>>> Mời quý độc giả xem video "Dàn xe khủng đón dâu trong đám cưới Hoa hậu Đặng Thu Thảo". Nguồn Youtube: |
|
TK áo dài Việt Hùng là người có 17 năm đào tạo thí sinh Hoa hậu Việt Nam, anh có một kho chuyện thâm cung bí sử của giới hoa hậu. Người đầu tiên được anh đào tạo và đưa đến với vương miện là Phan Thu Ngân, Hoa hậu Việt Nam 2000.
Đó cũng cũng chính là người phải “bất lực nhìn chồng bước vào sau cánh cửa trại giam”. Sau đó là Việt Hùng giúp Hoa hậu Mai Phương Thúy trên chặng đường đăng quang. Với Thúy, anh còn có 5 năm đồng hành cùng người đẹp.
Nhà thiết kế Việt Hùng trò chuyện với Zing.vn ở thời điểm Việt Nam đang loạn hoa hậu: hơn 10 cuộc thi trong ba tháng cuối năm. Các cuộc thi cũng liên tiếp gây tranh cãi, từ việc Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tổ chức bán kết giữa bão miền Trung lẫn Hoa hậu Đại dương không được ủng hộ về nhan sắc...
Mở đầu cuộc trò chuyện, Việt Hùng nói những năm gần đây, anh cũng rời xa hoạt động đào tạo hoa hậu vì thất vọng khi các hoa hậu không có khát khao cống hiến như anh mong muốn mà phần lớn chạy theo tư lợi.
- Tại sao anh từng rời xa công việc huấn luyện và hỗ trợ các thí sinh hoa hậu?
- Tôi không hoàn toàn rút lui nhưng có những thứ tôi không muốn dành quá nhiều thời gian, tâm huyết. Tôi tự hỏi mong muốn của mình sau các cuộc thi hoa hậu là gì, nếu đạt được thì tôi sẽ dành nhiều công sức hơn. Còn nếu không đạt được như mong muốn thì tôi phải thu mình lại, để hiểu được vì sao lại không đạt.
Mong muốn của tôi là các thí sinh bước ra từ cuộc thi hoa hậu phải gắn kết với các hoạt động văn hóa, giáo dục và có tác động đến những người xung quanh.
Nếu người mang danh hiệu đó không tạo ra được những ảnh hưởng như mọi người mong muốn thì hai chữ “hoa hậu” sẽ ngày càng nhẹ dần đi về chất lượng.
- Chính xác từ cuộc thi nào, anh bắt đầu có suy nghĩ đó?
- Năm đầu tiên mà tôi bước chân vào nghề đào tạo thí sinh đi thi hoa hậu là cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (Hoa hậu báo Tiền Phong) năm 2000. Năm đó tôi đào tạo 7 cô và Phan Thu Ngân đăng quang, còn 6 cô kia cũng được vào top 10. Ngoài Phan Thu Ngân, các danh hiệu thứ nhì, ba, tư… cũng đều do tôi đào tạo.
Nhưng rồi, các cô gái cũng chỉ coi đó như một cuộc chơi, như kỷ niệm của thời tuổi trẻ. Sau danh hiệu, họ về với gia đình nhỏ hoặc với công việc thường ngày. Họ chọn những con đường an toàn hơn cho bản thân mình, theo đuổi mục đích cá nhân chứ không nghĩ gì đến cộng đồng.
Hồi đầu bước chân vào nghề này, tôi tâm niệm được làm nghệ thuật, tạo ra cái hay, cái đẹp cho các cuộc thi hoa hậu là mãn nguyện rồi. Tôi chưa nghĩ nhiều về cống hiến của các hoa hậu sau khi đăng quang. Nhưng dần về sau, tôi mới nhận ra có lẽ mình không còn phù hợp.
Mọi thứ không được như tôi mong muốn. Những thí sinh do mình huấn luyện, tôi đều yêu cầu ở họ một lời hứa: nếu sau khi đăng quang hoặc có mặt trong top 3, họ cống hiến cho cộng đồng thì tôi mới nhận đào tạo, còn nếu họ chỉ theo đuổi mục đích cá nhân thì tôi từ chối.
Và trong 5 năm sau đó, tôi gặp phải nhiều thất vọng, từng nghĩ mình sẽ không làm nghề này nữa thì đến năm 2006, tôi gặp Mai Phương Thúy. Với Thúy, tôi cũng đưa ra điều kiện của mình như trên. Và Thúy là người giữ lời hứa với tôi nhất.
Cô ấy cống hiến với danh hiệu Hoa hậu Việt Nam trong suốt 5 năm sau khi đăng quang, dù thời gian đương nhiệm đã hết. Đến khi Thúy cảm thấy không muốn làm nữa mà muốn lo cho cuộc sống riêng, tôi cũng rất tôn trọng.
