Màn biểu diễn ở tầm Olympic
Màn biểu diễn “Sức mạnh đôi tay” đã được hai “hoàng tử xiếc” của Việt Nam trình diễn suốt 15 năm qua, nhưng tại sân khấu của Britain's Got Talent, nó vẫn khiến trái tim khán giả trào dâng hạnh phúc và tự hào. Đặc biệt, đến phần thực hiện động tác vừa chồng đầu vừa đi xuống bậc thang, Quốc Cơ và Quốc Nghiệp khiến hai nữ giám khảo Amanda Holden và Alesha Dixon phải thét lên vì quá hồi hộp. Nữ giám khảo Amanda Holden nhận xét: “Màn trình diễn thật đáng kinh ngạc và tôi cực kỳ xúc động suốt thời gian theo dõi phần thi. Tôi thực sự không rõ hai bạn có được sức mạnh đó từ đâu”. Đến cả vị giám khảo nổi tiếng khó tính nhất thế giới Simon Cowell cũng phải ca ngợi rằng xem màn biểu diễn của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp giống với thi đấu ở trình độ giải Olympic hơn là một chương trình tìm kiếm tài năng.
|
Hai “hoàng tử xiếc” Quốc Cơ - Quốc Nghiệp. Ảnh: TL |
Đúng như nhận xét của giám khảo Simon Cowell, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp được mời đến để dự thi chứ không phải dự thi một cách độc lập như các thí sinh khác. Bởi đây là cuộc thi tìm kiếm tài năng, trong khi đó, tài năng của họ đã được khẳng định ở nhiều đấu trường trong nước và quốc tế như: Huy chương Vàng tại Liên hoan Xiếc Việt Nam (năm 2009 và 2010) cho tiết mục “Sức mạnh đôi tay”, Huy chương Vàng cuộc thi Tài năng trẻ ba nước Đông Dương (2009), Giải Vàng tại Liên hoan xiếc quốc tế ở Việt Nam (2010), giải Sư tử bạc tại Liên hoan xiếc quốc tế Ngô Kiều (Trung Quốc, 2011), giải Gấu bạc tại Liên hoan xiếc quốc tế ở Nga (2012), cùng nhiều giải thưởng khác ở các liên hoan tại Cuba, Pháp, Ý… Cuối tháng 12/2016, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp lập kỷ lục Guinness thế giới khi chồng đầu đi qua 90 bậc thang trong 52 giây tại Nhà thờ Chánh tòa ở thành phố Girona, Tây Ban Nha. Tên tuổi và tài năng của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã lan ra nhiều nơi trên thế giới.
Nhưng để xét NSND lại là câu chuyện khác
Với những thành tích đáng ngưỡng mộ này, có khán giả nhận xét: Nghệ thuật xiếc Việt Nam từ trước đến nay chỉ được biết đến với các màn xiếc thú, nhào lộn, đu dây… chứ hiếm có được sự lan tỏa lớn như vậy. Nhiều người được vinh danh NSND mà khán giả không biết là ai, với những đóng góp của anh em Quốc Cơ-Quốc Nghiệp như vậy, sao không đặc cách là NSND?”.
Mang nhận xét này hỏi nhà văn, biên kịch Chu Thơm- Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016, ông tâm sự: Tôi đã xem những tiết mục của hai em Quốc Cơ-Quốc Nghiệp biểu diễn và phải nói là kiệt xuất. Nói về sự lan tỏa ở góc độ truyền thông thì có lẽ, nghệ sĩ xiếc cho đến nay chưa ai làm được như họ. Nhưng để đặc cách là NSND thì lại là câu chuyện khác.
