Theo Sohu, sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc có hàng loạt động thái mạnh tay, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất phim cũng như do tác động kinh tế hậu Covid-19, showbiz xứ tỷ dân không còn hoạt động sôi nổi. Ifeng cho biết tình trạng thất nghiệp tập thể đang diễn ra trong ngành giải trí nước này.
Không chỉ diễn viên quần chúng, hạng C hay B không có phim đóng, lớp minh tinh và tài tử hạng A cũng lâm vào cảnh vắng kịch bản.
Diễn viên hạng A cũng thất nghiệp
Từ đầu năm đến nay, báo Trung Quốc nhiều lần đưa tin về cảnh thất nghiệp, phải bỏ nghề diễn chuyển sang lao động tay chân của nhiều diễn viên.
Nam diễn viên Lưu Kim chia sẻ không có phim đóng hơn 8 tháng. Để duy trì cuộc sống, ông phải đi nhặt phế liệu, bán hàng rong trên phố. Tài tử Từ Hải Vy, Lý Gia Minh chọn rời thành phố, về quê làm nông vì mất nguồn thu nhập trong showbiz. Hồi tháng 2, Ngô Thừa Trạch (22 tuổi) cho biết phải chuyển sang làm shipper vì không được mời đóng phim, dù là vai quần chúng.
Nói về sự khó khăn của ngành phim ảnh Trung Quốc, Lý Gia Minh cho biết anh bị nợ 30% thù lao trong một dự án. Nguyên nhân là đoàn phim không có tiền chi trả diễn viên, chỉ có thể ký hợp đồng thanh toán chậm.
|
Nhiều minh tinh hạng A trong showbiz Trung Quốc không có phim mới trong nhiều tháng qua. Ảnh: Sina.
|
Không chỉ diễn viên trẻ, trung niên và diễn viên quần chúng gặp khó khăn trong giai đoạn showbiz Trung Quốc "đóng băng", nhiều diễn viên tuyến một cũng trải qua nỗi lo "ngồi chơi xơi nước" thời gian dài vì không nhận được kịch bản mới.
Theo thống kê của Sohu, Ngô Cẩn Ngôn không có phim mới trong 19 tháng; Văn Kỳ 11 tháng; Trương Hàn, Trương Thiên Ái và Đường Yên 7 tháng. Trong khi Ngô Tuyên Nghi, Angelababy, Chung Sở Hy, Lý Nhất Đồng, Tôn Di, Khuất Sở Tiêu... hơn 5 tháng không vào đoàn phim.
Bằng chứng cho sự ảm đạm của showbiz Trung Quốc là các tên tuổi tạo được tiếng vang trong mùa phim hè như Vương Hạc Đệ, Ngu Thư Hân, Ngô Lỗi, Trương Lăng Hách... đều không thể trở mình thành tên tuổi được săn đón bậc nhất. Họ không có show, phim truyền hình, quảng cáo, bìa tạp chí và sự kiện thương mại dồn dập như thời Lý Hiện, Tiêu Chiến hay Vương Nhất Bác. Điều này khiến đa số sao trẻ nói trên rơi vào cảnh "nổi nửa mùa".
Thua lỗ, nguy cơ phá sản
Những khó khăn ngành phim ảnh Trung Quốc đang trải qua được phản ánh rõ trong báo cáo do Tổng cục Phát thanh, Truyền hình nước này công bố gần đây. Tính đến năm nay, ngành công nghiệp phim truyền hình xứ tỷ dân đã sa sút trong 3 năm liên tiếp.
Theo Sina, lượng phim đăng ký sản xuất mới của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng. Đang ở thời kỳ tái phục hồi sau dịch, nhưng tính đến tháng 9 năm nay, chỉ có tổng cộng 680 bộ phim được quay. Trong khi năm 2021 có hơn 991 dự án được cấp phép sản xuất.
Thống kê của Securities Daily cho thấy năm 2019 có 646 bộ phim truyền hình được sản xuất với tổng cộng 24.617 tập phim. Con số trên đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2018, với 886 bộ phim được cấp phép sản xuất.
|
Phim trường Hoành Điếm hiện vắng đoàn phim ghi hình. Ảnh: Sohu.
|
Số liệu công bố trên trang web của Hoành Điếm - phim trường lớn nhất Trung Quốc - cũng cho thấy thực trạng đi xuống của thị trường phim Trung Quốc. Trước 2018, mỗi năm Hoành Điếm có gần 400 đoàn phim ghi hình. Tuy nhiên, con số này hiện tại còn chưa đến 200 đoàn, với trung bình 8 đoàn phim làm việc mỗi ngày.
Trên Securities Daily, biên kịch kiêm nhà sản xuất phim Vu Chính cho biết tỷ lệ bấm máy phim truyền hình ở Trung Quốc đang lao dốc không phanh. Nhiều diễn viên không tìm được việc làm hơn 2 năm qua. Theo đạo diễn phim Diên Hi công lược, chỉ có 10% nghệ sĩ đắt show, 90% còn lại đều nhọc nhằn.
Thị trường phim ảnh ảm đạm cũng làm cuộc cạnh tranh giành kịch bản trở nên khốc liệt. Với việc các nhà làm phim dần thay đổi định hướng lựa chọn diễn viên, ưu tiên những nghệ sĩ diễn giỏi và dày dặn kinh nghiệm, chỗ đứng của những gương mặt kỳ cựu hoặc kỹ năng diễn xuất kém bị lung lay. Đó cũng là nguyên nhân Ngô Cẩn Ngôn, Trương Hàn hay diễn viên thần tượng tay ngang không còn được trọng dụng.
Theo số liệu công bố trên Tân Hoa Xã, từ năm 2019 đến nay hàng nghìn hãng phim đã ngừng hoạt động. Các công ty điện ảnh và truyền hình lớn nhất Trung Quốc như Bắc Kinh Văn hóa, Hoa Nghị Huynh Đệ, Vạn Đạt… liên tục báo cáo thua lỗ. Vì vậy, họ không còn mạnh tay bỏ vốn đầu tư.
Trong đó, công ty Hoa Nghị Huynh Đệ - đế chế giải trí hàng đầu Trung Quốc - đứng trước nguy cơ sụp đổ. Gã khổng lồ này đang chìm trong hố nợ 1 tỷ USD và đứng trên bờ vực vỡ nợ. Để tháo gỡ khó khăn đơn vị buộc phải chuyển nhượng, thế chấp cổ phần, tài sản nhằm vay tiền cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Đạo diễn Vân Thiên thừa nhận giới giải trí Trung Quốc đang trong thời kỳ ngưng trệ. Nhiều dự án không thể khởi quay khiến cuộc sống của nghệ sĩ, nhà sản xuất bị đảo lộn. Do rủi ro thua lỗ và thất nghiệp đang ở mức báo động, nhiều người hoạt động trong ngành phim ảnh đã chuyển nghề.
Vân Thiên cho biết livestream bán hàng là đích đến của nhiều nghệ sĩ thất nghiệp. Điển hình như "ông trùm phim kiếm hiệp Kim Dung" Trương Kỷ Trung đã bỏ làm phim nhiều năm qua để cùng vợ trẻ gia nhập ngành thương mại điện tử. Số khác trở thành nhà sản tạo nội dung, chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống và nhận quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng xã hội hàng đầu Trung Quốc để duy trì thu nhập.