Trước khi Người phán xử phát sóng tập cuối, Tuổi Trẻ Online đã gặp ông Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình để tìm hiểu công thức tạo 'hit' của VFC, về bộ phim đã khiến khán giả mất công theo dõi mấy tháng nay.
|
Hoàng Dũng và Việt Anh trong vai ông trùm Phan Quân và con trai Phan Hải. |
Chúng tôi xác định phim hấp dẫn phải từ đội ngũ làm phim chuyên nghiệp, nghiêm túc.
Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng đều thu tiếng đồng bộ, từ đạo diễn đến diễn diễn viên đều được lựa chọn rất kĩ.
Chúng tôi sẵn sàng chọn diễn viên gạo cội, có năng lực thay vì chọn những yếu tố bóng bẩy như hot girl, người mẫu…
Khán giả có thể nhìn thấy NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương dù đã quá lứa tuổi ăn khách đã trở lại thuyết phục khán giả như thế nào.
Họ đã tạo khoảng cách rất lớn với diễn viên nghiệp dư.
Ông Đỗ Thanh Hải
* Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng đã đem lại một “mùa vàng” cho Đài Truyền hình Việt Nam. Đã bao lâu rồi VTV mới có những bộ phim được sự quan tâm lớn của khán giả như hai phim này nhỉ?
- Một số năm trở lại đây, mỗi năm VFC lại có một phim thu hút khán giả. Năm nay có 2 phim lên sóng cùng lúc tạo hiệu ứng tích cực.
Điều đó nằm trong dự định của VFC, vì khi thấy dư luận cho rằng phim truyền hình thoái trào, khán giả bỏ sang xem game show, chúng tôi đã nỗ lực để lấy lại vị thế của phim truyền hình.
Nó là điểm rơi chúng tôi tính toán trước được, tuy nhiên chúng tôi cũng không ngờ hiệu ứng lại tốt đến như vậy.
* Hôm nay (31/8), Người phán xử sẽ phát sóng tập cuối, báo chí sẽ tự hỏi lấy gì để tiếp tục thu hút view, còn nhà đài có đặt vấn đề lấy phim gì để thu quảng cáo tiếp theo không, thưa ông?
- Khi chúng tôi làm phim điều đầu tiên là nghĩ làm thế nào để thu hút khán giả, chứ không chỉ nghĩ đến thu quảng cáo. Lần này cả hai phim nói trên đều hấp dẫn về nội dung, được công chúng, và các doanh nghiệp quan tâm.
Cũng có thể do may mắn, do thị trường gameshow bão hòa nên các nhà quảng cáo tìm sang thị trường phim truyền hình. Dự định của chúng tôi sau 2 phim này sẽ mở ra giai đoạn chuyên nghiệp, và đầu tư kĩ lưỡng hơn nữa.
|
Hôm ra mắt Người phán xử toàn bộ dàn diễn viên nam mặc vest đen, đeo kính đen. |
* Ông có thể nói rõ hơn về sự chuyên nghiệp và đầu tư kỹ lưỡng kể trên?
- Cam kết của chúng tôi: đầu tư phát triển phim truyền hình nghiêm túc, bài bản, theo hướng bền vững chứ không phải chạy theo trào lưu.
Lộ trình này đã được thực hiện cách đây 4-5 năm. Chúng tôi đã chọn những đề tài khó, mới mẻ; hợp tác với nước ngoài; cùng hợp tác sản xuất trong nước để đa dạng hóa đội ngũ; thay đổi phong cách làm phim; đầu tư kịch bản mới, đào xới đề tài cũ, chuyển thể từ tác phẩm văn học…
* Cách đây vài năm VFC có một phim chuyển thể từ kịch bản văn học rất tốt là Trò đời, thời điểm đó VFC cũng tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển dự án dạng này. Nhưng không thấy có thêm phim nào tương tự. Vì sao vậy?
- Phim có bối cảnh thời xưa cũ đòi hỏi đầu tư về bối cảnh, phục trang, kể cả lựa chọn cốt văn học, đầu tư kịch bản cũng dày công hơn...
Không phải chúng tôi từ bỏ. Sắp tới chúng tôi sẽ giới thiệu Bến không chồng, phim sản xuất 2-3 năm trước rồi. Vì phải phục dựng toàn bộ bối cảnh thời trước, nên đầu tư làm đồ họa mất nhiều thời gian.
* Hiện điện ảnh và truyền hình đang thi nhau remake (làm lại) phim Hàn Quốc và phần lớn là sao y bản chính với lý do phía Hàn khi bán yêu cầu bên mua phải bám sát nguyên tác.VFC có bị phía Hàn ràng buộc khi đang chuẩn bị remake phim Hàn không?
- VFC không phân biệt phim chuyển thể, kịch bản Việt hóa, kịch bản mua lại từ nước ngoài, quan trọng là tác phẩm làm ra chất lượng thế nào thôi.
Khi mua kịch bản nước ngoài chúng đều phải phân tích xem kịch bản đó có đất để mình Việt hóa hay không, có phù hợp với khán giả Việt hay không.
Xem bản gốc Israel Người phán xử không hay lắm đâu, bản Việt của mình thậm chí còn hay hơn.
Nói thế để biết, vì sao bản gốc không hay mà mình vẫn đầu tư, vì mình thấy cơ hội để phát triển kịch bản đó tốt hơn.
Chúng tôi không mua kịch bản để minh họa, hay gia công lại.
