“Hậu duệ mặt trời” Việt hóa: Khán giả can đừng dại đụng vào

Google News

Sau thành công của “Cô Ba Sài Gòn”, đạo diễn Trần Bửu Lộc đã lên kế hoạch để Việt hóa tác phẩm truyền hình nổi tiếng của xứ Hàn “Hậu duệ mặt trời”.

Phim Hàn giữ kỷ lục Việt hóa
Hậu duệ mặt trời” được đánh giá là tác phẩm truyền hình thành công nhất trên màn ảnh Hàn Quốc năm 2016. Sau khi công chiếu, bộ phim không chỉ tạo nên cơn sốt mạnh mẽ tại xứ sở kim chi mà còn nhanh chóng lan sang nhều quốc gia châu Á khác.
Với doanh thu và lượng người xem kỷ lục cũng đồng thời đưa dàn diễn viên của phim trở thành những ngôi sao lớn. Cặp đôi nam nữ chính là Đại uý Yoo Shi Jin (Song Joong Ki) và nữ bác sĩ Kang Mo Yeon (Song Hye Kyo) sau đó còn biến câu chuyện tình yêu trên phim thành cái kết đẹp ngoài đời bằng một đám cưới trong mơ, góp tên vào danh sách những cặp đôi quyền lực nhất Hàn Quốc.
Phim “Hậu duệ mặt trời” thành công vì chọn được dàn diễn viên có diễn xuất tốt và hình ảnh đẹp. Ảnh: TL 
Với sức nóng ngoài sức tưởng tượng, nhiều quốc gia đã mua bản quyền để làm lại như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Nhất là thời điểm mà trào lưu remake (làm lại) đang khá “hot”, không chỉ ở dư luận mà còn ở doanh thu phòng vé.
Theo tiết lộ ban đầu của đạo diễn Trần Bảo Lộc, phiên bản truyền hình Việt hóa của “Hậu duệ mặt trời” sẽ là bộ phim tràn đầy cảm hứng về thế hệ trẻ, sống, chiến đấu vì lý tưởng và tình yêu quê hương đất nước. Ngoài ra, chưa có thêm bất cứ thông tin nào được tiết lộ. Diễn viên nào được chọn hiện vẫn còn là một ẩn số khó đoán.
Xu hướng Việt hóa các bộ phim nổi tiếng của nước ngoài không chỉ vì sự thành công của bản gốc mà còn bởi, kịch bản của Việt Nam vốn được cho là khá “đói” và nghèo nàn. Việc mua kịch bản khiến cho các nhà sản xuất yên tâm hơn về mặt nội dung, lại dễ gây hiệu ứng về mặt truyền thông, PR cho phim.
Tại Việt Nam còn có hẳn một dòng phim Hàn Quốc được các đạo diễn tập trung khai thác, như: “Miss Granny” (Em là bà nội của anh), “Sunny” (Tháng năm rực rỡ), “Người đẹp ngàn cân”, “Yêu đi đừng sợ”, “Yêu em bất chấp”... Trước đó nữa là các phim truyền hình: “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Cầu vồng tình yêu”...
Phần lớn các phim đều tạo được hiệu ứng tốt với khán giả. Đơn cử như “Em là bà nội của anh”, bản Việt của “Miss Granny” Hàn Quốc đã thu về 102 tỷ đồng, giữ thành tích phim Việt ăn khách nhất trong lịch sử phim Việt hóa.
“Tháng năm rực rỡ” (chuyển thể từ phim “Sunny”) sau 1 tháng công chiếu đã thu về con số khá ấn tượng là 84 tỷ đồng (tính đến ngày 6/4). Với phim truyền hình “Cầu vồng tình yêu”, được chuyển thể từ kịch bản phim truyền hình “Vinh quang gia tộc” nổi tiếng của Hàn Quốc, đã tạo nên một cơn sốt trong năm 2013.
Dễ đi vào “vết xe đổ” của “Ngôi nhà hạnh phúc”?