Nhà văn Chu Thơm tâm sự, câu hỏi này làm ông nhớ đến những câu chuyện đặc cách trong việc xét tặng danh hiệu NSND. Năm 1980, khi nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất ở cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X tại Nga đã làm nức lòng công chúng yêu nhạc trong nước. Ngay sau đó, Bộ Văn hoá- Thông tin khi đó đã đề nghị đặc cách ông danh hiệu NSND. Ghi nhận như vậy cũng xứng đáng thôi nhưng sau đó là gì? Những đóng góp của ông với thế hệ trẻ âm nhạc Việt Nam thế nào khi ông định cư ở nước ngoài, thỉnh thoảng với trở về Việt Nam? Trong khi đó, NSND là một danh hiệu rất cao quý, nó không chỉ là sự ghi nhận dựa trên thành tích cơ học, mà quan trọng hơn nữa là sự lan tỏa trong đời sống và có sức ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Chẳng hạn như trong nghệ thuật truyền thống, nhắc đến những cái tên như Đình Nghi, Trần Bảng, Đình Quang, Dương Ngọc Đức hay Đào Mộng Long, Chu Văn Thức, Nguyễn Mạnh Tuấn … là cả giới sân khấu phải ngả mũ kính phục. Nhưng bây giờ, việc xét tặng danh hiệu NSND, NSUT đôi khi khiến cho công chúng ngỡ ngàng, là vì chỉ dựa vào thành tích tham gia trong các cuộc Hội diễn, Liên hoan nên rất nhiều nghệ sĩ gạo cội đã nghỉ hưu không còn cơ hội tham gia các cuộc đó sẽ mãi dậm chân tại chỗ với danh hiệu NSUT trong khi các học trò của họ lần lượt trở thành NSUT, NSND và không ít NSND khi xướng tên lên, công chúng không biết họ là ai.
Chia sẻ thêm về câu chuyện xét tặng danh hiệu NSND hiện nay, nhà viết kịch Chu Thơm chia sẻ: “Như vừa rồi, Xuân Bắc dù xét về huy chương là đủ nhưng xin rút khỏi danh sách xét tặng được nhiều người rất tâm phục, khẩu phục. Nhưng nếu bảo Xuân Bắc không được thì “cô Đẩu” cũng chưa xứng đáng thì tôi hoàn toàn không tán thành, mà cho rằng, Công Lý rất đáng được phong tặng NSND. Bởi vì, mặc dù đóng vai “cô Đẩu” trong “Gặp nhau cuối năm”, nhưng kiểu diễn của anh tại Nhà hát kịch Hà Nội và trong các phim truyền hình không bị cuốn theo kiểu diễn tếu táo mang nặng tính tấu hài của Táo quân mà đa nhân cách, rất có chiều sâu. Như vai Gio, vở “Vùng lạnh” của Nhà Hát Kịch Hà Nội và vai các ông bố đầy khắc khổ, suy tư, rất có tính cách trong các phim "Khi người đàn ông góa vợ bật khóc" và "Chiều ngang qua phố cũ".
Quay trở lại câu hỏi về Quốc Cơ-Quốc Nghiệp, nhà viết kịch Chu Thơm cho rằng, phải rất thận trọng trong việc xét tặng cũng như đặc cách. Các em có tài năng nhưng cần có thêm thời gian để lan tỏa nó ở chiều sâu. Những danh tiếng mà các em đang có giống như cơn mưa rào, hãy để nó được thẩm thấu hơn nữa vào lòng người hâm mộ, vào những hạt mầm tài năng trẻ khác đang ở dưới mặt đất, giúp chúng đội vỏ, nảy mầm, khi đó sự lan toả của hai anh em mới thực sự thành công
Còn trường hợp của nghệ sĩ Hoài Linh, từng được nhiều khán giả thắc mắc, sao không xét tặng NSND? Tôi nghĩ, phải xét, những đóng góp của Hoài Linh về mặt nghề nghiệp trong giới sân khấu, ảnh hưởng tích cực với các nghệ sĩ sân khấu trẻ chứ không chỉ với tư cách một nghệ sĩ ngồi trên ghế nóng của giám khảo trong các cuộc chương trình thực tế trên truyền hình? Nếu xét như vậy thì có lẽ Trấn Thành, Trường Giang hẳn là phải được NSND từ lâu rồi…