>>> Mời quý độc giả xem video "Con gái cố nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ về cha". Nguồn Youtube: |
|
Theo đạo diễn Huyền Lâm, vợ cố nhạc sĩ An Thuyên cho biết: "Tiền không phải lý do chúng tôi rút, mà vì chúng tôi có cảm giác, mình tự làm sẽ hay hơn”.
|
Gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên trong buổi gặp gỡ báo chí chiều 12/4. Ảnh VOV |
Rút khỏi thành viên VCPMC có là "chuyện lạ"?
Trao đổi với Dân Việt về việc gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên rút ủy thác khỏi thành viên VCPMC, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn- Giám đốc Trung tâm cho biết: “Chuyện có một nhạc sĩ nào đó rút ra khỏi VCPMC đã từng có trước đây và cũng là chuyện rất bình thường, vì đấy là tài sản của tác giả. Hơn nữa, khi gia đình nhạc sĩ An Thuyên thành lập công ty và có thể thực hiện được toàn bộ những gì liên quan đến quyền tác giả mà không cần VCPMC, thì đó là điều rất mừng. Lúc sinh thời, nhạc sĩ An Thuyên ủy thác cho VCPMC còn khi mất đi thì quyền thừa kế thứ nhất thuộc về vợ và các con của nhạc sĩ, nên khi gia đình có đủ lực để làm chuyện đó, chúng tôi lấy làm mừng vì đó là tài sản của họ. Tuy nhiên, khi là thành viên của VCPMC thì VCPMC phải có trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh, còn khi đã rút khỏi VCPMC thì đó là chuyện của gia đình”.
VCPMC sử dụng hệ thống phần mềm lưu trữ Cisnet và Mis@asia, đồng thời đăng ký thông tin thành viên IPI (Interested Parties Information) lên SUISA - Trung tâm IPI đặt tại Thụy Sỹ. Đây là các hệ thống phần mềm tương tác giúp Trung tâm cập nhật, lưu trữ, tra cứu dữ liệu tác phẩm/tác giả Việt Nam và quốc tế, đồng thời là cơ sở giúp cho các tổ chức bản quyền trên thế giới tra cứu, tìm kiếm thông tin về tác giả, tác phẩm trong quá trình cấp phép sử dụng và phân phối tiền tác quyền.
Tuy nhiên, phía gia đình nhạc sĩ An Thuyên cũng đưa ra thắc mắc về việc họ không được biết rõ, những ai - đơn vị nào đang dùng tác phẩm của cố nhạc sĩ ở đâu, như thế nào và cho rằng “VCPMC tỏ ra lạc hậu” trong việc đo đếm tần suất sử dụng tác phẩm ở thời đại công nghệ số.
Về vấn đề này, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Trước đây, mỗi quý, VCPMC sau khi chuyển tiền cho các tác giả vào tài khoản, hoặc các tác giả trực tiếp lĩnh tiền tại VCPMC thì đều nhận được bản kê chi tiết tác phẩm, tần suất sử dụng, địa điểm sử dụng, hình thức sử dụng, số tiền... Tuy nhiên, mỗi tác giả có khi nhận bản kề dầy cả tập nên sau này các thành viên VCPMC thống nhất quan điểm nếu ai cần đối soát sẽ yêu cầu VCPMC in bảng kê chi tiết chứ không in tất cả như trước kia.
|
Hình ảnh hệ thống lưu trữ hiệnr thị các tác phẩm của cố nhạc sĩ An Thuyên, tần suất sử dụng và tác quyền. |
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết thêm: “VCPMC là một đơn vị đại diện quản lý tập thể nên quyền lợi mang lại cho các nhạc sĩ là có thể nhìn thấy rõ ràng. Nếu đơn cử đêm nay bài hát của nhạc sĩ An Thuyên được hát trong khán phòng karaoke vang lên từ Bắc tới Nam, hay được biểu diễn ở một tỉnh nào đó xa Hà Nội, kể cả việc gia đình biết được chuyện đó thì việc đi đòi quyền tác giả sẽ khó thực hiện được.
Tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong chuyện này. Các tổ chức bảo vệ quyền tác giả là tinh hoa của thế giới đã được đúc rút kinh nghiệm hơn 2 thế kỷ, còn ở Việt Nam mới là những khởi đầu đi theo quy trình đó với các công ước quốc tế mà Việt Nam cam kết. Thời gian qua có rất nhiều trung tâm, nhiều công ty kinh doanh âm nhạc nổi lên, nhiều nhạc sĩ cũng đã rút khỏi VCPMC. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều nhạc sĩ sau một thời gian rời khỏi VCPMC đã quay lại ủy quyền cho VCPMC thực hiện và chúng tôi mở rộng vòng tay chào đón sự trở lại vì chúng tôi cũng chỉ mong làm những điều gì tốt nhất cho bản quyền Việt Nam”.
Rút khỏi VCPMC liệu có đi ngược thời đại?
Là 1 trong 200 tác giả đầu tiên ký với VCPMC, nhạc sĩ Trần Minh Phi cho rằng: “Việc ký kết với VCPMC hay rút khỏi VCPMC cũng là chuyện bình thường vì đó là quyền tự do của mỗi người. Tuy nhiên, trong thực tế bản thân tôi nghĩ, một cá nhân đi đòi tác quyền sẽ rất hạn chế bởi sẽ không bao quát được vấn đề, không có thời gian và không có một bộ phận chuyên môn để thực hiện một cách bài bản. Ngay cả trên thế giới cũng chẳng có nhạc sĩ nào đứng ra tự quảng bá, khai thác, kinh doanh chính tác phẩm của mình cả. Bản thân tôi, khi chưa có VCPMC đã tự đi đòi tiền tác quyền của mình rồi nên rất hiểu vấn đề này. Khi mình đi đòi với tư cách cá nhân mình bị tổn thương rất nhiều, vừa mất thời gian vừa thất thoát tài chính và hạn chế trong nhiều khía cạnh".
Nhạc sĩ Hoài An cho rằng: "Không một tác giả (cá nhân) nào thay thế được một tổ chức chuyên nghiệp về vấn đề bản quyền bởi nó cần một mạng lưới network. Chẳng hạn những show diễn ở Lạng Sơn, Cà mau...những địa phương ở xa thành phố, cá nhân mình không thể tự xây dựng mạng lưới để mà đi thu tiền ở khắp các tỉnh thành phố được, mà cái khởi đầu nhân văn nghĩa là phải tôn trọng tác giả và xin phép tác giả thì dường như không có. Hiểu vận dụng hay cố tình lách luật? Cái suy nghĩ của mọi người về quyền tác giả hay quyền liên quan đến quyền tác giả, đang đi ngược lại hết tất cả những gì mà thế giới và những nước đang phát triển áp dụng, đồng thời đi ngược lại với công ước Bern và kể cả WTO mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Vấn đề này không chỉ liên quan đến tác giả Việt Nam mà còn là cả tác giả quốc tế nữa”.
Nhạc sĩ Trần Minh Phi kể: “Ngày xưa nhóm nhạc sĩ trẻ thành phố chúng tôi gồm có tôi, nhạc sĩ Hoài An và một số anh em khác hàng ngày, hàng tuần phải chia nhau tự theo dõi, phát hiện sai phạm của các đơn vị kinh doanh, khai thác âm nhạc, nếu thấy tác phẩm của các thành viên trong nhóm bị xâm phạm thì liền gọi điện hẹn nhau đi đòi tiền. Tuy nhiên, khi chúng tôi chỉ ra CD nào hay băng đĩa nào có tác phẩm của chúng tôi mà hãng băng đĩa đó sử dụng chưa xin phép thì họ bắt chúng tôi phải có căn cứ. Đương nhiên, chúng tôi lại phải bỏ tiền ra mua chiếc đĩa gốc đó mang về để làm bằng chứng, rồi đưa chứng minh nhân dân, rồi đủ thứ chuyện mới đòi được tiền, chưa kể có những khi gặp phải đơn vị chẳng ra gì thì vừa mất thời gian, mất thể diện mà cũng vẫn không đòi được tiền. Từ khi có VCPMC chúng tôi chỉ còn tập trung vào sáng tạo nghệ thuật".
“Nhạc sĩ cần có thời gian và không gian để sáng tạo. Nên việc ủy quyền tác phẩm của mình cho Hiệp hội bản quyền là xu hướng của thế giới. Quản lý bản quyền âm nhạc cần cả một hệ thống theo dõi đối soát, cấp phép... nếu tự làm thì sẽ rất mất thời gian, khó kiểm soát, và thậm chí không hiệu quả. Bản thân các nhà sản xuất chương trình họ cũng có nhu cầu liên lạc một đơn vị đại diện cho tất cả các nhạc sĩ. Bởi vì nhà sản xuất cũng không muốn mỗi chương trình phải đi liên hệ từng nhạc sĩ để xin phép” - Nhạc sĩ Hoài An chia sẻ.
