Tiếng lành đồn xa, tiếng xấu cũng đồn xa
- Thưa NSND Trọng Trinh, vì sao mạng xã hội ngày càng trở nên quan trọng, nhất là với giới nghệ sĩ, những người hoạt động giải trí?
- Không riêng gì với những người hoạt động giải trí, mà tôi thấy mạng xã hội quan trọng với tất cả mọi người, nhất là trong thời đại công nghệ số như hiện nay. Đây là một trong những kênh truyền thông hiệu quả, là phương tiện để định vị thương hiệu cá nhân.
Bản thân tôi cũng dùng vì nhiều khi nó là phương tiện để liên lạc.
|
NSND Trọng Trinh. Ảnh FBNV |
- Mang nhiều lợi ích nhưng nhiều người cho rằng, sử dụng mạng xã hội như con dao hai lưỡi, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Đúng là mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Người xưa từng nói “tiếng lành đồn xa, tiếng xấu cũng đồn xa”. Chúng ta có thể sử dụng nó để xây dựng hình ảnh, nhưng nếu không lan tỏa những điều tích cực, nó cũng dội lại y như thế.
Nếu không biết bảo vệ, xây dựng thương hiệu cá nhân một cách nghiêm túc, sẽ nhanh đánh mất hình ảnh vì sự lan truyền của mạng xã hội rất mạnh. Bởi vậy phải sống tích cực, lan tỏa những điều tốt đẹp.
Không phải ai hoạt động trong giới giải trí… cũng là nghệ sĩ
- Không ít nghệ sĩ sử dụng mạng xã hội để lộng ngôn, chửi bậy, bóc phốt lẫn nhau, dưới góc nhìn văn hóa ông nghĩ sao về hiện tượng này?
- Trước hết phải nói rõ không phải ai hoạt động trong giới giải trí cũng là nghệ sĩ. Nghệ sĩ là người được đào tạo cả cốt cách lẫn chuyện làm nghề, được công chúng lẫn người trong giới ghi nhận.
Còn một số người hoạt động giải trí, họ gây chú ý bằng cách này cách kia chứ không phải làm nghề bền vững.
Trên mạng xã hội có nhiều thành phần khác nhau, ai cũng có thể lên mạng, nhưng không phải ai cũng hoàn hảo. Nhiều người bất chấp làm mọi điều để gây chú ý, nhưng nó chỉ thu hút được một thời gian, rồi sẽ trôi vào quên lãng.
Điều quan trọng với mỗi người là chọn cho mình cách làm, lối tư duy, định hướng đúng đắn.
- Bộ Văn hóa đã ban hành bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, theo ông, vì sao không ngăn chặn được hành vi "xả rác" trên mạng?
- Không chỉ Bộ Văn hóa mà cần nhiều đơn vị chung tay như Bộ Công an, Cục An ninh mạng. Đặc biệt với thời đại công nghệ kỹ thuật số cao như hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội rất phức tạp, đòi hỏi quản lý chặt chẽ cũng rất khó. Quan trọng hơn hết vẫn là ý thức, văn hóa của người dùng.
|
Ảnh FBNV |
Nghệ sĩ vướng ồn ào… công chúng mất niềm tin
- Thời gian vừa qua rất nhiều nghệ sĩ sử dụng mạng xã hội để quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc, thổi phồng công hiệu, PR tiền ảo… ông nghĩ sao?
- Mỗi nghệ sĩ khi quảng cáo họ cũng yêu cầu nhãn hàng cho xem giấy tờ liên quan đến sản phẩm. Tuy nhiên, có khi họ kiểm tra ẩu hoặc không sát sao nên tai bay vạ gió, oan gia vì giấy tờ giả. Dẫu vậy quảng cáo nhiều quá cũng không nên.
Còn về quảng cáo tiền ảo, lan truyền mê tín dị đoan thì đáng trách. Hành vi tiếp tay cho lừa đảo đáng bị phê phán và những người đó phải chịu trách nhiệm trước việc mình đã làm.
Mỗi lần nghệ sĩ vướng ồn ào như thế, bản thân họ cũng bị ảnh hưởng, làm công chúng mất lòng tin.
- Đôi khi nghệ sĩ lại trở thành nạn nhân, bị vu khống bôi nhọ hình ảnh, hoặc bị tung tin thất thiệt, thậm chí bị đồn ác ý qua đời. Ông nghĩ sao về việc này?
- Có người này người kia, khó tránh khỏi những thông tin thất thiệt bị lan truyền. Cũng bởi vậy mà cần hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để tình trạng này không xảy ra nữa.
Nhiều người đăng tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19 đã bị xử phạt. Việc vu khống, bôi nhọ hình ảnh người khác trên mạng xã hội cũng vậy. Tự do ngôn luận, nhưng xúc phạm người khác thì không được, việc lộng ngôn cũng phải trả giá.
Đôi khi, một số cá nhân cố tình gây scandal để tạo sự chú ý. Năm 1989, thời điểm sau khi tôi đóng phim “Săn bắt cướp”, có người đồn tôi vượt biên trốn đi nước ngoài, mất tích. Họ đồn như thật. Dạo đó chưa có mạng xã hội như bây giờ đã kinh khủng đến vậy.
|
Ảnh FBNV |
Nên chừng mực… đừng thành cuồng
- Theo ông, mạng xã hội ảnh hưởng thế nào đến giới trẻ?
- Các bạn trẻ hiện nay tiếp cận công nghệ thông minh rất nhanh. Ngay cả một đứa bé mới vài tuổi đã làm quen với mạng xã hội, đòi xem điện thoại mới ăn cơm.
Từ đó cũng đặt ra yêu cầu bức thiết phải có sự quản lý, định hướng chung của gia đình, xã hội.
- Ông nhắn nhủ gì đến các nghệ sĩ trẻ?
Mỗi người có cách sử dụng mạng xã hội riêng, nhưng nên chừng mực, có giờ có giấc, đừng để ám ảnh, thành cuồng. Hãy biến mạng xã hội thành phương tiện hữu ích cho công việc.
Trong mớ thông tin hỗn độn trên mạng, khi tiếp nhận phải có sự chọn lọc, cảm nhận và đánh giá. Các bạn nên tiếp cận bằng sự hiểu biết để nâng cao trí tuệ cũng như nhận thức, đừng quá u mê sẽ không tốt.
- Cảm ơn NSND Trọng Trinh về cuộc trò chuyện. Chúc ông cùng gia đình năm mới An khang – Thịnh vượng!
Nghệ sĩ Trọng Trinh sinh năm 1957 là diễn viên, đạo diễn nổi tiếng. Ông từng tham gia rất nhiều bộ phim, được xem là một trong những nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh Việt Nam. Nghệ sĩ Trọng Trinh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2019.