Nghề DJ trừ trước đến nay vẫn là một giấc mơ hào nhoáng trong mắt giới trẻ khi có cơ hội được biểu diễn ở những sân khấu lớn, mức cát-xê cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, đằng sau điều đó là cả những mặt tối. Cái chết của DJ - nhà sản xuất âm nhạc Thuỵ Điển Avicii ở tuổi 28 mới đây khiến không ít người hâm mộ và làng âm nhạc thế giới phải rúng động. Cái chết do tự tử của anh một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về môi trường làm việc áp lực dẫn tới không ít hệ luỵ về sức khoẻ và cuộc sống của đời DJ.
Uống rượu là thói quen của nhiều nghệ sĩ trước khi lên sân khấu
Trước khi qua đời nam nghệ sĩ thú nhận mình đã uống rất nhiều, các bữa tiệc được tổ chức hàng đêm. Thậm chí, trước mỗi lần lên sân khấu anh luôn trong trạng thái say mèm với khuôn mặt đỏ bừng để trốn tránh nỗi sợ hãi đám đông luôn ám ảnh tâm trí. Bên cạnh đó, áp lực công việc cũng là điều khiến sức khoẻ anh nhanh chóng tuột dốc khi có những ngày dành 12 tiếng đồng hồ trong phòng thu để kịp tiến độ 70 ca khúc trong 2 tháng.
|
Sau những sự cố về sức khoẻ, Avicii bất ngờ khiến người hâm mộ sốc khi tự tử ở tuổi 28 vì áp lực công việc và tình trạng sức khoẻ ngày một suy sụp do hậu quả của rượu. |
Nhìn từ bi kịch của Avicii sang làng giải trí Việt Nam, có không ít những nghệ sĩ đang phải chịu áp lực tương tự trong nền công nghiệp âm nhạc ngày một lớn mạnh. Đồng cảm với người đồng nghiệp hơn ai hết có lẽ phải kể đến SlimV - một trong những DJ, nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu Việt Nam.
Nói về Avicii anh chia sẻ: "Với tôi âm nhạc của Avicii rất hay và tôi thích những sản phẩm của anh ấy nhưng tôi không tìm hiểu nhiều về đời tư của anh. Nó cũng giống như con người tôi, tôi không quan tâm quá nhiều tới đời tư của các bạn đồng nghiệp mà chỉ quan tâm tới những sản phẩm của họ".
SlimV cũng khá bất ngờ khi biết cả hai cùng có một điểm chung là nỗi sợ hãi đám đông. Nhắc đến chứng sợ khá kỳ lạ này anh kể: "DJ là công việc biểu diễn nên một người bước lên trên sân khấu luôn cần có sự tự tin nhất định để đứng trước một đám đông. Còn tôi lại là người không có sự tự tin ngay từ khi tôi còn bé nên tôi rất ngại phải đứng trước đông người để nói hay biểu diễn. Tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để có thể dần dần làm quen, vượt qua nỗi sợ không chỉ trên sân khấu mà còn cả trong cuộc sống hàng ngày".
Khi được hỏi về cách để vượt qua nỗi sợ hãi này SlimV không ngần ngại thú nhận cho tới giờ dù đã có thêm nhiều kinh nghiệm biểu diễn sau 10 năm theo nghiệp DJ anh vẫn chưa hết hồi hộp mỗi lần lên sân khấu nhưng điều đó dần biến mất khi anh nhập tâm vào những giai điệu.
|
Không chỉ Avicii, SlimV cũng có nỗi sợ sân khấu mà cho tới giờ anh vẫn gặp phải. |
Ngoài điểm chung về nỗi sợ khi lên sân khấu, Avicii và SlimV còn có một thói quen giống nhau trước mỗi lần diễn là uống rượu. Tuy nhiên, Quán quân The Remix không phụ thuộc vào nó. Anh không ngần ngại chia sẻ: "Tôi cũng giống Avicii ở điểm uống rượu trước khi lên sân khấu nhưng tôi hoàn toàn không phụ thuộc vào nó. Không nhất thiết phải có rượu tôi mới lên sân khấu được".
Anh cho biết uống rượu là thói quen của nhiều nghệ sĩ. Đôi khi cầm một ly rượu không uống để say mà vượt qua nỗi sợ hãi để có một buổi biểu diễn thành công. Nói về việc nhiều nghệ sĩ trong giới nghiện rượu và chất kích thích anh bày tỏ quan điểm: "Bản thân tôi nghĩ chúng ta không nên phụ thuộc bất kỳ thứ gì cả khi đã là người chuyên nghiệp".
