>>> Mời quý độc giả xem video ca khúc "Kiếp nghèo" của nhạc sĩ Lam Phương. Nguồn Youtube: |
|
Nhạc sĩ Lam Phương là cái tên gắn với những bản tình ca bất hủ nên chẳng thiếu bóng hồng bước vào cuộc đời ông. Nhưng khi nói đến Lam Phương người ta không thể không nhắc đến Túy Hồng. Sự kết hợp của Lam Phương và Túy Hồng đã giúp họ cùng nhau bước lên đỉnh cao danh vọng. Thế nhưng, mối duyên tình của cặp trai tài gái sắc ấy lại không có được cái kết viên mãn.
Mối tình thầy - trò
Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Tuổi thơ của Lam Phương là một chuỗi ngày dài buồn đau và bất hạnh. Nhà nghèo, cha ông đi theo tiếng gọi của tình yêu mới, bỏ 6 người con tuổi còn thơ dại cho người vợ không nghề nghiệp ổn định. Cuộc sống khốn khó thuở ấu thơ đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách ông sau này.
Lam Phương đến với nhạc bằng niềm đam mê mãnh liệt. Năm 15 tuổi ông cho ra mắt sáng tác đầu tiên, ca khúc Chiều thu ấy. Nhạc phẩm này đã được công chúng yêu mến và cái tên Lam Phương nhận được sự chú ý. Năm 18 tuổi, Lam Phương trở thành nhạc sĩ nức tiếng và xây dựng được chỗ đứng vững chắc trong làng nhạc.
Trước khi đến với Túy Hồng, nhạc sĩ Lam Phương đã trải qua vài mối tình và không ít lần ông phải ôm nỗi đau thương. Tuy nhiên, Lam Phương vẫn nhanh chóng phải lòng Túy Hồng sau vài lần gặp gỡ. Ông vốn dĩ là bạn thân của anh trai Túy Hồng nên mỗi ngày thứ Bảy và Chủ Nhật đều đến nhà bạn để dạy nhạc cho bà. Khi ấy, cô gái trẻ Túy Hồng với đôi mắt long lanh tựa hồ nước, làn da trắng mịn và gương mặt thanh tú đã khiến trái tim Lam Phương lỗi nhịp. Túy Hồng cũng rất hâm mộ tài năng của Lam Phương nên sau một thời gian làm việc chung, 2 thầy - trò yêu và đắm mình trong men say tình ái.
|
Túy Hồng và Lam Phương khi còn trẻ. Ảnh: Tư liệu |
Sau khi bén duyên, Túy Hồng đã chọn nhạc của Lam Phương để bắt đầu sự nghiệp ca hát và cặp trai tài gái sắc này thực sự mang lại hiệu ứng xuất sắc. Những ca khúc như Đèn khuya, Kiếp nghèo, Kiếp ve sầu, Tiễn người đi, nhất là hai bản Chiều tàn và Phút cuối qua giọng ca Túy Hồng được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Về phía Lam Phương, nhạc sĩ trẻ này cũng nhận xét, chưa có cô gái nào hát nhạc mình hay bằng Túy Hồng.
Năm 1959, Lam Phương - Túy Hồng kết hôn trong sự chúc phúc của mọi người. Hôn nhân của họ giống như cái kết viên mãn cho tình yêu đẹp của cặp đôi thầy – trò. Sau khi về chung một nhà, sự nghiệp của Lam Phương – Túy Hồng đạt đến đỉnh cao. Năm 1968, với sự động viên của chồng, Túy Hồng đứng ra thành lập riêng đoàn kịch Sống - Túy Hồng.
Đoàn kịch Sống -Túy Hồng có một lợi thế mà ít đoàn nào có được, đó là các vở kịch được lồng ghép với các bài tình ca do Lam Phương sáng tác. Sự kết hợp này đã mang đến một làn gió mới mát lành và nét riêng ấn tượng cho Sống - Túy Hồng.
Khi ấy Lam Phương – Túy Hồng đang sống trong chuỗi ngày hạnh phúc ngập tràn nên các nhạc phẩm của Lam Phương khá đa dạng về thể loại. Các vở kịch do Sống - Túy Hồng dựng cũng không quá bi thảm, kết thúc luôn có một niềm hạnh phúc nào đó. Vì vậy mà, khán giả xem kịch Sống - Túy Hồng thường ra về với một tâm trạng nhẹ nhõm. Thời ấy, cứ mỗi tối thứ Năm hàng tuần, đài truyền hình lại có tiết mục “thoại kịch” và những vở kịch của đoàn kịch Sống - Túy Hồng bao giờ cũng thu hút nhiều người xem. Thời ấy truyền hình còn hiếm, người ta kéo nhau đến những nhà có tivi để xem kịch Sống - Túy Hồng, trong nhà, cửa ra vào, ô cửa sổ... đều chật cứng người xem.