Ra đi để rồi lại trở về
Nếu tác giả không phải là thành viên của VCPMC sẽ phải tự mình kiểm tra nơi nào sử dụng tác phẩm để đòi lại quyền lợi khi mà các đơn vị tổ chức biểu diễn, kinh doanh âm nhạc đang cố tình lách luật, không tuân thủ đầy đủ những quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Và câu chuyện rút khỏi VCPMC rồi lại trở về là những câu chuyện có thật.
Cho tới nay, VCPMC đang tổ chức thu 20 lĩnh vực có sử dụng âm nhạc với phương thức thu theo từng bài hát, từng lượt sử dụng, hoặc thu “trọn gói” cho 1 năm sử dụng, và chỉ thu đối với những tác phẩm thuộc thành viên của VCPMC.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết: “1 tác giả lớn như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thì thời gian đầu gia đình cũng đặt nhiều nghi vấn, không tin tưởng những việc làm của VCPMC, nhưng sau một thời gian tự quản lý tác phẩm không thành, thì gia đình lại ủy thác cho VCPCM thực hiện. Và đến nay, niềm tin của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đối với ca nhân tôi và VCPMC là sự trân trọng, bởi chúng tôi minh bạch, đàng hoàng các khoản thu chi.
Hay như trong trường hợp nhạc sĩ Phạm Duy khi về Việt Nam ủy quyền toàn bộ cho Phương Nam Phim. Tuy nhiên, Phương Nam Phim chỉ nhận thực hiện quyền liên quan (đó là những trường hợp sản xuất bằng đĩa, hay những chương trình biểu diễn phải xin phép Phương Nam Phim) còn đối với bản quyền tác giả, Phương Nam Phim đã ký hợp đồng ủy quyền lại cho VCPMC thực hiện. Hoặc nhạc sĩ Lam Phương đã ký ủy thác với Bến Thành Audio nhưng, Bến Thành Audio cũng chỉ quản lý quyền liên quan và chuyển giao toàn bộ cho VCPMC quản lý và bảo vệ đúng theo luật bản quyền tác giả".
|
Đại diện thừa kế của nhạc sĩ Châu Kỳ, Ngô Thụy Miên, Phạm Trọng Cầu tại buổi gặp mặt thành viên VCPMC |
Một trong những nhạc sĩ rất có công trong việc thành lập VCPMC từ những ngày đầu cách đây 18 năm là nhạc sĩ Từ Huy, nhưng khi có VCPMC thì chính nhạc sĩ lại đặt dấu hỏi về sự minh bạch. Sau đó, chị Lan, vợ nhạc sĩ Từ Huy từng nói, có thể lúc sinh thời snh Từ Huy chưa hiểu hết về VCPMC và luật sư tư vấn chưa nắm rõ vấn đề bản quyền, nhưng đến giờ phút này gia đình nhạc sĩ Từ Huy rất trân trọng VCPMC bởi có những quý, gia đình nhận được số tiền từ 170 -200 triệu đồng tác quyền - một con số mà gia đình không nghĩ tới.
Trẻ nhất là ca sĩ nhạc sĩ Vũ Quốc Việt, người đã từng ký nhạc chuông nhạc chờ 1 hợp đồng trong suốt 5 năm mà chỉ nhận có 750.000 đồng. Thế rồi, rồi chính nhạc sĩ Vũ Quốc Việt đã Ủy thác cho VCPMC. Hiện nay, nhạc sĩ Vũ Quốc Viết có lúc lĩnh 60 -70 triệu đồng/quý.
"Việc các nhạc sĩ hay gia đình cố nhạc sĩ nào đó rút khỏi VCPMC đó cũng là chuyện hết sức bình thường vì tác phẩm là tài sản riêng của tác giả và khi mất đi quyền thừa kế thuộc về gia đình họ. VCPMC luôn mở rộng vòng tay đón các thành viên mới và kể cả những thành viên cũ trở lại vì VCPMC là đơn vị duy nhất đại diện tập thể của hơn 3.500 nhạc sĩ trong nước và quốc tế"- đại diện VCPMC cho biết.