Hương Lan dùng từ điển nói chuyện với con dâu Mỹ

Google News

Danh ca Hương Lan là mẹ chồng của hai nàng dâu ngoại quốc, nên thường trò chuyện với các con bằng tiếng Anh, đôi lúc phải nhờ phần mềm phiên dịch.

- Cuộc sống trong gia đình có hai nàng dâu ngoại quốc của danh ca Hương Lan đặc biệt thế nào?
- Tôi có con dâu út là nha sĩ, người Hàn Quốc. Nàng dâu cả Laura là người Mỹ, hiện sống cùng gia đình tôi.
Chồng của Laura phục vụ trong quân đội nên thường ngày con dâu ở nhà với chúng tôi. Mọi người đều háo hức mong chờ thành viên mới ra đời vì Laura đang mang bầu, dự sinh tháng 5.
Vợ chồng con trai út sống riêng. Thỉnh thoảng chúng tôi tới thăm thấy hai đứa hạnh phúc, biết chăm lo cho nhau là yên tâm rồi chứ không tìm hiểu sâu. Nàng dâu này gốc Hàn, sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Tuy không biết tiếng Hàn Quốc nhưng con có những nét tính cách đặc trưng của người châu Á như yêu thích nội trợ, đi làm về là lo cho chồng...
Tôi nghĩ hạnh phúc quan trọng nhất. Con dâu là người nước nào cũng được. Vì đó là lựa chọn và là cuộc đời của các con tôi, chứ không phải tôi. Tôi chỉ dạy con và mong con trở thành những người đàn ông tốt, biết yêu thương và có trách nhiệm với con cái. Là cha mà không thương con, không hết lòng chăm sóc con cái thì với tôi, đó không phải người tốt.
Huong Lan dung tu dien noi chuyen voi con dau My
Vợ chồng danh ca Hương Lan (trái) trong lễ cưới con trai lớn.
- Bà và các con dâu giao tiếp thế nào?
- Thú thực, tôi không giỏi tiếng Anh. Năm 1978, khi rời quê hương sang Pháp, tôi sống thời gian dài tại đây nên tiếng Pháp thông thạo. Lúc qua Mỹ, vì chủ yếu làm việc trong cộng đồng người Việt nên tiếng Anh hạn chế.
Giờ có con dâu người Mỹ, thỉnh thoảng Laura dạy tôi và chỉnh sửa mỗi khi tôi nói sai. Tôi rất vui vì điều này. Những lúc hai mẹ con không hiểu ý nhau, tôi dùng phần mềm phiên dịch trong điện thoại để trao đổi những thông tin cần thiết.
Laura cũng đang học tiếng Việt để sau này dạy cho cháu. Trước đây khi hai con trai tôi còn nhỏ, tôi cũng yêu cầu con nói tiếng Việt ngay khi rời trường trở về nhà. Vậy nên dù lớn lên ở nước ngoài, hai con vẫn "dạ", "thưa", nói chuyện lễ phép.
- Bà chăm nàng dâu Tây mang bầu theo cách của người Việt hay người Mỹ?
- Hiện Laura chủ động về dinh dưỡng. Tôi chỉ chia sẻ với con những cách ăn uống lợi sữa và tăng đề kháng cho mẹ sau khi sinh. Con dâu tôi rất mê các món Việt Nam và con cũng nấu các món Mỹ đãi cả nhà. Không khí gia đình luôn đầm ấm, vui vẻ vì hai mẹ con thương yêu nhau.
- Đại gia đình danh ca Hương Lan thường sum họp đông đủ trong những dịp nào?
- Dịp cuối tuần, nếu tôi không bận đi hát thì sẽ tổ chức ăn uống. Ngoài các thành viên trong nhà còn có thêm 1-2 người bạn tới dùng bữa, trò chuyện, xem phim...
Tôi thường nấu lẩu mắm, lẩu Thái, bún nước lèo cho mọi người. Khi thì những người bạn của ông xã tới góp vui, lúc lại là vài đồng nghiệp nghệ sĩ của tôi đến tụ họp. Hôm nay vừa nghe thông báo về Covid-19, chính phủ khuyến cáo không tụ tập đông người, vậy là tôi lại nghỉ hát...
