Trào lưu "Độ ta không độ nàng" rầm rộ cả tháng nay vẫn chưa dừng lại. Ngày 1/7, video "Độ ta không độ nàng" sập hàng loạt trên mạng YouTube không rõ lý do khiến nhiều người hoang mang, bức xúc. Bởi lẽ, có những video đạt hàng triệu đến vài chục triệu lượt xem và được thể hiện bởi những giọng ca tên tuổi.
Sau khi tìm hiểu, nguyên do được xác định là có một đơn vị ở Việt Nam đã mua bản quyền bài "Độ ta không độ nàng" nên tất cả cá nhân, pháp nhân và tổ chức muốn sử dụng, sao chép, phân phối bài hát này phải trả phí tác quyền là 5 triệu đồng cùng 33% doanh thu đối soát.
Các chủ kênh phản ứng khác nhau. Anh Duy cùng một số YouTuber quyết định không mua bản quyền bài hát. Còn Khánh Phương xác nhận với VietNamNet đã hoàn tất việc mua bản quyền và hiện đang khai thác video bình thường.
|
Youtuber Thiên An đóng phí tác quyền để giữ MV 44 triệu view. Trong khi nhiều chủ kênh khác chấp nhận mất trắng. |
Đáng lưu ý, Phương Thanh phản ứng gay gắt trên trang cá nhân. Cô bức xúc khi bản cover "Tự thân nàng hãy cứu độ nàng" bị đánh sập đến 2 lần.
Phương Thanh nhấn mạnh đây là trò "chơi dơ đánh sập bài hát của người Việt mình với nhau" và tố ngược đơn vị này đã xài 'chùa' nhiều ca khúc của mình để kiếm tiền trong nhiều năm qua.
Mới đây, đơn vị nắm bản quyền bài "Độ ta không độ nàng" đã phản hồi với VietNamNet trước những chỉ trích nhắm vào mình.
Vị đại diện cho biết, sau khi bài “Độ ta không độ nàng” gây 'bão' tại Việt Nam, chủ sở hữu bản quyền tác phẩm tại Trung Quốc đã nhận được thông tin.
Trước đó, đơn vị này từng có thời gian hợp tác lâu dài với đối tác ở Trung Quốc nên được đối tác tin tưởng, giới thiệu làm việc cùng chủ sở hữu bài “Độ ta không độ nàng”. Sau khi làm việc, đơn vị được chủ sở hữu đồng ý ủy quyền quản lý và bảo vệ bản quyền cho tác phẩm “Độ ta không độ nàng” ở Việt Nam.
Trả lời câu hỏi vì sao không công bố bản quyền từ đầu mà phải đợi đến bây giờ? Đơn vị này cho biết dù đã được ủy quyền nhưng vẫn cần dành thời gian để tìm hiểu chắc chắc các thông tin liên quan đến bản quyền bài hát “Độ ta không độ nàng” cũng như thu thập các bằng chứng vi phạm của các bên. Khi đã chắc chắn tất cả các vấn đề về mặt pháp lý, đơn vị này mới tiến hành công bố bản quyền tác phẩm.
Đơn vị này khẳng định hiện đã có toàn quyền thực hiện các hành động cần thiết, bao gồm biện pháp pháp lý, để giải quyết các hoạt động khai thác trái phép tác phẩm; thay mặt chủ sở hữu bản quyền quyết định việc cho phép hoặc không với bên thứ ba sử dụng bản quyền tác phẩm; yêu cầu các bên vi phạm thanh toán các khoản phí bản quyền cho chủ sở hữu…
Người đại diện cũng cho biết, nhiều ca sĩ như Khánh Phương, Ưng Hoàng Phúc, youtuber Thiên An... đã chủ động liên hệ để mua bản quyền.
Trước các phát ngôn chỉ trích đơn vị 'chơi không đẹp', vị đại diện phản hồi: "Riêng với các trường hợp thiếu hiểu biết về luật bản quyền, thậm chí có các phát ngôn đi ngược quy định hay cổ xúy cho tình trạng vi phạm bản quyền, chúng tôi thực sự thấy đó là điều đáng buồn.
Càng đàng buồn hơn nếu đó là những ca sĩ đã có tên tuổi và hoạt động nghệ thuật lâu năm. Pháp luật về sở hữu trí tuệ có quy định và chế tài rất rõ ràng cho các trường hợp vi phạm bản quyền.
Sự việc hoàn toàn có thể diễn biến theo chiều hướng nghiêm trọng hơn khi tác phẩm bị vi phạm là một tác phẩm âm nhạc nước ngoài.
Việc chủ sở hữu ủy quyền cho chúng tôi xử lý và giải quyết vi phạm theo hướng thiện chí, hợp tác thay vì khởi kiện đã là một hướng xử lý rất chừng mực.
Các đơn vị tại Việt Nam nên tôn trọng và có động thái hợp tác giải quyết để đảm bảo quyền lợi và danh dự cho tất cả các bên liên quan".