Bên cạnh các nhân vật nam anh hùng, các nhân vật nữ trong các tác phẩm của Kim Dung cũng rất được yêu thích. Và với từng nhân vật nữ, Kim Dung đều miêu tả vẻ đẹp của họ bằng những mỹ từ tinh tế nhất. Chẳng hạn như Hoàng Dung là một cô gái thông minh sắc sảo, trí tuệ hơn người; Tiểu Long Nữ có nhan sắc tuyệt trần "trong sáng như gương, dịu dàng như ngọc"… Tất cả họ đều có thể nói là mười phân vẹn mười. Tuy nhiên, trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ phân tích các nhân vật nữ trong "Ỷ Thiên Đồ Long ký", tác phẩm tiếp nối sau "Thần điêu hiệp lữ".
Khi nhắc đến "Ỷ Thiên Đồ Long ký", trong lòng của các fan hâm mộ tác phẩm này thì ai mới là mỹ nhân đẹp nhất? Chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Triệu Mẫn, nhân vật nữ chính của "Ỷ Thiên Đồ Long ký". Triệu Mẫn thực chất là một cô gái Mông Cổ, con gái của Nhữ Nam Vương. Vẻ đẹp của nàng được ví như hoa nở, không một cô gái Trung Nguyên nào có thể sánh kịp.
Kim Dung miêu tả về Triệu Mẫn như sau: "Xinh đẹp vô cùng, nhan sắc diễm lệ, mặt sáng như ngọc, mắt trong như nước, nét cười dịu dàng, diễm lệ. Chỉ trong một hai câu nói cũng không thể miêu tả được hết vẻ đáng yêu, thuần khiết và xinh xắn của nàng". Nàng không chỉ xinh đẹp, Triệu Mẫn còn vô cùng thông minh tài trí, mưu mẹo hơn người.
Còn luận về võ công, nhiều ý kiến lại cho rằng Chu Chỉ Nhược mới là mỹ nhân đứng đầu trong số các nhân vật nữ. Chu Chỉ Nhược là mối tình đầu của Trương Vô Kỵ nhưng vì biến cố, hai người lại trở thành kẻ thù của nhau. Là bạn thuở nhỏ với Trương Vô Kỵ, Chu Chỉ Nhược từng được đưa lên núi Võ Đang nhưng không được Trương Tam Phong thu nhận vì là nữ giới.
Chỉ Nhược sau đó theo phái Nga My. Nàng có tính cách hiền lành, chăm chỉ nên được được Diệt Tuyệt Sư Thái yêu mến. Sau này, Chu Chỉ Nhược được Diệt Tuyệt Sư Thái truyền cho chức chưởng môn phái Nga My, yêu cầu nàng tìm được Đồ long đao và Ỷ Thiên kiếm để luyện thành võ công thượng thừa nhằm tiêu diệt Minh giáo.
Chu Chỉ Nhược sau này luyện thành Cửu Âm Chân Kinh, nàng còn sử dụng thành thục Nga Mi Cửu Dương Kinh, Nga Mi Kiếm Pháp và Kim Đỉnh Miên Chưởng. Có thể nói, võ công của nàng vô cùng thâm hậu.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, trong "Ỷ Thiên Đồ Long ký" còn có một nhân vật không được nhắc tới nhiều nhưng độ xinh đẹp cũng như võ công của nàng hơn đứt các nhân vật chính. Đó chính là "người con gái mặc váy vàng" hay còn gọi là Hoàng Sam nữ tử.
Thực ra, Hoàng Sam nữ tử là một biệt danh mà giới giang hồ đặt cho nàng - vì nàng luôn mặc một bộ đồ màu vàng (hoàng). Tên thật của nàng là gì thì không ai biết, chỉ thấy Sử Hồng Thạch gọi nàng là Dương tỷ tỷ. Trong "Ỷ Thiên Đồ Long ký", có lần Trương Vô Kỵ hỏi thì nàng cũng từ chối. Chỉ biết nàng họ Dương, chính là họ của Thần điêu đại hiệp Dương Quá. Khi Trương Vô Kỵ hỏi phương danh của nàng, để ngày đêm ghi nhớ trong lòng, thì Hoàng Sam Nữ Tử chỉ mỉm cười, rồi đọc bốn câu thơ:
"Chung Nam Sơn Hậu,
Hoạt Tử Nhân Mộ.
Thần Điêu Hiệp Lữ,
Tuyệt Tích Giang Hồ."
Một số dị bản của Ỷ Thiên Đồ Long ký có nhắc tới Hoàng Sam nữ tử được miêu tả là cô gái có sắc đẹp thoát tục, khí chất thiên nữ: "Thân hình thướt tha, cao gầy."; "Tóc đen, bóng, mềm mại được vấn cao; không trang sức, không chút phấn son, dáng vẻ tao nhã."; "Lông mày nàng dài và nhạt, tao nhã phong lưu; một nữ tử tinh tế, uyển chuyển như trong tranh vẽ." Qua những từ ngữ này, có thể thấy Hoàng Sam nữ tử sở hữu một vẻ đẹp vượt trội hơn hẳn các mỹ nhân khác.
Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Hoàng Sam nữ tử chỉ xuất hiện duy nhất hai lần. Lần đầu tiên là giúp Sử Hồng Thạch giành lại ngôi vị bang chủ Cái Bang, đồng thời tiết lộ cha mẹ có mối quan hệ thân thiết với bang chủ Cái Bang đời trước. Lần thứ hai là khi đánh bại Chu Chỉ Nhược bằng Cửu Âm Chân Kinh tại đại hội Đồ Sư của Thiếu Lâm Tự.
Chu Chỉ Nhược đã luyện thành công chiêu Cửu Âm Bạch Cốt Trảo, đánh bại hai cao thủ là Du Liên Châu và Ân Lê Đình, đánh lén Trương Vô Kỵ để rồi thuận lợi có được danh xưng "Thiên hạ đệ nhất". Nhưng sau khi Hoàng Sam nữ tử xuất hiện, nữ nhân này đã đánh bại Chu Chỉ Nhược dễ dàng chỉ bằng bằng Cửu Âm Chân Kinh. Từ đây có thể thấy, Hoàng Sam nữ tử chính là mỹ nhân có võ công cao cường nhất trong "Ỷ Thiên Đồ Long Ký".