Tuy nhiên, với “Hậu duệ mặt trời” lại được đánh giá là khó có được những thuận lợi như các phim Việt hóa trước đó. Bởi khá nhiều phim mua lại bản quyền đều chỉ được một bộ phận nhỏ khán giả biết đến. Thế nên, khi phim ra mắt, dù quen nhưng vẫn tạo được sự mới mẻ với khán giả và hạn chế được sự so sánh của khán giả. Chưa kể, nó là nhân tố thu hút khán giả rất tốt, dựa vào hiệu ứng (truyền thông) đã có của bản gốc.
Trong khi đó, “Hậu duệ mặt trời” đã được phổ biến rộng rãi sẽ là một bất lợi không nhỏ cho nhà sản xuất. Vì vậy mà ngay khi tiết lộ Việt hóa, phần lớn khán giả đều can ngăn đạo diễn “không nên phá vỡ cảm xúc của khán giả, bản gốc đã quá hay và quá được yêu thích rồi, làm lại sẽ rất khó vượt qua”.
Họ cũng cho rằng, bản gốc hay là vì sự diễn xuất của cặp đôi Song - Song quá đẹp, phim cũng được đầu tư kinh phí lớn lên đến 10,8 triệu USD để có những cảnh quay hoành tráng của người lính với các phương tiện chiến đấu hiện đại. Mà điều này, ở Việt Nam lại rất khó để thực hiện.
Điều này cũng từng xảy ra với phim “Ngôi nhà hạnh phúc”. Trước khi Việt hóa, phim cũng được rất nhiều đài truyền hình trong nước công chiếu nên khi làm lại, bộ phim được coi là một thất bại của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Từng chi tiết, hành động của phim đều bị khán giả nhặt sạn, săm soi từng lỗi nhỏ.
Thậm chí, ngay cả fan của Minh Hằng và Lương Mạnh Hải cũng đều không hài lòng về diễn xuất của thần tượng trong phim. Diễn xuất của nữ chính là Minh Hằng bị chê vô duyên, cứng, trong khi diễn xuất của Song Hye Kyo dù bướng bỉnh nhưng vẫn giữ được nét đáng yêu, nữ tính. Vai nam chính Vương Hoàng của Lương Mạnh Hải bị đánh giá quá điệu đà, trong khi bản gốc do ca sĩ Bi Rain thủ vai lại vô cùng nam tính, cuốn hút.
Sắp tới, một loạt các phim chuyển thể Hàn Quốc khác sẽ tiếp tục được các đạo diễn remake như: “Cô nàng ngổ ngáo”, “Ông ngoại tuổi 30”, “Luck-key”. Đây đều là những tác phẩm đã tạo nên sức hút ở thị trường Hàn Quốc.
Mặc dù các phim này đều có sự Việt hóa với phiên bản cũ để hợp với văn hóa, thị trường, xu hướng thời đại nhưng cái gì nhiều quá cũng sẽ dễ thành “ăn xổi”, hướng đến doanh thu tức thời nhiều hơn là hướng đến một nền điện ảnh phát triển lâu dài, mang đậm dấu ấn và bản sắc dân tộc.
Đây là điều mà NSND - đạo diễn Đào Bá Sơn đã cảnh báo tại cuộc hội thảo trong khuôn khổ Cánh diều vàng 2018 vừa qua khi đánh giá về dòng phim remake: “Không chấm giải phim remake vì sự sáng tạo gần như không có. Thậm chí nhiều phim remake bắt chước phim gốc đến cả góc quay, tạo hình nhân vật. Mặc dù khán giả có nhiều lựa chọn hơn nhưng về mặt học thuật thì phim remake có thể ví như bản photo”.

Lý do Việt hóa nhiều phim Hàn Quốc, theo các đạo diễn là bởi, truyền thống văn hóa của Hàn có sự gần gũi với Việt Nam, đề cao các mối quan hệ gia đình, truyền thống đạo lý… Chỉ cần Việt hóa đi một chút là khán giả đã thấy vấn đề xã hội, gia đình, bản thân mình trong đó.

Theo Tuấn Kiệt/Giadinh.net

>> xem thêm

Bình luận(0)