Lý do khiến Châu Tấn, Trần Khôn thảm bại trước "Diên Hi công lược"

Google News

"Hậu cung Như Ý truyện" và "Hoàng Quyền" là hai tác phẩm được đầu tư, tập hợp dàn diễn viên danh tiếng nhưng lại thất bại khó lường bởi sức nóng của "Diên Hi công lược".

Mùa hè 2018 chứng kiến nhiều sự bất ngờ trên màn ảnh Hoa ngữ khi nhiều bộ phim lớn được trình chiếu như Hoàng Quyền, Hậu cung Như Ý truyện, Phù Dao hoàng hậu, xuất hiện bên cạnh những tác phẩm webdrama có chất lượng tốt như Diên Hi công lược, Sa hải, Mị giả vô cương...
Mùa phim hè năm 2018 cũng chứng kiến sự thất bại bất ngờ của những tên tuổi vốn rất hút khán giả như Đường Yên, Dương Mịch đến những cái tên bảo chứng thực lực như Châu Tấn, Trần Khôn mà nguyên nhân không nằm ở gu thưởng thức của công chúng mà xuất phát từ chính nội dung, dàn diễn viên cũng như điều kiện khách quan khó tránh.
Hào quang của Diên Hi Công Lược
Diên Hi công lược được sản xuất bởi "biên kịch vàng" Vu Chính. Bộ phim sở hữu dàn diễn viên tên tuổi có khả năng diễn xuất như Xa Thi Mạn, Đàm Trác, Tần Lam... Và một nữ chính mới lạ.
Ly do khien Chau Tan, Tran Khon tham bai truoc
Diên Hi công lược kết thúc với 13,3 tỷ lượt xem, tạo nên kỷ lục mới cho các bộ phim chỉ chiếu trên mạng. 
Bộ phim là con hắc mã khó đoán bất ngờ tung hoành khắp mạng xã hội Trung Quốc và kể cả ở Việt Nam. Nội dung hay, dàn dựng tốt, diễn xuất ổn, trang phục đẹp, điều quan trọng nhất là đánh trúng tâm lý khán giả thích những nữ chính kiên cường ăn miếng trả miếng giúp cho Diên Hi công lược tỏa sáng.
Thực chất Diên Hi công lược là tác phẩm được sản xuất sau Hậu cung Như Ý truyện. Nhưng bộ phim lại đến sau đi trước, công chiếu sớm hơn một bước chiếm được thời cơ tạo thành cơn địa chấn và người chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là Hậu cung Như Ý truyện.
Hai bộ phim bối cảnh tương tự, nhân vật tương tự, tất nhiên sẽ dẫn đến so sánh. Điều bất ngờ chính là tác phẩm sinh sau đẻ muộn, không phải đại chế tác lại được đánh giá tốt hơn.
Trong khi Diên Hi công lược được khen ngợi với màu phim, trang phục thanh nhã thì Hậu cung Như Ý truyện mất điểm trầm trọng với những bộ cánh hoa lá màu mè nổi bật không xứng đáng với kinh phí đầu tư 2136 tỷ đồng. Nếu như nữ chính Ngô Cẩn Ngôn tươi mới hoạt bát thì nữ chính Châu Tấn lại bị chê bai là quá già để vào vai thiếu nữ 18 tuổi,...
Ly do khien Chau Tan, Tran Khon tham bai truoc
Dàn hậu cung trang phục màu mè trong Như Ý truyện. 
Không chỉ như vậy, bởi khán giả quá ấn tượng với Diên Hi công lược nên việc các nhân vật có cùng tên tuổi ở hai phim có tính cách hoàn toàn khác biệt khiến không ai kịp hòa nhập. Phú Sát hoàng hậu từ bi thanh tao bỗng trở nên mưu mô thủ đoạn, Kế hoàng hậu là nhân vật phản diện trở thành nữ chính tốt đẹp, Càn Long của Nhiếp Viễn hài hước phóng khoáng nhưng chung tình hoàn toàn trái ngược với Càn Long phong lưu giả dối của Hoắc Kiến Hoa.... đều khiến công chúng gặp phải trở ngại trong việc tiếp cận.
Những nguyên nhân đo đếm được này khiến cho Hậu cung Như Ý truyện không đạt được thành công như mong đợi. Bộ phim chỉ được trình chiếu bản webdrama nhưng lượt xem online mở màn chỉ có 64 triệu với 8 tập phim. Sau 4 năm trời chờ đợi, thêm vào đó là thời gian dài khiến khán giả thấp thỏm bởi những tin đồn thót tim về việc bị cắt, bị cấm chiếu, Hậu cung Như Ý truyện có khởi đầu bị đánh giá là quá tệ.
Không phải chịu so sánh trực tiếp giống Hậu cung Như Ý truyện, nhưng Hoàng Quyền của Trần Khôn cũng gặp thất bại lớn trở thành bộ phim có rating giờ vàng thấp nhất lịch sử đài Hồ Nam. Đặt bên cạnh một Diên Hi công lược có nội dung dễ hiểu có hài có bi, có cao trào không cần quá mưu mô xảo quyệt là một Hoàng Quyền tình tiết lê thê, nội dung phức tạp, không khí âm trầm.
Trong khi đa phần khán giả mong muốn một bộ phim có tính giải trí cao thì Hoàng Quyền lại hướng tới một bộ phận nhỏ hơn yêu thích một tác phẩm được dàn dựng tỉ mỉ, mang màu sắc điện ảnh, cần thời gian để nghiền ngẫm. Để rồi khi kiên nhẫn của khán giả dùng hết mà vẫn chưa thấy được cao trào của phim, công chúng sẽ tự bỏ đi.
Ly do khien Chau Tan, Tran Khon tham bai truoc
