Xã hội hiện đại, vấn đề tình yêu và hôn nhân đồng giới cũng nhận được nhiều cái nhìn thiện cảm, cởi mở hơn. Đặc biệt, những cặp đôi đồng tính trong showbiz ngày càng được nhiều người quan tâm, ủng hộ.
John Huy Trần và bạn trai đồng tính đã có gần 10 năm gắn bó. Mong muốn xây dựng một tổ ấm, một đám cưới hạnh phúc không phải là điều xa vời với cả hai nhất là khi cặp đôi nhận được sự ủng hộ từ phía dư luận. Hay như Lệ Nam và Bảo Thy, 2 năm hẹn hò, trải qua không ít sóng gió, thậm chí tưởng như tan vỡ sau ồn ào tố nhau trên Facebook, cuối cùng cặp đôi vẫn ở bên nhau và mong muốn gắn bó dài lâu.
Với MC Ngọc Trang, từng kết hôn và có một cậu con trai riêng, việc Ngọc Trang bất ngờ công khai giới tính thật và người tình đồng giới Lin Jay khiến nhiều người không khỏi sốc. Thời điểm mới công khai, có không ít ý kiến phản đối nữ MC. Tuy vậy, sau tất cả, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Ngọc Trang bên người tình đồng giới kém cô 8 tuổi là minh chứng rõ nhất cho tình yêu của hai người.
Mới đây MC Ngọc Trang còn gây sốt khi tung ra bộ ảnh cưới như mơ cùng người tình đồng giới. Hiện nữ MC xinh đẹp đã sống chung cùng Lin Jay được 2 năm.
|
Ảnh cưới xinh lung linh của MC Ngọc Trang và Lin Jay. (Ảnh: Vietnamnet) |
Nói vậy để thấy, tình yêu trong thế giới thứ 3 luôn hiện hữu. Giống như bao người khác, những người đồng tính cũng cần sự yêu thương, sẻ chia và họ có quyền được hưởng hạnh phúc.
Ngày càng nhiều cặp đôi đồng tính công khai hẹn hò. Nhiều cặp đôi đã tổ chức đám cưới, hướng đến cuộc sống gia đình bền vững. Hiện trên thế giới đã có 23 quốc gia chính thức công nhận hôn nhân đồng giới. Tại Việt Nam, vấn đề này cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Không ít người thắc mắc, liệu những người như MC Ngọc Trang và Lin Jay, John Huy Trần và bạn trai cũng như các cặp đôi đồng tính khác có được thừa nhận khi kết hôn, làm đám cưới?
|
MC Ngọc Trang và người yêu đã có 2 năm chung sống trước khi tung ra bộ ảnh cưới. (Ảnh: Vietnamnet) |
>>>> Video: Lâm Vinh Hải lên tiếng về tin đồn đồng tính, cặp kè John Huy Trần:
Chia sẻ về vấn đề hôn nhân đồng tính, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh cho biết: "Hiện tại việc kết hôn giữa những người cùng giới tính không bị cấm nhưng không được thừa nhận ở Việt Nam. Nghĩa là những người cùng giới tính có thể tổ chức đám cưới, sống chung cùng nhau nhưng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra".
Nói về xu hướng hôn nhân đồng giới đang được nhiều nước trên thế giới công nhận, luật sư Nguyễn Anh Thơm chia sẻ quan điểm: "Hôn nhân đồng giới là chuyện bình thường trên thế giới hiện nay. Ở Việt Nam, khi xã hội ngày một phát triển, văn hoá, nhận thức của người dân về vấn đề này có những thay đổi thì cũng nên xem xét lại. Đến một lúc nào đó, theo tôi nên cho phép hôn nhân đồng giới. Hơn hết, những người đồng tính họ có quyền được hưởng hạnh phúc và được thừa nhận mối quan hệ này".
LS Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật sư Interla: Hôn nhân đồng giới đang dần được “thừa nhận”
PV: Thưa luật sư, xin luật sư cho biết pháp luật Việt Nam quy định thế nào về hôn nhân đồng tính và hiện tại Việt Nam đã thừa nhận hôn nhân đồng tính hay chưa?
- Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định về vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính (hôn nhân đồng giới) có sự thay đổi qua các thời kì:
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2000 thì pháp luật cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính (Khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân gia đình 2000). Cũng theo quy định tại giai đoạn này thì hành vi kết hôn giữa những người cùng giới tính có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng theo Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP của Chính phủ.
