|
Ca sĩ Minh Quân gây ấn tượng đặc biệt khi vào vai Thiên Lôi trong một số chương trình Táo quân. |
Chào ca sĩ Minh Quân, xin hỏi anh đã từng ăn “bún mắng, cháo chửi” chưa?
Ở Hà Nội thì hầu như ai cũng từng thử qua ít nhất một lần “bún mắng, cháo chửi”, còn tôi thì có “thâm niên” 20 năm ăn món “đặc sản” này. Đến giờ thì tôi vẫn thường xuyên ăn “bún chửi” (bún mọc, bún chân giò). Nhưng không phải khách nào người ta cũng chửi, chỉ có những khách yêu cầu này kia hoặc đưa ra nhiều “yêu sách” thì họ cảm thấy bực bội nên nói. Những ai hiểu kiểu “không thèm chấp” thì bỏ qua ăn uống một cách thoải mái, nhưng tôi cũng từng chứng kiến có những khách gây gổ và chửi nhau với người bán hàng.
Có lí do gì để “vừa ăn vừa bị chửi” mà Minh Quân vẫn thưởng thức những món ăn đó?
Thú thật món bún ở đó rất ngon nên tôi thường ăn và cũng là khách quen. Tuy nhiên cũng rất may là Quân chưa bị chửi bao giờ. Không chỉ Quân mà cả bố mẹ cho đến các anh, các em trong nhà cũng không bị chửi. Có khi tôi cũng là một người khách dễ tính, dễ ăn chỉ gọi món và thưởng thức nên không bị chửi mắng lần nào.
Anh có sợ mọi người đánh giá mình nếu chẳng may bị mắng chửi trước nhiều người?
Tất nhiên nếu bị mắng chửi trước đám đông thì ai cũng cảm thấy khó chịu và không bằng lòng rồi. Tôi chưa từng rơi vào trường hợp đó thế nhưng tôi gặp nhiều trường hợp, người bán hàng không thân thiện với người mua hàng, không chỉ “bún mắng, cháo chửi” đâu. Thậm chí, cả một số nơi buôn bán lớn.
|
Ca sĩ Minh Quân. |
Nếu có dịp đi với khách nước ngoài, anh sẽ mời họ đến quán ăn vỉa hè hay nhà hàng sang trọng?
Không chỉ Hà Nội mà cả những vùng miền khác thì các món ăn mang ẩm thực văn hóa thường được bày bán ở vỉa hè. Còn với các hàng quán, có thể sạch đẹp hơn nhưng chưa chắc ăn ngon hơn vỉa hè đâu. Mà không chỉ Việt Nam đâu, ở Hàn Quốc, Nhật Bản hay các nước châu Âu thì những nơi ăn ngon là những quán bình dân, họ mở trong gia đình theo kiểu gia truyền còn khi đã đại trà, “công nghiệp hóa” lên rồi thì không còn những sự riêng biệt ấy nữa.
Tôi đã có dịp mời khách nước ngoài ăn bún chả và một số món ăn vỉa hè. Lúc đầu họ bất ngờ vì họ tò mò. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy những khách nước ngoài ăn mắm tôm, ốc, cháo lòng…
Anh có nhận xét gì khi so sánh “bún mắng, cháo chửi” trong ẩm thực cũng như chiêu trò trong showbiz, lên án đó nhưng vẫn có đất sống?
Tôi thấy 2 điều này không liên quan đến nhau. Bởi vì “bún mắng, cháo chửi” nó là cá tính của người bán hàng chứ không phải họ dựng lên để “diễn”, nhằm tạo sự khác biệt, thu hút sự chú ý.
Có thể vì quán ăn này quá nổi tiếng nên nhiều người sẽ nghĩ, người bán hàng cố “dựng” lên để “câu khách” nhưng tôi đã ăn ở đây 20 năm rồi, từ khi tôi còn nhỏ thì cô bán hàng vẫn với nét tính cách như vậy. Nói thật, so với ngày xưa cô bán hàng còn hiền hơn bây giờ rất nhiều.
Tôi nghĩ rằng chúng ta đến bất kể quán ăn nào đó có lẽ nguyên nhân đầu tiên là vì món ăn ngon, còn việc bị mắng chửi thì ai chấp nhận được thì đến ăn còn ai không chấp nhận được thì thôi.
Còn “chiêu trò” trong showbiz là thứ người ta cố tình tạo nên, dựng lên. Ấy là điểm khác biệt!
Nếu “bún mắng, cháo chửi” xuất hiện trong Táo quân, theo anh sẽ được lột tả như thế nào?
Đây cũng là một ý tưởng hay nếu đưa “bún mắng cháo chửi” vào Táo quân. Tôi sẽ đề xuất ý tưởng này với anh Đỗ Thanh Hải và các anh chị diễn viên. Biết đâu Táo quân năm nay sẽ xuất hiện một màn “bún mắng, cháo chửi” nào đó!
Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!