Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953. Đây là hãng phim Nhà nước đầu tiên. Năm 2016, Hãng phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa và chính thức được mua lại bởi Tổng công ty vận tải thủy Vivaso vào tháng 6/2017.
Tuy nhiên, sau gần 3 tháng cổ phần hóa, nhiều nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam đang rất bức xúc trước tình trạng chậm lương, trả lương thấp và Tổng công ty vận tải thủy Vivaso không có định hướng làm phim.
Trong quá khứ,
Hãng phim truyện Việt Nam từng sản xuất nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam. Một trong số đó là “Chung một dòng sông”. Đây là bộ
phim đầu tiên của Hãng phim truyện Việt Nam ra đời vào năm 1959.
Nội dung phim “Chung một dòng sông” kể về mối tình của anh du kích Vận và cô gái thường chở du kích qua sông tên Hoài. Cả hai yêu nhau từ thời kháng chiến chống Pháp. Khi hòa bình lập lại, chị Hoài sống ở bờ Nam còn anh Vận sống ở bờ Bắc của sông Bến Hải.
Năm 1954, cả hai quyết định làm đám cưới. Tuy nhiên, theo hiệp định Geneve 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời phân chia hai bờ Nam - Bắc nước ta bởi vậy mối tình của chị Hoài và anh Vận bị chia cắt, ngăn cản.
|
Nhân vật chị Hoài do nghệ sĩ Phi Nga đóng. Ảnh: Hanoimoi |
Ngoài “Chung một dòng sông”, “Con chim vành khuyên” cũng là bộ phim làm nên thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam. Ra mắt vào năm 1961, tác phẩm điện ảnh này được thực hiện bởi đạo diễn Nguyễn Văn Thông và Trần Vũ.
Nội dung “Con chim vành khuyên” kể về bé Nga sống trong thời kháng chiến chống Pháp. Cùng với bố, bé Nga làm nhiệm vụ bí mật chở các cán bộ cách mạng qua sông. Không may, trong một lần làm nhiệm vụ, bé Nga và bố bị giặc bắt.
Tuy nhiên, bé Nga vẫn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ các cán bộ cách mạng bằng sự mưu trí và lòng dũng cảm của mình. Không may, bé Nga bị trúng đạn. Trước khi hy sinh, bé Nga đã kịp thả người bạn thân của mình là con chim vành khuyên.
|
Nhân vật bé Nga do nghệ sĩ Tố Uyên đóng. Ảnh: Vietnamplus |
“Con chim vành khuyên” từng đoạt giải thưởng Bông sen Vàng năm 1973. Ngoài ra, bộ phim của Hãng phim truyện Việt Nam còn được trao giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Quốc tế Carlovy Vary năm 1962.
Được sản xuất bởi Hãng phim truyện Việt Nam vào năm 1972, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” cũng là bộ phim gây tiếng vang. Tác phẩm được thực hiện bởi đạo diễn Hải Ninh. Tại Liên hoan phim quốc tế Moscow 1975, phim giành giải Hội đồng hòa bình Thế giới và giải Nữ diễn viên xuất sắc.
Nội dung phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” kể về một nữ chiến sĩ cách mạng Quảng Trị tên Dịu. Theo hiệp định Geneve 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự ngăn cách Việt Nam thành hai vùng tập trung. Bởi vậy, chị Dịu ở lại bờ Nam còn chồng - anh Thạch tập kết ra Bắc.
|
Nhân vật Dịu do NSND Trà Giang đóng. Ảnh: Sài Gòn Giải phóng Online |
Với bản lĩnh kiên cường, chị Dịu dần trở thành hạt nhân cách mạng. Sau khi bí thư chi bộ Đảng địa phương hy sinh, chị Dịu gánh trên vai trọng trách lãnh đạo phong trào và đã không ít lần bị Trần Sùng đưa vào tù.
>>> Xem clip "Cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam: Lối thoát sau 20 năm thua lỗ?" (Nguồn: VTC14):
"Đêm hội Long Trì" là bộ phim dã sử của đạo diễn Hải Ninh. Phim do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. "Đêm hội Long Trì" vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Nội dung phim "Đêm hội Long Trì" kể về những mưu mô trong chốn cung đình thời vua Lê - chúa Trịnh. Trong phim, tuyên phi Đặng Thị Huệ được chúa Trịnh Sâm sủng ái nên dung túng cho em trai Đặng Lân làm càn.
Là ái nữ của Trịnh Sâm, Quỳnh Hoa vốn có một mối tình thầm kín với chàng thư sinh tài hoa Bảo Kim. Tuy nhiên, chưa kịp bén duyên với Bảo Kim, Quỳnh Hoa lại phải lấy Đặng Lâm vì lọt vào mắt của người em trai Đặng Thị Huệ.
|
Nhân vật Quỳnh Hoa do nghệ sĩ Thu Hà đóng. Ảnh: Dân Việt |
Sau loạt phim gây tiếng vang, trong những năm gần đây, Hãng phim truyện Việt Nam ngày càng sa sút. Các bộ phim sản xuất đều khó bán được vé khiến nhiều người tiếc nuối về một thời hoàng kim của hãng phim này.