Đến Luật Hôn nhân và gia đình 2014, pháp luật không còn quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính mà theo quy định tại khoản 2 Điều 8 thì: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Như vậy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 không còn nghiêm cấm việc kết hôn đồng giới nhưng nhà nước cũng chưa thừa nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính. Điều này có nghĩa là theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình Việt Nam hiện tại thì những người đồng giới không thể đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền, các cặp đôi đồng giới không được cấp chứng nhận kết hôn. Những người đồng giới có thể tổ chức đám cưới để công bố với mọi người về mối quan hệ của họ nhưng việc chung sống bị mất đi nhiều quyền lợi như các cặp vợ chồng được luật pháp công nhận.
Việc bỏ quy định nghiêm cấm kết hôn đồng tính là một điểm hoàn toàn mới và có thể coi là một bước tiến mới trong hệ thống pháp luật nước ta nói chung và trong Luật Hôn nhân và gia đình nói riêng bởi: Quy định này loại bỏ được phần nào những mặc cảm xã hội của những người đồng tính, giúp giảm bớt áp lực xã hội lên bố mẹ, giảm căng thẳng trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái và một phần nào đó giúp xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới.
Với những cá nhân, tổ chức ủng hộ hôn nhân đồng giới thì việc xóa bỏ đi quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính sẽ là tiền đề để tiến tới thừa nhận hôn nhân đồng giới trong tương lai.
PV: Vậy Luật sư có quan điểm như thế nào về vấn đề hôn nhân đồng giới?
- Kể từ khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được thông qua và có hiệu lực với việc bỏ đi quy định về nghiêm cấm kết hôn đồng giới thì đã có nhiều cuộc thảo luận, trao đổi về việc công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng giới.
Theo quan điểm của tôi, việc công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng giới ở Việt Nam cần phải được xem xét kỹ trên nhiều phương diện: đạo đức, tập quán, văn hóa và pháp luật.
Có ý kiến cho rằng hôn nhân đồng giới không phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam, không phù hợp quy luật sinh học và không bảo đảm chức năng gia đình về duy trì nòi giống. Điều này xuất phát từ nền tảng nước ta là một nước Á Đông, còn nặng về vấn đề tư tưởng trong hôn nhân, gia đình, việc sinh con để duy trì nói giống đã trở thành hình ảnh gia đình ăn sâu vào trong tiềm thức của người Việt Nam vì vậy không dễ dàng thay đổi được một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế vì mặc dù pháp luật chưa thừa nhận nhưng nhiều cặp đôi đồng giới đã chung sống hạnh phúc với nhau. Việc công nhận hôn nhân đồng giới trong tình huống này thực chất là hợp pháp hóa hôn nhân thực tế của những người đồng giới. Việc thừa nhận hôn nhân đồng giới sẽ mang lại cho từng cá nhân cảm giác an toàn về mọi khía cạnh của cuộc sống chung.
Không giống như trước đây, hiện tại, xã hội Việt Nam cũng đã có cái nhìn thiện cảm hơn về mối quan hệ đồng giới. Vì vậy, xét theo khía cạnh xã hội thì hôn nhân đồng giới phần nào đó đang dần được “thừa nhận”.
Xét về mặt pháp lý, việc cho phép và công nhận hôn nhân đồng giới không đơn giản đưa ra một quy định trong Luật hôn nhân và gia đình mà còn phải xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định khác của hệ thống pháp luật nên cần một lộ trình và thời gian nhất định. Dù công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng giới, pháp luật cũng cần có quy định thích hợp để giúp những người kết hôn đồng giới giải quyết ổn thỏa các hậu quả pháp lý của việc sống chung này (vấn đề tài sản, con cái...) nhằm góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các bên và sự ổn định của xã hội.
Từ những thay đổi trong quy định của pháp luật, có thể thấy việc thay đổi từ “cấm” kết hôn sang “không thừa nhận” kết hôn giữa những người cùng giới tính cũng là một bước tiến khá lớn và khả quan của Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, tạo cơ sở để dần dần thay đổi nhận thức xã hội về vấn đề này đồng thời để bảo đảm quyền và lợi ích cơ bản nhất cho những người kết hôn đồng giới.