Mới đây, khán giả và các nhà sản xuất điện ảnh Việt bỗng như lên “cơn sốt” khi tình cờ nghe đoạn ghi âm bị phát tán trên mạng do nghệ sĩ Cát Phượng gửi cho NSND Hồng Vân, nhà sản xuất bộ phim Xóm trọ 3D.
Trong đoạn ghi âm gửi với mục đích góp ý rất riêng tư, nghệ sĩ Cát Phượng đưa ra những lời nhận xét rất thẳng thắn về bộ phim của Hồng Vân. Ngoài ra, trong lời chia sẻ Cát Phượng cũng đề cập đến một phim ra rạp trước đó là Dạ cổ hoài lang của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và danh hài Hoài Linh.
"Chắc khán giả không khó tính"
Và tựu trung tất cả những lời nói của Cát Phượng đều mang hàm ý chê những bộ phim này đã làm không tốt trong rất nhiều khâu. Thật ra, khi nghe những lời nhận xét của Cát Phượng, cá nhân người viết vẫn cho rằng vẫn còn khá vừa phải.
Có một thực tế là phần lớn các nhà sản xuất ở VN không hiểu hết được thị trường điện ảnh Việt. Họ làm một bộ phim với vỏn vẹn niềm tin ở bản thân họ và những người xung quanh trong ekip. Thấy người ta làm phim hài thắng cũng nhảy vào, thấy người khác làm phim kinh dị có lời cũng cấp tập làm…
|
Xóm trọ 3D bị Cát Phượng góp ý thẳng thắn. |
Và đôi khi, câu chuyện còn buồn cười đến mức ở thời điểm như năm 2017 này mà vẫn có nhà sản xuất như nhà sản xuất của phim S.O.S Sói trắng nhận định: “Khán giả hiểu chưa đúng về thông điệp của bộ phim”.
Thật sự xin lỗi các nhà sản xuất, các đạo diễn hay thậm chí các diễn viên nào đó đã và đang có suy nghĩ giống như vậy. Nhưng phải nói nghiêm túc: “Khán giả thông minh hơn các anh/chị rất nhiều lần”.
Họ bỏ một số tiền không nhỏ ra để mua vé vào rạp. Họ dành một khoảng thời gian thư giãn ít ỏi trong tuần để đi xem bộ phim mà anh/chị làm ra. Họ khi chọn mua vé xem phim của các anh/chị thay vì là một bộ phim khác là đã đặt kỳ vọng vào việc sẽ có một khoảng thời gian giải trí đáng giá…
Trong khi đó, các anh/chị làm ra bộ phim với mục đích quan trọng nhất là “câu tiền khán giả”.
Có những bộ phim mà nhà sản xuất “gom góp” hầu như toàn người quen từ nhà đầu tư cho đến đạo diễn, diễn viên… mỗi người góp một ít (ai không có tiền có thể góp cát-xê) và cùng nhau thực hiện với niềm tin rằng sẽ có lãi chỉ sau khoảng 3-4 tuần phim chiếu.
Và vì là người quen và chơi với nhau nên cứ vậy mà phân vai, miễn là có người đóng còn chuyện phù hợp hay không thì… “chắc khán giả cũng không khó tính như vậy”.
Điện ảnh Việt đã từng chứng minh có những thất bại về mặt chất lượng phim và cả doanh thu (hoặc may mắn hoà vốn hay lời chút đỉnh) của những cái tên như Thuỷ Tiên, Ưng Hoàng Phúc… dù họ là những người rất giỏi ở lãnh vực ca hát.
Thậm chí có bộ phim mang tới cho nhà phát hành, nhà phát hành xem xong yêu cầu chỉnh sửa, và sửa tới sửa lui 4-5 lần nhưng vẫn không thể nào đạt được đúng yêu cầu. Thế là nhà phát hành đành từ chối.
|
Khi ra mắt, Dạ cổ hoài lang bị giới chuyên môn chỉ trích là nhập nhèm giữa điện ảnh và sân khấu. |
Rồi nhà sản xuất lại mang bộ phim đến cho nhà phát hành mới với kỳ vọng sẽ thuyết phục được… Một nhà phát hành có tên tuổi trong thị trường đã nhận định: “Chỉ cần sau khoảng 10 phút xem phim, tôi đã biết là mình có đủ tự tin để nhận phát hành hay không”.