- Nhưng chính Mai Phương Thúy cũng có thời gian gặp nhiều tai tiếng, nhất là bộ ảnh mặc áo dài không nội y gây tranh cãi vì gợi dục, lại là thiết kế của chính anh?
- Những tai tiếng Thúy gặp phải đều là sau thời gian tôi làm việc với Thúy. Nhưng tôi phải thanh minh cho Thúy rằng vụ việc đó không phải là do Thúy, mà do nhiếp ảnh gia lục lại những hình ảnh cũ và đăng lên. Dù vậy, với dư luận đó là tai tiếng, còn với tôi và Thúy, bộ ảnh là kỷ niệm đẹp.
Chúng tôi đã mang 7 tác phẩm trong bộ ảnh đó để đi đấu giá, số tiền đấu giá được sử dụng cho nhiều hoạt động từ thiện khác nhau, trong đó có xây được một cây cầu.
Một hoa hậu phải tìm nhiều cách để tạo ra những khoản đầu tư cho hoạt động từ thiện của mình. Vì Thúy không có nhiều khả năng về nghệ thuật, ca hát, nhảy múa nên đa phần nguồn thu của chúng tôi là từ hoạt động quảng cáo.
- Vậy Đặng Thu Thảo thì sao, người ta gọi cô ấy là “Hoa hậu của các hoa hậu” đấy?
- Tôi cũng hướng dẫn Thu Thảo trong quá trình thi hoa hậu và cũng có quen biết riêng. Nhưng cô ấy cũng giống như nhiều hoa hậu khác, cuối cùng cũng tìm cho mình một bến đỗ để tận hưởng hạnh phúc riêng. Tôi không thấy cô ấy có hoạt động cộng đồng gì nổi bật.
Điều đó phụ thuộc vào tính cách của mỗi con người. Sau lưng mỗi hoa hậu đều có ê-kíp hỗ trợ. Về truyền thông, Thảo rất thành công. Cô ấy có một lực lượng quảng bá truyền thông cho bản thân rất hiệu quả.
- Nhưng Thu Thảo vẫn đang là hình mẫu chuẩn mực cho các cô gái trẻ: xinh đẹp, ngoan hiền, là hoa hậu, lấy chồng giàu có…
- Thảo là một người học trò nên thành công của Thảo, hạnh phúc của Thảo, tôi đều chúc mừng. Nhưng nếu các cô gái trẻ lấy đó là một hình mẫu chuẩn mực thì tôi thấy tiếc. Nếu vậy, hai chữ hoa hậu sẽ không còn giá trị nữa.
Làm hoa hậu là phải biết cống hiến, đền đáp lại niềm tin công chúng đã dành cho họ. Thứ hai là phải biết sống sao cho xứng đáng với hai chữ “hoa hậu”. Vì không phải cô gái đẹp nào cũng đội trên đầu vương miện hoa hậu.
Việt Nam có hơn 90 triệu dân thì chỉ có một vài hoa hậu mà thôi. Danh xưng hoa hậu là số ít. Chính lối sống và hành động của các hoa hậu mới giúp khẳng định độ sáng của chiếc vương miện. Điều đó không ban tổ chức, ê-kíp hay ống kính truyền thông nào có thể làm thay các bạn.
- Thế còn việc lấy chồng giàu, như một thông điệp chuyển đến công chúng rằng cứ phấn đấu thành hoa hậu đi rồi đại gia sẽ đến?
- Không phải chỉ bây giờ mà mười mấy năm trước, từ lúc tôi bước chân vào nghề, đã có suy nghĩ đó rồi. Cái gì cũng có giá của nó. Một người đàn ông thành công trong xã hội được quyền chọn phụ nữ.
Món trang sức đắt giá nhất của họ chính là người phụ nữ đi cạnh họ. Ngược lại, hoa hậu có cơ hội gặp gỡ những người đàn ông giàu có là chuyện hết sức bình thường.
Nhưng đó không phải là thứ tôi dạy cho các học trò mình. Cái đẹp chỉ là cái trước, còn nhân cách hay tri thức mới là thứ khiến người ta nể. Tôi dạy các học trò rằng người ta nể mình thì quan trọng hơn là người ta thích mình. Và để người ta nể thì sắc đẹp chưa đủ.
- Nhưng vẫn có nhiều thí sinh đến với các cuộc thi sắc đẹp để tìm kiếm đại gia?
- Nhiều lắm, rất nhiều. Hàng tháng tôi vẫn nhận được vài lời đề nghị hỗ trợ các bạn đi thi hoa hậu. Nhưng khi trao đổi, tôi thấy ở các bạn không có sự trong sáng, thiếu trách nhiệm xã hội. Họ tìm kiếm một người chồng lý tưởng về tiền bạc chứ chưa hẳn lý tưởng về nhân cách. Tôi đặt ra những điều kiện khó, các bạn không đáp ứng được thì tôi không nhận lời.