Những khi có show gần nhà, tôi cho vợ chồng Laura đi xem. Mặc dù không hiểu mẹ hát gì, con dâu tỏ ra rất thích thú.
"Tha thứ là cần thiết trong cuộc sống lứa đôi"
- Ở tuổi 64, đâu là niềm vui của bà ngoài âm nhạc?
- Cách đây 30 năm, ông xã tôi làm chủ và là kỹ sư chính của cửa hàng gia công phụ tùng cho máy bay. Anh rất giỏi và kiên nhẫn. Cuối tuần tôi đi hát phòng trà, anh đi theo đón đưa. Có khi đi hát xa, anh tiễn ra phi trường rồi về cùng con đi học võ, đi hồ trượt nước...
Chồng dạy con mọi thứ còn tôi làm nội trợ, chăm sóc gia đình bên cạnh việc ca hát. Sau này khi anh nghỉ hưu, chúng tôi tậu mảnh vườn rộng 12 mẫu ở Bình Phước và một căn hộ ở An Phú Đông, TP HCM. Ông xã ở lại chăm sóc vườn cây còn tôi ở Mỹ, thỉnh thoảng về Việt Nam hát.
Những năm gần đây, sức khỏe của tôi không tốt nên ông xã theo tôi sang Mỹ. Những dịp tôi đi diễn xa, anh cũng đi theo. Tại Mỹ, chúng tôi cất căn nhà có ba phòng ngủ với vườn rộng để trồng rau, cây ăn trái.
Chồng tôi có "hoa tay", tự sửa nhà và xây thêm một phòng lớn cho tôi. Anh trồng hoa, cây trái, rau xanh các loại... Tổ ấm của chúng tôi nhỏ bé nhưng ấm cúng và rất Việt Nam.
- Bí quyết nào giúp bà giữ tổ ấm vẹn tròn sau thời gian chung sống?
- Ông bà mình có câu "chín bỏ làm mười" cũng như Chúa đã nói "Tha thứ không phải 7 lần, mà phải tha thứ 70 lần 7". Là con người, tha thứ là điều cần thiết, đặc biệt trong cuộc sống lứa đôi.
Ông xã tôi không phải người hoàn hảo. Anh cũng có lúc bay bướm nhưng với các con tôi, anh là người cha tốt. Anh đã yêu thương, chăm sóc các con tôi như con ruột. Bởi vậy mà chúng tôi giữ được hạnh phúc gia đình.
Riêng với tôi, có lúc anh làm tôi buồn nhưng sau đó, như bao phụ nữ khác, tôi phải tha thứ khi chồng biết lỗi. Tha thứ để còn có nhau. Tha thứ cho người cũng để cho mình có được niềm vui. Tôi nghĩ hạnh phúc không tự nhiên mà có. Thành công nào cũng trải qua sóng gió. Giá trị của hạnh phúc và thành công là ở chỗ đó. Nhiều người còn gọi vui là "thú đau thương"...
- Chuyện "bay bướm" của ông xã bà là thế nào?
- Chồng tôi không thích nhắc chuyện đã qua. Đàn ông mà! Họ làm sai, biết lỗi rồi, đã tha thứ thì không nên nhắc nữa.
- Bà cảm nhận tình yêu thay đổi thế nào kể từ ngày đầu bước vào hôn nhân cho tới nay?
- Lúc còn trẻ thì sôi nổi, nóng nảy hơn nhưng hiện tại biết ngẫm nghĩ và tha thứ mỗi khi một trong hai có lỗi lầm.
Hiện chúng tôi đã là ông bà, có con dâu, cháu nội... Tháng 12/2019, vợ chồng tôi cùng 69 cặp đôi được cha Nguyễn Sang tổ chức lễ hấp hôn tại Nhà thờ Ba Giồng ở Mỹ Tho để luôn nhắc nhở nhau rằng mình đang có một mái ấm. Chúng tôi đã đi cùng nhau 31 năm. Một gia đình nhỏ tràn đầy tình yêu thương của Thiên Chúa, phải cố gắng gìn giữ cho đến cuối đời.
Sống với nhau trên 30 năm không phải là chuyện dễ dàng vì giữa chúng tôi không có con chung, nghĩa là không phải sống vì con nhưng cái tình, cái nghĩa đi đôi chứ không chỉ là tình yêu cuồng nhiệt như thời gian đầu mới gặp nhau. Có lần buồn, giận, chúng tôi cũng hỏi là "vậy mình xa nhau nhé?". Câu trả lời ngay là "không xa nhau".
Theo Ngoisao.net

>> xem thêm

Bình luận(0)