Nếu bên bán kịch bản mà bắt chúng tôi làm giống kịch bản của họ, chúng tôi sẽ không mua.
|
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình. |
* Người phán xử phần đầu rất tốt, nhưng đến giữa kịch bản rất lỏng lẻo. Đặc biệt là tuyến nhân vật phụ được điều tiết không tốt.
Ví dụ nhân vật Phan Hương tập 1 xuất hiện rất ấn tượng, nhưng tới tận tập 8 cô ấy mới ló mặt. Trong thời gian đó có bao biến cố, ông trùm bị ám sát, Phan Hương là con gái vắng mặt và phim không giải thích lý do.
Có lúc Người phán xử trở thành phim hài của Phan Hương và Hải Sở… Xin hỏi khâu kịch bản của phim này được đầu tư thế nào?
- Có 4 người làm kịch bản, cộng với 3 đạo diễn tham gia kịch bản ngay từ ban đầu. Trong quá trình sáng tác có những vai diễn phần đầu làm rất tốt, phần sau đi chệch hướng, có vai diễn phần đầu chưa khai thác sâu, sau mới khai thác sâu.
Đơn cử phần đầu vai trò của Phan Hải rất lớn, nhưng đến phần sau Phan Hải bắt đầu mờ nhạt để nhường đất cho Lê Thành. Phan Hương là nhân vật gia vị để làm giãn sự căng thẳng cho bộ phim.
Điều tiết như thế nào là do quan điểm sáng tác của các đạo diễn phim này. Có thể dụng ý của ê-kíp phù hợp hay không phù hợp với khán giả, nhưng về cơ bản dụng ý của họ là như vậy.
* Vì có tới 3 đạo diễn cùng làm Người phán xử, nên có thể thấy tính liên kết giữa các phần còn lỏng lẻo?
- Ba cá thể tất nhiên không thể làm nhuần nhuyễn như một người làm trọn bộ phim. Tuy nhiên, với một phim dài gần 50 tập và thời gian quay kéo dài hơn một năm, liên tục ngày nào cũng từ sáng sớm đến tối khuya thì một cá nhân không thể đủ sức làm nổi và đủ sức sáng tạo liên tục.
Tại Nhật hay Hàn Quốc, nếu phim khoảng 10-12 tập thì chỉ có một đạo diễn làm nhưng trên 20 tập thì thường có hai đạo diễn cùng tham gia.
* Với đề tài như Người phán xử, các anh có gặp khó khăn gì về khâu kiểm duyệt không?
- Làm đề tài hơi mới mẻ một chút, bao giờ cũng phải vất vả hơn. Thường thì người kiểm duyệt tìm kiếm sự an toàn. Nếu mình tặc lưỡi chấp nhận thì khó tạo ra sự đột biến.
Khi mình chọn con đường đi khó mình cũng phải chấp nhận được ăn cả ngã về không, tức là phải chấp nhận phim bị cắt bỏ hoặc đi quay bổ sung.
Tôi chịu trách nhiệm đưa phim vào sản xuất. Tôi cũng có hội đồng biên tập, thư ký biên tập, khi trao đổi chúng tôi sẽ bàn bạc phát triển đến ngưỡng nào. Đôi khi chúng tôi phải chấp nhận thử thách.
Như cảnh cắt ngón tay ở tập đầu tiên của Người phán xử, chính tôi xem cũng thấy “gợn”. Nhưng phân tích kĩ cảnh này không nhằm mục đích gây ghê rợn, mà nó phản ánh đúng thế giới tội phạm, uy lực của Người phán xử, nên cần thiết phải có.
Nếu cứ sợ thì lại làm phim Cảnh sát hình sự mà như báo chí nói toàn phá án bằng mồm.
* Đã vượt qua được ải kiểm duyệt, nhưng ải dư luận thì rất khó lường, khi Người phán xử lên sóng không, anh có lo không?
- Có lo lắng chứ. Ngay tập một đã có nhiều bài báo đã phản ánh về phim. Bản thân diễn viên đóng vai anh em Trần Tuấn, Trần Tú cũng phải lên facebook live stream nói về nỗi niềm khi sự sáng tạo không được ghi nhận.
Đôi khi có rủi ro xảy ra, đôi khi không phải bản chất của sự việc như thế mà do truyền thông mạng đẩy nó lên. Làm dâu trăm họ phải chấp nhận thôi. Phải xác định rõ khán giả ngày càng đòi hỏi cao, họ không chấp nhận cách làm cũ kĩ.
Về mặt kiểm duyệt có thể có những quan điểm cá nhân áp đặt sản phẩm phim ảnh dành cho số đông phải thế này thế kia. Tuy nhiên mình phải bình tĩnh để sản phẩm truyền hình được lên sóng.
* Sắp tới VFC có thêm những “siêu phẩm” mới nào để tiếp tục thu hút khán giả?
- Cuối 2017, đầu 2018 có vài dự án rất tốt. Dự án về lưu học sinh sang Liên Xô học đang được quay tại Nga. Chúng tôi sẽ phục dựng toàn bộ giai đoạn 1987, 1988. Dự án Ngược chiều nước mắt, của đạo diễn Vũ Minh Trí.
Một phim nữa chưa chốt tên, của hai đạo diễn Trọng Trinh và Vũ Trường Khoa thực hiện rất kì công. Hi vọng các bộ phim này sẽ thu hút khán giả.