Tôi 40 tuổi, cũng có chút kinh nghiệm sống để nhận ra ai trong sáng hay không. Nếu có gia đình, con tôi cũng gần ngang tuổi các bạn: 18, 19, 20. Lớn nhất là 23 thôi. Nhiều người còn đi cùng phụ huynh. Vì thế, tôi nhìn các bạn như những đứa trẻ còn đang lớn.
- Anh có thể ví dụ một trường hợp gây cho anh ấn tượng không đẹp?
- Có lần tôi có cuộc hẹn với một bà mẹ cùng con gái muốn đi thi sắc đẹp. Bà ấy muốn tôi dạy dỗ con gái có cốt cách của một hoa hậu. Đối với tôi, phụ nữ nói chung đều cần cốt cách để sống trong xã hội, để làm vợ, làm mẹ, không cứ là hoa hậu thì mới phải có.
Tôi cũng xuôi xuôi. Nhưng khi đề cập đến vấn đề thi sắc đẹp, họ nói sẽ đầu tư tiền bạc, chấp nhận bỏ ra vài tỷ đồng nhưng buộc tôi phải cam kết con họ sẽ trở thành hoa hậu. Thêm vào đó, sau khi thành hoa hậu, tôi phải đảm bảo mang về những hoạt động quảng cáo giúp họ thu lời từ số tiền đầu tư vài tỷ đó. Giống như một hoạt động đầu tư vậy.
Nghe vậy, tôi thấy rợn người. Có cảm giác họ đang đem chính con gái ra như một món hàng để trao đổi. Tôi thấy buồn. Vì đến người mẹ còn làm như vậy thì chắc chắn không xa, cô con gái sẽ trượt dài trên chính lòng tham của mẹ. Tôi rất ngại làm việc với những thí sinh hoa hậu có mẹ hay cô, dì can thiệp quá sâu vào việc đó.
- Anh vừa nói các cuộc thi hoa hậu đang mất dần giá trị. Trong 3 tháng cuối năm nay, có hơn 10 cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ của Việt Nam và quốc tế (có thí sinh Việt Nam tham gia). Nếu mất giá, tại sao lại tổ chức ồ ạt như vậy?
- Chưa bao giờ ở Việt Nam, hai chữ “hoa hậu” được quan tâm nhiều như bây giờ. Con đường ngắn nhất đến thành công trong cuộc sống là trở thành hoa hậu. Nếu một danh hiệu bán vài tỷ đồng, xét về yếu tố kinh tế, tôi sẽ mua.
Chưa bao giờ danh hiệu hoa hậu dễ mua như bây giờ. Về kinh tế nhé, còn về nhân cách thì không có chuyện đó. Bởi nếu phân tích, vài tỷ đầu tư đó rất dễ sinh lời. Sau khi thành hoa hậu, một năm người ta có thể dễ dàng kiếm từ 3 đến 5 tỷ đồng. Không hề khó khăn. Chưa kể có thể xây dựng một hình ảnh hoa hậu đẹp trong mắt công chúng.
Giống như buôn bán vậy, mặt hàng nào bán chạy thì người ta sẽ nhập về nhiều. Nhưng cái gì cũng có mốt, có thời. Cách đây vài năm nghề ngân hàng đang hot, người ta ồ ạt đi học ngành ngân hàng.
Nhưng bây giờ, chuyện khan hiếm cơ hội công việc lại gây khó khăn cho những người học ngành ngân hàng. Để chữ “hoa hậu” có giá trị thì mỗi người mang vương miện đều phải làm sao cho danh hiệu của mình nặng ký.
- Ngoài Thu Thảo, một hình mẫu hoa hậu đang được các cô gái trẻ hướng đến là Phạm Hương, điển hình của việc “đổi đời sau khi thành hoa hậu”. Anh nghĩ sao về cô ấy?
- Trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2015, có hai thí sinh tôi đánh giá cao nhất là Phạm Hương và Nguyễn Thị Loan. Nhưng may mắn không mỉm cười với Loan.
Với Phạm Hương, tôi cũng không có gì chê trách. Hương có những ê-kíp rất giỏi và biết chuyển nhịp cho nhau để đưa cô ấy tỏa sáng. Hương rất biết sử dụng người để tạo nên hình ảnh hiệu quả. Còn những công việc cụ thể của Hương, tôi lại không đánh giá cao.
- Những năm gần đây, các cuộc thi hoa hậu giống như “kỳ thi đầu vào” cho giới giải trí, thay vì hướng đến các hoạt động cộng đồng như anh nói?