Hoàng Quyền khiến khán giả khó chịu vì tình tiết khô cứng, dài dòng. 
Vì vậy sau khi phát sóng hơn 2 tuần với 23 tập phim, lượt xem online của Hoàng Quyền mới dừng lại ở 630 triệu, rating truyền hình dao động ở khoảng 0,3. Quan trọng là danh tiếng của phim rất kém nhận nhiều lời chê bai về diễn xuất cũng như nhịp phim và hoàn toàn bị lu mờ bởi phim Diên Hi công lược.
Châu Tấn, Trần Khôn không cứu được bạn diễn
Tuyến tình cảm trọng tâm của Hậu cung Như Ý truyện là mối tình thanh mai trúc mã của Như Ý do Châu Tấn thủ vai và Càn Long do Hoắc Kiến Hoa diễn. Cặp đôi thể hiện tình cảm thân thiết khi còn niên thiếu rồi trải qua sóng gió nhiều năm trong Tử Cấm Thành để tìm ra chân lý về tình yêu mà mỗi cá nhân theo đuổi.
Thế nhưng sự khác biệt về tuổi tác, khả năng diễn xuất của Hoắc Kiến Hoa và Châu Tấn lộ ra quá sớm. So với một Châu Tấn thâm tình trong từng cái nghiêng đầu, dụi mặt, ghé tai thì Hoắc Kiến Hoa diễn khá thô, thiếu sự tinh tế.
Mặc dù theo nguyên tác, Càn Long của Hoắc Kiến Hoa không phải chàng trai chung tình, nhưng giữa hai nhân vật chính vẫn có tình cảm và nếu không phải là yêu thì cũng có phần thích, đặc biệt là khi họ còn trẻ.
Nhưng rõ ràng khán giả không cảm nhận thấy điều đó ở Hoắc Kiến Hoa khi diễn tay đôi với Châu Tấn. Càn Long của Hoắc Kiến Hoa vừa vô hồn lại tự ti hèn mọn dường như cố phụ tấm chân tình của Thanh Anh cách cách ngay trong những phân cảnh đầu tiên.
Không chỉ về diễn xuất, ngoại hình của hai diễn viên cũng gặp trở ngại lớn. Khoảng cách tuổi tác giữa Châu Tấn và Hoắc Kiến Hoa chỉ có 5 tuổi, nhưng ngoại hình già dặn, làn da chảy xệ của Châu Tấn kết hợp với giọng nói trầm khàn chậm rãi khiến cô giống như mẹ của Hoắc Kiến Hoa. Nam diễn viên cũng không thể kết hợp tốt với phần còn lại của hậu cung khiến khán giả có cảm giác anh hoàn toàn bị vùi lấp.
Cùng chung vấn đề với Hậu cung Như Ý truyện là Hoàng Quyền của Trần Khôn và Nghê Ni. Cặp đôi là hai diễn viên được đánh giá cao ở mảng điện ảnh, quay trở lại cùng kết hợp trong một bom tấn truyền hình được khán giả chờ đợi. Thế nhưng cách diễn của cả hai lại không ăn nhập với nhau.
Hai nhân vật Ninh Dịch (Trần Khôn) và Phượng Tri Vi (Nghê Ni) gặp nhau giữa vòng xoáy của trò chơi quyền lực chốn cung đình. Họ không chỉ sớm quen biết mà còn thấu hiểu lẫn nhau là tri âm tri kỷ vượt qua sóng gió. Nhưng thay vì những phân đoạn yêu đương ngọt ngào ấm lòng giữa cung cấm thì khán giả lại phải theo dõi những âm mưu giấu kín, những lời thoại dài lê thê và tình tiết chậm chạp trong Hoàng Quyền. Kịch bản bị sửa đổi khiến cho mối quan hệ tình cảm của hai nhân vật trở thành yếu tố phụ nhỏ nhoi thưa thớt trong một bộ phim nặng nề.
Hoàng Quyền còn tràn ngập không khí buồn bã tiêu điều với xoay quanh những nhân vật nam già cả, nói nhiều, cùng với màu sắc u tối trầm buồn ảnh hưởng đến tâm trạng của người xem.
Những tình tiết như vậy không phù hợp với những khán giả theo dõi trên mạng. Khán giả mạng yêu thích những tác phẩm có tình tiết nhanh, nhân vật hành động gọn gàng dứt khoát đem lại cảm giác thoải mái, sảng khoái.
Thêm vào đó là sự khác biệt giữa điện ảnh và truyền hình khiến cho khán giả vốn đặt kỳ vọng cao vào diễn viên cảm thấy hụt hẫng. Trong điện ảnh, những yếu tố như góc quay, phục trang, biểu cảm chi tiết được đánh giá cao, khán giả thích thú với hơn 2 tiếng tràn đầy nghệ thuật.
Nhưng một bộ phim truyền hình kéo dài hơn 50 tập thì cần nội dung phải có nhiều cao trào, phân phối tốt từ khi mở đầu, dẫn dắt đến kết thúc. Chắc chắn, khán giả không thể chờ đến tập 20 hoặc 30 của một tác phẩm mới được xem những nội dung thu hút có tính quyết định.
Các nhà sản xuất cũng không thể chỉ dựa vào danh tiếng của dàn diễn viên để cứu vớt một bộ phim mà thay đổi kết cấu truyện như Hoàng Quyền đã làm. Từ một bộ phim nữ chủ, đáng ra vai trò chính xoay quanh nhân vật của Nghê Ni lại biến thành một tác phẩm nam chủ khô khan, tăng đất diễn của các nhân vật phụ khiến cho Hoàng Quyền dù được đánh giá chất lượng trên douban hơn 7.0 nhưng vẫn không đạt được danh tiếng tương xứng.
Theo Thủy Linh/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)