Cuộc hôn nhân hạnh phúc đã giúp Lam Phương trở thành nhạc sĩ thành công nhất miền Nam về mặt tài chính, còn sức hút của Túy Hồng cũng sánh ngang với Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng trên sân khấu kịch.
Tình tan vỡ
|
Nhạc sĩ Lam Phương hiện đang sinh sống ở Mỹ. |
Thành công, nổi tiếng đã mang cuộc sống đủ đầy vật chất cho Lam Phương – Túy Hồng nhưng rồi sau đó, ông và vợ bỏ lại tất cả để ra đi. Đến trời Tây, Lam Phương phải làm việc cực nhọc để có tiền nuôi vợ con. Gạt bỏ ánh hào quang rực rỡ của cái danh nhạc sĩ nổi tiếng, ông làm công việc tay chân như lau sàn nhà, thợ mài, thợ tiện, dọn dẹp,... để kiếm tiền.
Cuộc sống dù vất vả là vậy nhưng niềm đam mê âm nhạc vẫn cháy trong ông. Thế nên, khi cuộc sống ổn định, nhạc sĩ Lam Phương đã thuê một quán ăn làm sân khấu ca nhạc kịch để bạn văn nghệ gặp nhau, để Túy Hồng và ông có cơ hội sống lại với nghệ thuật. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm ông phải đón nhận nỗi đau của sự chia ly.
Thực tế, cả nhạc sĩ Lam Phương và bà Túy Hồng đều chưa một lần chính thức nói về lý do khiến hôn nhân đổ vỡ. Tuy nhiên, nhiều người nói rằng, cuộc hôn nhân ấy bị đứt gánh vì Túy Hồng không còn chung thủy với chồng nữa. Bà đã “ôm cầm sang thuyền khác” để lại nỗi đau chẳng thể nguôi trong lòng người nhạc sĩ. Trong tâm trạng đau khổ, uất hận, nhạc sĩ Lam Phương cho ra đời tuyệt phẩm mang tên Lầm, với những câu từ chua xót: “Anh đã lầm đưa em sang đây. Để đêm thường nghe tiếng thở dài/Thà cuộc đời yên trong lòng đất. Được trở về tiếng khóc ban sơ/Hơn là mang kiếp mong chờ. Anh đã lầm đưa em về đây. Cho tâm hồn tan nát từng ngày. Cùng điệu nhạc lâm ly huyền bí. Dìu lòng người sang chốn đam mê. Đưa anh vào khổ lụy hôm nay...”.
Năm 1981, nhạc sĩ Lam Phương và kịch sĩ Túy Hồng chính thức ly hôn. Vậy là sau hơn 40 năm gắn bó, họ không còn sánh bước bên nhau. Khi ấy nhạc sĩ Lam Phương chạy trốn niềm đau bằng cách rời Mỹ đến Paris. Ở đây, ông chẳng còn quan tâm đến chuyện sáng tác mà vùi mình vào công việc. Ông làm công cho một tiệm tạp hóa, quét dọn, đóng gói, khuân vác... và đủ thứ công việc vất vả khác. Ông làm ngày, làm đêm để quên đi nỗi đau.
|
Ca sĩ- kịch sĩ Túy Hồng. |
Những tưởng người nhạc sĩ ấy sẽ “đóng cửa” con tim sau đổ vỡ nhưng trái tim đa sầu đa cảm kia lại một lần lỗi nhịp. Ông lại yêu, lại thương và lại được hồi sinh. Ở Paris, ông gặp được tình yêu mới và kết hôn với người phụ nữ này. Thế nhưng, chỉ được vài năm, người phụ nữ từng tạo cho ông niềm say mê để viết nên câu ca “Từ ngày có em về, nhà mình tràn ánh trăng thề” cũng bỏ ông mà theo người khác. Năm 1995, Lam Phương trở về Mỹ và kết hôn với một phụ nữ khác, nhưng rồi người đàn bà thứ ba cũng lẳng lặng rời xa ông. Giờ đây, ông sống một mình với chiếc xe lăn trong căn nhà hiu quạnh.