- Đúng vậy. Tôi cũng không đủ quyền lực để áp đặt, góp ý hay tác động đến việc này. Nhưng khi tổ chức một cuộc thi hoa hậu, ngoài bộ phận làm đẹp cho hoa hậu, đưa hoa hậu đi thi quốc tế, tôi nghĩ các ban tổ chức và các hoa hậu phải biết cách biến giá trị ảo của vương miện thành giá trị thật.
Còn xu hướng hoa hậu gia nhập giới giải trí, khi cân đong đo đếm về giá trị kinh tế, nhiều người không còn chấp nhận làm những công việc chuyên môn với mức lương trên 10 triệu đồng nhưng có cơ hội thử thách và hoàn thiện mình. Nhưng nhiều hoa hậu nói: Không, việc gì em phải đi làm công ăn lương 10 triệu đồng, em chỉ cần đi một sự kiện là có 1.000 USD hay 2.000 USD rồi (22 đến 45 triệu đồng).
Làm vậy nghĩa là chỉ nhìn được cái trước mắt. Bất cứ công việc chuyên môn nào cũng giúp chúng ta nhận ra giá trị của lao động. Chính sự nhàn rỗi đó sẽ khiến họ trượt dài về năng lực chuyên môn và không có giá trị lao động.
Khi không phải cống hiến một ngày 8 tiếng, họ sẽ hình thành thói quen lười lao động. Khi hết nhiệm kỳ hoặc tên tuổi hết hot, ít được mời sự kiện hơn, họ sẽ khó thành công trong chuyên môn, cố tìm cho mình một bến đỗ an toàn để được đảm bảo về kinh tế.
Trong các hoa hậu hiện nay, tôi đánh giá cao Hoa hậu Biển Phạm Thùy Trang, dù khi đăng quang, Trang có dính vài điều tiếng. Nhưng cô ấy rất tích cực tham gia hoạt động xã hội.
Ở Trang, tôi nhìn thấy năng lượng mà tôi từng thấy ở Mai Phương Thúy. Thúy đi các hoạt động cộng đồng không biết mệt, có thể đi từ 6h sáng đến 23h, lúc đói cũng chỉ cần một ổ bánh mỳ là có thể tiếp tục làm việc.
Làm hoa hậu rất cần sức khỏe thể chất, còn những người lười lao động, chỉ đi sự kiện cười nói một hai tiếng đồng hồ rồi về thì rất dễ đuối. Vì thế, người ta nhìn vào dễ thấy sự ẻo lả, yếu đuối, chảnh chọe.
- Gần đây, Á hậu Huyền My tham gia cuộc Hoa hậu Hòa bình Thế giới đã bị các giám khảo Việt Nam đánh giá là tính cá nhân quá cao, thiếu thân thiện. Có nhiều thí sinh sắc đẹp ở Việt Nam có nhược điểm này không?
- Khi tôi làm giám khảo một cuộc thi sắc đẹp, yêu cầu đầu tiên của tôi là thí sinh phải bớt tính cá nhân. Vì khi họ đặt cái tôi của mình lên cao quá, họ sẽ không biết thuận theo số đông nữa, sẽ tạo nên nhiều hình ảnh không đẹp, chưa nói là còn phản cảm nữa. Trong một cuộc thi, ban giám khảo chính là người có thể nhìn nhận thí sinh trong một quá trình lâu dài nên họ đưa ra nhận định chuẩn xác.
Tôi không chấp nhận các ban giám khảo chỉ tham gia cuộc thi qua một đêm thi, vì mấy tiếng đồng hồ là quá ít ỏi để đánh giá một thí sinh có xứng đáng hoa hậu hay không.
Chấm đâu là gương mặt đẹp nhất, thân hình mặc bikini đẹp nhất hay bộ đầm đẹp nhất thì rất dễ. Nhưng để đánh giá nhân cách một con người, hiểu cá tính một con người có hợp với tinh thần chung hay không, thì không thể.
Nếu có cơ hội đào tạo cho Huyền My, tôi sẽ nói với cô ấy rằng phải tăng tính thân thiện lên gấp đôi. Vì Việt Nam là nước chủ nhà, chúng tôi phải thân thiện tối đa và dẹp bỏ hết cái tôi đi để cho các nước khác thấy một Việt Nam thân thiện và hiếu khách như chúng ta vẫn quảng bá du lịch.
Tri thức nằm bên trong con người ta lâu lắm rồi, cốt cách không phải là thứ ngày một, ngày hai mới hình thành được. Phải tính bằng năm, chứ không bằng tháng hay bằng quý được. Cốt cách, nếu không có từ gia đình và trường học, mà đến gần ngày thi mới trang bị thì không thể có được.