Sự xuất hiện của những phát ngôn gây thù hận đang xuất hiện trên mạng xã hội. Vấn nạn này không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn vi phạm thuần phong mỹ tục, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, cần có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
|
Một người mẫu Việt livestream chửi rủa tục tĩu bị lên án trên sóng VTV (Ảnh: Chương trình Thời sự 19h VTV1). |
Trong phóng sự, một người mẫu nổi tiếng của showbiz Việt đã bị lên án vì hành vi phản cảm trên mạng xã hội. Người này vì tức tối nhân viên của mình đã lên mạng chửi tục với những lời lẽ không thể tục tĩu hơn.
Nạn nhân của nạn bắt nạt trên mạng dễ thấy nhất là cha mẹ cố ca sĩ Vân Quang Long. Họ vừa phải ôm nỗi đau mất con, vừa bị tấn công trên mạng xã hội nửa năm qua với đủ thứ chuyện thêu dệt. "Không một ngày nào được sống bình yên với những lời xúc phạm, lời vu khống, lời hạ nhục", bà Nhâm Thị Tư - mẹ ca sĩ Vân Quang Long nói.
Bên cạnh đó, còn vô vàn ví dụ khác về các hành vi vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều, và không ít người đã bị cơ quan chức năng triệu tập xử phạt. TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội chia sẻ: "Với mạng xã hội, mỗi người chúng ta giống như là nhân đôi cuộc đời và nếu cả hai cuộc đời mà tràn đầy những lời thóa mạ, công kích, câu nói phản cảm thì cuộc sống đó rất nặng nề".
|
Mẹ ca sĩ Vân Quang Long tâm sự đau xót trong phóng sự của VTV. |
Khảo sát của chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội thời gian qua cho thấy, gần 80% người dùng mạng tại Việt Nam cho biết từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Các biểu hiện cơ bản là: kỳ thị dân tộc, kỳ thị giới tính, kỳ thị tôn giáo, kỳ thị khuyết tật cơ thể, vu khống bịa đặt thông tin, và đặc biệt nói xấu phỉ báng là hình thức phổ biến nhất với tỷ lệ 61,68%.
TS.Phạm Hải Chung - Khoa Báo chí, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội bày tỏ quan điểm: "Đừng nghĩ rằng internet cho chúng ta một hòn đá vô hình mà chúng ta có thể làm quan tòa, có thể bình luận mà không nghĩ tới ảnh hưởng, tác động của người phía bên kia màn hình. Thế giới internet là ảo nhưng tác động của nó rất thực".
Tháng 7/2020, lần đầu tiên Liên minh châu Âu áp dụng các quy định truyền phát chung với các mạng xã hội như: Facebook, YouTube... Theo đó, những nền tảng này phải có biện pháp ngăn chặn các nội dung bị gắn cảnh báo kích động, bạo lực, thù hận… Đây cũng được coi là những biện pháp cần được đẩy mạnh tại Việt Nam. Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nêu hướng xử lý: "Bằng các công cụ công nghệ, ví dụ như thanh lọc và báo động các hành vi mà nó tiêu cực chẳng hạn. Nếu sự cảnh báo không được thì ngăn chặn cũng là giải pháp hiệu quả cần bổ sung".
Tuy nhiên, không có gì ngăn chặn hiệu quả hơn là ý thức của người dùng mạng.