu từ cái nôi của Nhà hát Tuổi Trẻ tôi đã đủ vững vàng để được làm thầy.
- Tuy nhiên, thời điểm đó chị cũng gặp không ít rắc rối vì những lời bình luận không mấy tốt đẹp từ học trò. Rơi vào hoàn cảnh này, chị cảm thấy như thế nào?
- Tất nhiên là buồn chứ, nhưng tôi cho rằng sống cuộc đời này mình không thể kiểm soát được tất cả mọi thứ. Thôi thì cứ sống hết lòng, cho đi trọn vẹn thì chắc chắn mình sẽ gặt hái những thành quả.
Mỗi người cũng có mục đích riêng khi họ làm việc gì đó. Tôi không can thiệp thái độ của người xung quanh mà chỉ muốn căn chỉnh bản thân để có thể yên tâm và thanh thản là được.
- Trong số các học trò của mình, cái tên nào khiến chị cảm thấy tự hào nhất?
- Không chỉ riêng học trò của tôi mà tất cả các em xuất thân từ The Voice mùa 3 đều có cố gắng, Yến Lê, Đức Phúc có ra sản phẩm, Khánh Linh và Anh Duy cũng tham gia những chương trình khác để khẳng định chính mình.
Còn Hoàng Dũng do tôi trực tiếp đào tạo cũng có cơ hội cọ xát qua một vài chương trình, nhưng tôi cũng luôn nhắc Dũng phải tự nỗ lực còn các thầy, cô chỉ hỗ trợ phần nào.
|
Hoàng Dũng là học trò duy nhất tại The Voice được Thu Phương tiếp tục hậu thuẫn sau cuộc thi. Ảnh: Vietvision. |
- Trong gia đình, chị làm thầy của các con như thế nào?
- Tôi tự hào khi nói mình là người mẹ rất tâm lý. Các con ở nhiều độ tuổi, còn tôi lại có sự nhạy cảm của nghệ sĩ nên không bao giờ thúc ép bất kỳ điều gì. Tôi để các con toàn quyền quyết định, nếu thành quả không như mình mong muốn thì mới lên tiếng.
Có lúc tôi im lặng cả một thời gian dài nếu các con không có nhu cầu nói chuyện, cũng có khi tâm sự như những người bạn mà chúng có thể tin tưởng.
Những cạnh tranh hậu trường
- Sau những ồn ào mệt mỏi với học trò, chị còn hứng thú với công việc huấn luyện?
- Bất kỳ lời mời nào tôi cũng sẽ làm hết khả năng. Nhiều người suy nghĩ khi nhận lời ngồi ghế nóng phải xem xét những người ngồi cùng có chung đẳng cấp hay không, tôi lại không như vậy.
Đơn giản vì 30 năm đi hát không thể vì một bài hát, buổi biểu diễn không hay hay những lời tai bay vạ gió mà biến mình tệ đi hay thay đổi trong mắt khán giả. Tất cả những chuyện xảy ra đều mang tính thời điểm, quan trọng là đích đến cuối cùng.
- Có nghĩa chị không quan tâm ai sẽ xuất hiện cùng chương trình mình tham gia để đưa ra lựa chọn?
- Có hỏi ban tổ chức đi chăng nữa cũng chỉ để biết mình sẽ hát với ai để mang đến hiệu ứng tốt nhất. Tôi chưa hề có vướng bận với bất kỳ ai cả.
- Còn trong trường hợp có nghệ sĩ từ chối tham gia show diễn vì có Thu Phương, chị phản phản ứng ra sao?
- Tôi gặp rất nhiều chuyện như vậy và phải liên tục giải quyết khi bầu sô gọi đến và nói “vì nghệ sĩ đó nói có Thu Phương nên họ không hát”. Tất nhiên tôi buồn nhưng họ cũng có lý do để không hát cùng, bầu show cũng có lý do để không mời mình.
Bản thân tôi biết hết tất cả vấn đề xảy ra nên chủ động tránh những điều ấy để không phải rơi vào tình trạng đi giải quyết những chuyện không vui.
- Theo chị vì sao họ lại có những ứng xử như vậy?
- Có những chuyện tôi biết, có những chuyện không nhưng tôi chưa bao giờ tìm hiểu bởi ai cũng có lí do của họ. Có thể vì quá yêu, ghét hay thậm chí là ganh tỵ mà người ta có thể đối xử với nhau rất tệ.
Có cả những chuyện tày trời ảnh hưởng cuộc sống hôn nhân, scandal… nhưng tôi cũng chẳng bao giờ hỏi những người có liên quan lý do vì sao cả.
- Là một ca sĩ nổi tiếng và được nhiều người công nhận, vì sao chị lại chấp nhận nghe theo lời bầu show mà không đấu tranh để mình được show diễn?
- Làm như thế để làm gì?! Không cần phải biến cuộc sống của mình mệt mỏi như vậy, đi hát đến chừng này, tôi nghĩ một show hát không thể nói lên giá trị của một nghệ sĩ.
Ngày hôm nay, tôi vẫn có thể đứng trên sân khấu hát hay có cuộc nói chuyện với phóng viên như bạn, đấy là những giá trị của tôi rồi. Vì sao phải bận tâm nữa?
|
Thu Phương biết và đọc được nhiều bình luận khán giả rằng mình "mỗi lần hát lại khóc à, xem thấy mệt" . Tuy nhiên những điều này không khiến cô phiền lòng. Ảnh: NVCC. |
- Đến nay, nhựng bình luận nào của khán giả khiến chị tổn thương nhất?
- Nhiều người nói họ bắt đầu chán xem Thu Phương hát rồi, mỗi lần hát lại khóc à, xem thấy mệt… 30 năm đứng trên sân khấu, bạn nghĩ tôi nên hát cho người mới nghe lần đầu hay người xem mình hát bao nhiêu lần rồi khi họ nghĩ đến mình lại chán?
Nhưng cuối cùng, tôi quan niệm phải hát cho mình đầu tiên vì còn cống hiến thì khán giả sẽ còn cảm nhận. Tất nhiên, có người sẽ đến rồi đi như bản chất của cuộc đời, tôi cũng thấy bình thường. Những bình luận rằng tôi khóc nhiều, mỗi người hãy một lần đặt vào vị trí người khác bạn sẽ biết tại sao họ như vậy.
- Chị đáp trả như thế nào trước những lời lẽ không hay ấy?
- Tôi trả lời nhiều nhưng sẽ không làm tổn thương ai. Tôi tự rèn luyện để chấp nhận bởi có những lúc được rất nhiều người yêu thương nhưng cũng có lúc bao nhiêu người rời xa.