Nhìn vào bi kịch của Avicii, SlimV hé lộ những áp lực khủng khiếp mà chỉ những người trong nghề mới biết. Anh kể: "DJ hầu hết mọi người đều phải chịu áp lực lớn. Có hai kiểu DJ một là đi làm club, hai là đi biểu diễn chạy show không cố định ở bất cứ đâu. Như Avicii liên tục phải trải qua cường độ, âm thanh và áp lực làm việc rất lớn. Có những ngày nghỉ của mọi người thì lại là thời điểm họ làm việc nhiều nhất".
SlimV chia sẻ hầu hết những người làm DJ phải đối mặt với thiệt hại về sức khỏe và giờ giấc sinh hoạt. Đặc biệt với các nghệ sĩ chạy show liên tục như Avicii trong một buổi tối thậm chí họ còn phải bay ngược múi giờ để có thể biểu diễn ở nhiều thành phố. Chính vì vậy có nhiều DJ nổi tiếng thế giới cũng phải tìm một con đường khác vì áp lực công việc quá lớn.
Thách thức sáng tạo khi âm nhạc thành món ăn nhanh
Tuy nhiên, với một DJ kiêm nhà sản xuất âm nhạc tại Việt Nam - một vùng trũng so với thế giới, công việc của SlimV còn phải đối mặt với những áp lực từ chính khán giả. Theo anh: "Chúng ta thậm chí còn chưa có âm nhạc chuyên nghiệp, vẫn chỉ có âm nhạc thị trường nên để so sánh là hơi khập khiễng. Các nghệ sĩ giờ chưa thể sống bằng tiền bán nhạc mà phải đi diễn. Nếu như là một producer giỏi và có sản phẩm âm nhạc tốt thì chỉ riêng những lượt tải và xem nhạc họ đã có thể kiếm tiền từ chất xám của mình".
Trong khi đó, nhìn vào thực tế Việt Nam không nhiều người có thể chỉ sống nhờ sản phẩm. Để có thể có tiền làm album, single họ phải đi diễn rồi lấy tiền quay vòng để làm những sản phẩm mới. Đối với các nghệ sĩ để duy trì sự nghiệp có không ít khó khăn về tiền bạc, với những người có tên tuổi thì việc đó có phần thuận lợi hơn nhưng để bước vào khá khó khăn.
SlimV là người đảm nhiệm cùng một lúc 2 công việc, áp lực của anh ngày một lớn hơn khi đòi hỏi rất nhiều thời gian. Để cho ra đời một tác phẩm có những lúc anh mất 1 tháng trời ở trong nhà và không làm được gì khác. DJ là thứ để cân bằng cho công việc cũng như đem lại nguồn thu.
Khi đã có tiền để làm sản phẩm, anh lại vấp phải những thách thức khi bước vào phòng thu đó chính là âm nhạc đang ngày càng trở nên đơn giản và đi và đi vào lối mòn. Trước đây một bài hát cần cấu thành từ nhiều yếu tố phức tạp để hướng tới giá trị nghệ thuật. Nhưng ngày nay âm nhạc, thời trang... đều như món ăn nhanh.
Khi cái gì bị đưa thành công nghiệp thì sự sáng tạo sẽ bị rút gọn, sức sáng tạo bị cạn kiệt. Cũng chính vì lý do đó mà nhiều nghệ sĩ bị hiểu nhầm là đạo nhái bởi khán giả không phải ai cũng đủ kiến thức để phân biệt. Nhiều nghệ sĩ ở Việt Nam phải chịu oan ức, quy chụp là đạo nhạc, đạo ý tưởng.
Chính SlimV cũng chưa thể tìm ra cách để khán giả có thể nhìn nhận đúng về tác phẩm của mình. Anh chia sẻ: "Tôi cũng ko biết làm sao để tránh quy chụp, có quá nhiều bài hát trên giới, ai cũng có thể làm nhạc vì nó quá dễ. Trên thế giới mỗi ngày có hàng ngàn tên tuổi mới, mỗi người 1-2 bài đã có thể sử dụng hết ý tưởng. Muốn tạo ra được những điều không giống ai, không thể nghe hết được các bài hát, nên tốt nhất là trung thực còn nhiều khi có cố gắng làm mọi người khó ghét mình là rất khó nên cố gắng làm thật tốt.. Còn những người khác nói gì nên chấp nhận đó là một áp lực".
Dù những thách thức này đến từ phía khán giả nhưng SlimV cũng không muốn đổ lỗi cho họ. Bày tỏ quan điểm của mình anh nói: "Lỗi là ở việc giáo dục về âm nhạc từ trước tới nay nhàm chán khiến nhiều người không muốn học thậm chí ngay chính bản thân tôi trước khi khi vào nhạc viện cũng không biết bất cứ nốt nhạc nào nên không thể trách khán giả được".