Hiện tại, trong “nhà kho” của rất nhiều nhà sản xuất tại Việt Nam có rất nhiều bộ phim đã làm xong xuôi tất cả các khâu từ cách đây cả năm trời, nhưng vẫn chưa có nhà phát hành nào đủ dũng cảm đưa chúng ra rạp…
Bị chê thì "nhảy chồm chồm"
Đạo diễn - nhà sản xuất Dustin Nguyễn từng làm ra một bộ phim rất duyên dáng là Trúng số và thành công lớn về doanh thu. Một câu chuyện phim nhân văn dựa trên một sự kiện có thật, cộng hưởng với phần diễn xuất tốt của các diễn viên khiến cho khán giả thích thú.
Thế nhưng khi bắt tay vào sản xuất bộ phim Bao giờ có yêu nhau với sự góp mặt của Quý Bình và Minh Hằng, anh đã gần như đi một “nước cờ sai” với thế mạnh của mình. Phim trình chiếu, doanh thu thấp, nhưng vẫn được tung hô dù kịch bản không chặt chẽ, diễn xuất thiếu ấn tượng, kỹ xảo còn vụng về…
Điện ảnh thế giới không thiếu những trường hợp những bộ phim hay thậm chí là rất hay nhưng khi ra rạp thì khán giả lại không mặn mà. Nhưng với phim Việt thì trường hợp này khá hiếm…
Trong showbiz Việt từ lâu đã hình thành nên một câu cửa miệng: “Khen cho chúng nó chết”. Những lời khen vì thế mà được “tung bay” vô tội vạ, một người hai người nói không tin, nhưng cả ekip, bạn bè, người thân xung quanh ai cũng gieo “mật ngọt” thì… chắc chắn là đúng rồi. Và khi bị chê, nhiều nhà làm phim “nhảy chồm chồm” lên, phản ứng dữ dội.
|
Em chưa 18 thành công nhờ nắm bắt thị hiếu khán giả và sự mới mẻ. |
Ngay cả người giỏi nhất cũng sẽ trở thành kẻ yếu nhất vào giây phút tin rằng mình đứng trên tất cả mọi người. Ở đời, người khen có thể không cần kiến thức chứ kẻ chê thì nhất định phải am hiểu điều mình đang chê. Chân lý này xem ra vẫn không có mấy nhà sản xuất và đạo diễn ở Việt Nam hiểu rõ.
Có một chuyện hậu trường của bộ phim Em chưa 18 đạt doanh thu 170 tỷ đồng - cao nhất trong lịch sử phim chiếu rạp tại Việt Nam - có lẽ ít người được biết. Nhà sản xuất Charlie Nguyễn ban đầu chỉ đặt ra mục tiêu là không được lỗ, nghĩa là phim chỉ cần đạt doanh thu khoảng 40 tỷ đồng là thành công.
Trong khi đó, dự đoán của nhà phát hành là bộ phim sẽ đạt vào khoảng 60 tỷ đồng. Và kết quả cuối cùng thì ai cũng bất ngờ vì mọi thứ đều vượt ngoài sức tưởng tượng…Thành công của bộ phim xuất phát từ việc đánh giá đúng đối tượng khán giả và sự dũng cảm khi lựa chọn gương mặt diễn viên mới, thay vì đi theo lối mòn.
Những người trong ngành làm phim cần phải thừa nhận rằng mỗi lời chê chính là một động lực để hoàn thiện hơn nữa những tác phẩm điện ảnh trong tương lai. Điện ảnh Việt vẫn đang trong giai đoạn làm ra những bộ phim và mong khán giả yêu thích cũng như đồng cảm.
Chúng ta vẫn chưa bước đến giai đoạn làm ra những bộ phim để “dẫn dắt” khán giả đến một tầm cao mới về nhận thức. Bất kỳ một ngành công nghiệp nào cũng đều phải trải qua những giai đoạn rất căn cơ của nó. Hãy hiểu rõ thực tại.
Tiền vẫn còn rất nhiều trong túi của khán giả. Quan trọng là nhà sản xuất có đủ tài năng để làm ra những bộ phim hay cho khán giả tự nguyện móc ví để vào rạp hay không mà thôi.