Sau khi PGĐ Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến lên tiếng cho hay quan điểm của chính quyền Hà Nội về việc không đặt mô hình giới thiệu phim Kong: Skull Island ở khu vực tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, hay khu vực hồ Gươm do dư luận không đồng tình, nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc gửi đến VietNamNet một bài viết. Trong thiện ý lắng nghe các nhà khoa học của Hà Nội, xin giới thiệu quan điểm của ông:
|
Đảo Đầu lâu là ngôi nhà của King Kong và nhiều sinh vật tiền sử khác. (Hình ảnh trong bộ phim 'Kinh Kong' sản xuất năm 2005) |
Việc khai thác những yếu có lợi của bộ phim nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam như những thắng cảnh đã được các nhà làm phim lựa chọn làm bối cảnh của bộ phim này như hang động ở Quảng Bình, vịnh biển ở Hạ Long, cảnh quan của Ninh Bình là điều nên làm nhưng phải đúng với những giá trị thực của nó bằng những hoạt động chuyên nghiệp của ngành du lịch.
Đúng là trước đây ta từng có cơ hội nhưng đã bỏ qua cho thấy sự non nớt của ngành du lịch Việt Nam. Bối cảnh các bộ phim như "Indochine" (Đông Dương) có tài tử nổi tiếng Catherine Deneuve đóng, quay ở Huế, Hạ Long, Hội An hay như phim "The Quiet American"(Người Mỹ trầm lặng) theo tiểu thuyết của Agraham Green quay ở trung tâm Sài Gòn không được mấy ai quan tâm khai thác.
Nhưng bộ phim được gọi là "bom tấn" về Kong chỉ là phim giải trí, còn 2 bộ phim trên ít nhiều mang tình chính luận và sử thi lấy bối cảnh và câu chuyện liên quan đến Việt Nam thời thuộc địa và thời Chiến tranh Đông Dương...
|
'"Phải đưa ra thông điệp với du khách vẻ đẹp tự nhiên còn tuyệt vời hơn thế". |
Với bộ phim "Kong: Đảo đầu lâu", giá trị chúng ta có thể khai thác không phải là câu chuyện phim mà chỉ là những cảnh quan được các nhà làm phim chọn làm bối cảnh, cũng là những điểm du lịch chúng ta cần quảng bá để thu hút du khách cũng là để giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Do vậy, cách khai thác của chúng ta không phải là quảng bá trực tiếp cho bộ phim mà là quảng bá nhiều hơn nữa những thắng cảnh và năng lực du lịch của Việt Nam ở những địa điểm bộ phim đã chọn cảnh (Hạ Long, Tràng An, Sơn Đoòng) và cả những nơi khác nữa.
Chắc chắn hình ảnh khán giả xem trong phim về các địa điểm này phần nào cũng đã bị tác động bởi những thủ pháp điện ảnh. Chúng ta phải đưa ra thông điệp với du khách là vẻ đẹp tự nhiên còn tuyệt vời hơn thế và vẻ đẹp trên đất nước Việt Nam không chỉ có thế.
Việt Nam không phải là đảo đầu lâu! Việt Nam cũng không phải là xứ sở của loại linh trưởng đã bị "khủng hóa". Vì thế, cách nói có phần quá lời về một bộ phim mang tính giải trí và chứa đựng đầy hư cấu về một hòn đảo mang tên "Đầu lâu" với những giả tưởng kinh dị, đầy chết chóc như "biểu tượng của Việt Nam" hoàn toàn là không đúng.
Vậy thì, việc quảng cáo cho bộ phim "Kong: Skull Island" chỉ nên để ngành quảng cáo chăm lo theo lợi ích của các doanh nghiệp có liên quan (sản xuất hoặc chiếu phim) theo đúng quy định của luật Quảng cáo.
Việc ai đó có ý tưởng trưng quảng cáo bộ phim này ở không gian văn hóa và tâm linh như Hồ Gươm rõ ràng là không ăn nhập vì đó là công việc của ngành quảng cáo thương mại chứ không phải là của ngành văn hóa và du lịch.
Còn việc quảng bá hình ảnh của các danh lam thắng cảnh từng xuất hiện trong phim hay những di sản thiên nhiên và văn hóa khác của đất nước ta thì đó đích thị là trách nhiệm của ngành văn hóa và du lịch cần triển khai mạnh mẽ vào dịp này.